Chưa phê duyệt đã… phá? Chưa được giao đất tại thực địa, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng nhiều héc-ta rừng phi lao phòng hộ đã bị chặt phá không thương tiếc. Ảnh: Nam Dũng
UBND tỉnh Khánh Hòa chưa có Quyết định thu hồi đất cho dự án
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Vân Phong: Dự án Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai nằm trong Quy hoạch KKT Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 51/2005/QĐ-TTg ngày 11/3/2005. Do vậy, theo quy định tại Khoản 1 Điều 40 Luật Đất đai năm 2003, Điểm a Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, dự án này thuộc trường hợp được thu hồi đất.
Tuy nhiên, Khoản 1 Điều 40 Luật Đất đai 2003 quy định: “Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, KKT và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ”.
Luật Đất đai cũng quy định, trước khi giao đất thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải ban hành Quyết định thu hồi đất và giao đất cho BQL KKT.
Tất nhiên, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định trong luật: UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức; giao đất đối với cơ sở tôn giáo; giao đất, cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài. UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; giao đất đối với cộng đồng dân cư…
Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định trong luật là “Không được ủy quyền”. Đồng nghĩa với việc, UBND tỉnh Khánh Hòa phải ban hành Quyết định thu hồi đất, sau đó mới giao cho UBND thị xã Ninh Hòa thực hiện.
Điều 92 Luật Đất đai 2003 cũng đã quy định “Đất sử dụng cho KKT”:
1. Đất sử dụng cho KKT bao gồm đất để xây dựng KKT mở, KKT cửa khẩu và các KKT khác được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đất sử dụng cho KKT bao gồm các loại đất có chế độ sử dụng khác nhau trong khu vực riêng biệt nhằm khuyến khích đặc biệt cho các hoạt động đầu tư và xuất khẩu.
2. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao đất cho BQL KKT đối với diện tích đất đã thu hồi theo quy hoạch phát triển KKT đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.
Tuy nhiên, BQL KKT Vân Phong cho hay: Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, BQL KKT Vân Phong đã có Công văn số 751/KKT-GPMB ngày 7/10/2011 về việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai, trong đó đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa giao UBND thị xã Ninh Hòa tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (không đề xuất giao UBND thị xã Ninh Hòa tiến hành thu hồi đất của dự án). Ngày 19/10/2011, UBND tỉnh đã có Công văn số 5586/UBND-KT thống nhất với nội dung đề xuất trên của BQL KKT Vân Phong.
Đối với khu đất do UBND phường Ninh Hải quản lý (36,6ha) nằm trong phạm vi dự án, UBND tỉnh Khánh Hòa đang có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thủ tục đất đai đối với diện tích đất này để thực hiện dự án” - BQL KKT Vân Phong cho biết.
Như vậy, có thể khẳng định UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ giao cho UBND thị xã Ninh Hòa tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhưng điều “trái khoáy” là chưa có Quyết định thu hồi đất thì căn cứ vào đâu để tổ chức thực hiện!?
Cần xử lý nghiêm hành vi phá rừng phòng hộ
Vẫn theo trả lời của BQL KKT Vân Phong: Dự án đã lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đã được phê duyệt tại Quyết định số 83/QĐ-KKT ngày 15/7/2019.
Còn theo Báo cáo số 206 ngày 9/7/2018 của UBND thị xã Ninh Hòa về việc rà soát, xác định diện tích đất rừng phòng hộ bị ảnh hưởng dự án Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai đã khẳng định: Không có rừng phòng hộ trong các thửa đất bị ảnh hưởng bởi dự án Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai.
Nhưng trước đó, các đối tượng đã tiến hành chặt phá phần 36,6ha rừng phi lao được thể hiện trong Văn bản số 1163 ngày 19/4/2019 của UBND thị xã Ninh Hòa gửi Công an thị xã Ninh Hòa đề nghị: “Khẩn trương, kiểm tra xử lý nghiêm các đối tượng tổ chức phá rừng phi lao tại Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai. Báo cáo Thường trực Thị ủy, UBND thị xã chậm nhất là ngày 24/4/2019”.
Đến ngày 13/8/2019, tại Thông báo số 254 về Kết luận của UBND thị xã tại cuộc họp giao ban tuần tiếp tục có yêu cầu: “Khẩn trương đôn đốc, sớm giải quyết dứt điểm vụ việc chặt phá rừng phi lao”.
Tiếp đến ngày 25/9/2019, UBND thị xã yêu cầu Công an thị xã Ninh Hòa tập trung giải quyết các nội dung được giao trước đây: “Điều tra, xử lý vụ việc chặt phá rừng phi lao tại Khu du lịch Dốc Lết – Phương Mai”.
Tháng 10 và tháng 11/2019, UBND thị xã Ninh Hòa tiếp tục có văn bản nhắc nhở Công an thị xã Ninh Hòa giải quyết đứt điểm vụ việc phá rừng này nhưng vẫn không có kết quả.
Trước đó, tại Thông báo số 281 ngày 10/5/2019 của UBND tỉnh Khánh Hòa về Kết luận của Thường trực UBND tỉnh về việc nghe báo cáo điều chỉnh quy hoạch chi tiết đối với khu đất trồng cây Dương 36,6ha thuộc dự án Khu du lịch Dốc Lết - Phương Mai, thị xã Ninh Hòa, Thường trực UBND tỉnh có ý kiến:
Yêu cầu Công an thị xã Ninh Hòa tiếp tục điều tra vụ việc chặt phá cây Dương thuộc khu vực 36,6ha nêu tại văn bản này, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Tại một số Quyết định thu hồi đất mà UBND thị xã Ninh Hòa ban hành khi phê duyệt phương án bồi thường cho người dân tại phường Ninh Hải, đã có mục không đền bù hàng nghìn mét vuông đất cho người dân, do là đất “rừng phòng hộ”.
Điều này là phù hợp lịch sử cũng như thực tế bởi theo sổ Mục kê lưu tại UBND phường Ninh Hải do UBND xã Ninh Hải (trước đây) lập ngày 25/10/2001 và được Giám đốc Sở Địa chính Khánh Hòa Mai Đức Chính ký ngày 25/9/2002 cho thấy: “Tổng số diện tích rừng phòng hộ được giao cho UBND phường quản lý từ các thửa liền kề nhau khi ghép là hơn 36,2ha (sau đo thực tế là 36,6ha)”.
Trong một báo cáo khác, Sở Xây dựng Khánh Hòa có ý kiến cho biết, rừng phi lao ở đây được trồng từ những năm 1976.
Nếu đây là rừng phòng hộ thì theo quy định của Luật Lâm nghiệp năm 2017, để được chuyển mục đích sử dụng từ 20ha trở lên phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo xử lý nghiêm vụ việc theo quy định của pháp luật.