Ra Bắc công tác, lãnh đạo một ngân hàng thương mại có hội sở phía Nam gặp chuyện với phóng viên. Ông lắc đầu: “Mình đang trong một mớ bòng bong”.
Mục tiêu đến 2015 giảm được về 3% có phần “lãng mạn” khi mà chưa thực sự thiết lập và thực thi một cách đầy đủ, chặt chẽ cơ chế phân loại để nhận diện đúng mức độ nợ xấu.
Câu nói trên buột ra khi tay ông lướt iPad và dừng lại ở thông tin trên báo: “Theo chia sẻ của đại biểu Trần Du Lịch, không nên dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, mà huy động nhiều nguồn khác. Thậm chí, có thể mượn tạm các quỹ nhàn rỗi của Tổng công ty SCIC”.

Ý của vị lãnh đạo ngân hàng này là cho đến nay các giải pháp vĩ mô vẫn loay xoay với câu chuyện tiền đâu, dùng ngân sách hay không, hay đi “mượn tạm” vốn của tổ chức nào đó để xử lý nợ xấu.

Trong khi đó, việc phân loại nợ để nhận diện một cách chính xác mức độ nợ xấu vẫn còn thực hiện chưa xong.

“Thời gian qua chúng ta mới chỉ dọn dẹp, chỉnh đốn sổ sách là chính. Mấu chốt là phân loại nợ. Cái cơ chế phân loại theo ngày của Quyết định 493 theo tôi là đã lạc hậu. Quyết định 780 cho cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm là chính sách nhân đạo. Thông tư 02 mới thiết lập một thực tế sát hơn, nhưng hiện nhiều ngân hàng chưa dám áp dụng, chủ trương chung cũng đã giãn hai lần rồi”, ông nhìn nhận.

Riêng Thông tư 02 (sau sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 09), điểm mà người trong cuộc trên “sợ” nhất là cơ chế phân loại “một người đau mắt đỏ, cả nhà phải nhỏ thuốc” - doanh nghiệp có một khoản vay trở thành nợ xấu thì các khoản vay khác của họ ở các ngân hàng khác đều trở thành nợ xấu.

Khi áp cơ chế trên, dự báo nợ xấu ngân hàng sẽ còn tăng mạnh nữa. Vậy nên, mục tiêu đến 2015 giảm được về 3% có phần “lãng mạn” khi mà chưa thực sự thiết lập và thực thi một cách đầy đủ, chặt chẽ cơ chế phân loại để nhận diện đúng mức độ nợ xấu.

“Chúng ta vẫn cứ loay xoay vậy. Nợ xấu nếu không xử lý được nhanh thì nó càng lún sâu vào vũng lầy chi phí, gánh nặng sẽ càng lớn. Về vĩ mô thì vậy, còn các ngân hàng thương mại cũng loay xoay tự xử lý. Ngoài trích lập dự phòng, chúng tôi chỉ biết trông chờ vào thiện chí của khách hàng, còn không thì kết thân với tòa án. Chưa bao giờ ngân hàng thân tòa án đến vậy”, ông nói vui mà thực.

Theo câu chuyện ông kể, có chỗ quen thân thật, vì bạn bè. Khi xử lý nợ xấu, bí quá thì nhờ họ đánh tiếng với khách hàng một câu. Trước đây, “chiêu” này thường có tác động nhất định, bởi khách hàng có nợ xấu cũng quan ngại vấn đề pháp lý, hay họ cũng đôn đáo hơn khi món vay đã đến cửa tòa rồi.

Thế nhưng, nhiều khách hàng cũng bắt thóp được ngân hàng - không thể đơn phương tự xử lý tài sản thế chấp. Hết cách thì đơn cũng phải gửi đến tòa. Mấy năm nay nợ xấu tăng nhanh, ngân hàng chạy tới chạy lui với tòa án, riết rồi “thân”.

Chạy riết cũng khó xong. Nguyên tắc khi xử lý các vụ việc dân sự là hòa giải. Một lần chưa xong thì hòa giải nhiều lần. Hòa giải không xong thì mới xử. Có kết luận của tòa, việc xử lý tài sản còn mất khối thời gian thi hành án. Cho nên, mỗi khoản như vậy mất 2-3 năm để thu hồi (nếu được) là bình thường; chi phí bám theo nợ xấu như “hòn tuyết lăn” vậy.

“Trong khi vĩ mô đang loay hoay chuyện nguồn tiền, còn thực tế hàng ngày chúng tôi cần nhất là ý chí xử lý nợ xấu của khách hàng. Họ có hợp tác hay không? Có khi vì mất khả năng trả nợ, họ bất hợp tác luôn”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nêu thực tế.

“Ý chí có thể hiểu ví dụ cụ thể thế này: cái nhà khi thế chấp được định giá 10 tỷ đồng chẳng hạn, đến nay thị trường khó khăn và giá giảm sâu, chỉ bán được khoảng 7 tỷ, nhưng họ không chịu. Chứ còn ngân hàng bán 10 tỷ như họ muốn, bán được thì chết liền à. Cho dù có phán quyết của tòa thì tắc ở ý chí và sự hợp tác của khách hàng cũng khiến nợ xấu vẫn nằm đó”, ông nói.

Cũng như ý kiến của một số chuyên gia gần đây, ông mong đợi một hướng mới, xã hội hóa xử lý nợ xấu. Nghe thì to tát, nhưng nếu lập được sàn giao dịch nợ xấu, công khai minh bạch thông tin để thu hút tư nhân tham gia, chứ không chỉ riêng ngân hàng và Nhà nước, sẽ thúc đẩy tiến độ nhanh hơn và thực chất hơn là gửi nhờ ở VAMC...

Tuy nhiên, vẫn còn những nút thắt trong cơ chế và khuôn khổ pháp lý để có thể tổ chức một thị trường mua - bán nợ xấu và thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân như mong muốn trên. Các ngân hàng sẽ phải “thân” tòa án hơn nữa.

Hy vọng được đặt ra, năm 2015 dự kiến Bộ luật Dân sự có thể được xem xét sửa đổi, bổ sung. Giới ngân hàng kỳ vọng khó khăn trong xử lý tài sản thế chấp, về quyền sở hữu, về các thủ tục tòa án liên quan… sẽ có những điều chỉnh mang tính hỗ trợ.

Kể cả vậy, nếu sửa đổi luật thì vẫn còn mất thêm nhiều thời gian để các văn bản hướng dẫn sau đó ra đời và thực thi. Cho nên, nói mục tiêu giảm nợ xấu về 3% năm 2015 có phần “lãng mạn” là vậy.
Minh Đức (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.