Trước mắt, loại vàng miếng giao dịch mua bán với Ngân hàng Nhà nước là vàng miếng do cơ quan này tổ chức sản xuất (vàng miếng SJC).
Cụ thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 549/QĐ-NHNN về việc thành lập tổ giám sát gia công vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, có hiệu lực kể từ ngày 12/3/2013.
Tổ trưởng tổ giám sát gia công vàng miếng là ông Lê Thái Nam, Phó vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ Ngân hàng Nhà nước và các thành viên là một số lãnh đạo cấp phòng, kiểm soát viên, chuyên viên của các vụ, cục, đơn vị thuộc.
Tổ giám sát gia công vàng miếng có nhiệm vụ giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu của Ngân hàng Nhà nước đối với việc giao nhận, kiểm định vàng nguyên liệu, quá trình gia công vàng miếng và bàn giao sản phẩm vàng miếng SJC theo quy định hiện hành.
Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Thông tư số 06/2013/TT-NHNN hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước, nhằm hướng dẫn các quy định về hoạt động mua, bán vàng miếng theo quy định tại Quyết định số 16/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư này chính thức quy định loại vàng miếng dùng cho giao dịch mua, bán với Ngân hàng Nhà nước là vàng miếng hàm lượng 99,99%, loại 1 lượng do Ngân hàng Nhà nước cho phép sản xuất hoặc tổ chức sản xuất trong các thời kỳ. Trong thời gian trước mắt, loại vàng miếng giao dịch mua bán với Ngân hàng Nhà nước là vàng miếng do cơ quan này tổ chức sản xuất (vàng miếng SJC).
Đáng chú ý là tùy điều kiện thực tế, trong trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét mua bán các loại vàng miếng khác do Ngân hàng Nhà nước đã cho phép sản xuất trong các thời kỳ. Loại vàng miếng giao dịch cụ thể được thông báo cho các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp tham gia đấu thầu.
Về thời hạn thanh toán và giao vàng, Thông tư 06/2013/TT-NHNN quy định: đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước bán vàng, thời hạn thanh toán tiền mua vàng chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo ngày ký xác nhận giao dịch (T+1), thời hạn giao vàng là ngày làm việc tiếp theo ngày thanh toán đầy đủ tiền mua vàng; đối với trường hợp Ngân hàng Nhà nước mua vàng, thời hạn giao vàng chậm nhất là ngày làm việc tiếp theo ngày ký xác nhận giao dịch (T+1); thời hạn thanh toán là ngày làm việc liền kề tiếp theo ngày giao vàng đầy đủ.
Như vậy, có thể Ngân hàng Nhà nước “nắm đằng chuôi” trong cơ chế thời hạn thanh toán trên. Trong khi đó, khả năng giao vàng cho các tổ chức đầu mối có thể sang ngày thứ hai, là độ trễ tiềm ẩn nhiều rủi ro qua đêm, nhất là trong tình huống giá vàng thế giới biến động nhanh và khó lường.
Dù lãnh đạo vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước từng cho rằng sẽ thực hiện tổ chức đấu thầu và thanh toán nhanh chóng, vàng có thể giao ngay trong vòng 3 tiếng kể từ khi chốt giao dịch và thanh toán. Tuy nhiên, điều này không có trong quy định cụ thể với giá trị của một cam kết thực sự.
Còn trong thông tư trên có nêu một hướng khác rằng, căn cứ vào mục tiêu điều hành chính sách và diễn biến thị trường vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước có thể quyết định thời hạn giao vàng khác với thời hạn quy định nêu trên tại thông báo mua, bán vàng miếng hoặc thông báo đấu thầu cho các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.
Thông tư trên có hiệu lực kể từ ngày 13/3/2013.
Như vậy, sau khi có chỉ đạo tại nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, các bước chuẩn bị cho việc Ngân hàng Nhà nước vào cuộc bình ổn giá vàng, thu hẹp chênh lệch giá trong nước so với thế giới đã được triển khai, từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến thông tư hướng dẫn, ký hợp đồng gia công vàng miếng với Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), thành lập tổ giám sát gia công vàng miếng, tổ chức đấu thầu thử nghiệm…
Hiện thị trường đang chờ đợi sự vào cuộc chính thức của Ngân hàng Nhà nước. Còn giá trong nước những ngày gần đây vẫn cao hơn giá thế giới quy đổi trên dưới 3,7 triệu đồng/lượng.
* Bạn đọc có thể trao đổi bình luận thêm ở trang Bạn đọc viết của CafeLand
-
'Doanh nghiệp không biết vay vốn để làm gì'
Mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng âm. Các nhà băng cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp ngại vay vốn, mở rộng sản xuất khi sức mua chưa cải thiện. <br/br>
-
Theo số liệu của NHNN, nợ xấu của DN quốc doanh có sử dụng vốn tín dụng chiếm 70% tổng số nợ xấu. Điều này chứng tỏ rằng, sử dụng vốn kém hiệu quả của DNNN là nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh nợ xấu. <br/br>
-
Nền kinh tế trả lãi NH 20 tỉ USD/năm
Nền kinh tế sẽ khó phục hồi và phát triển nếu tiếp tục gánh chịu con số trả lãi ngân hàng cao ngất như thế.