31/10/2013 1:07 PM
Chiều 30/10, trao đổi với PV Infonet, ông Lê Thanh Cung, Chủ tịch tỉnh Bình Dương nói tỉnh sẽ có văn bản chính thức thông tin đến các cơ quan báo chí về việc ông Huỳnh uy Dũng tố cáo Chủ tịch tỉnh lên Thủ tướng, trong vài ngày tới.

Một góc KCN Sóng Thần 3.

Trước đó, trong một cuộc trao đổi dài hơn 10 phút với PVInfonet qua điện thoại sáng 23/10, Chủ tịch tỉnh Bình Dương nói rất nhiều vấn đề.
"Việc phê duyệt đó là thẩm quyền của tỉnh, chủ trương của tỉnh, làm theo Luật, theo quy định chứ không vì một doanh nghiệp cá nhân nào, không khác được”, ông Lê Thanh Cung khẳng định.

PV Infonet đã trao đổi, phỏng vấn khá nhiều DN kinh doanh hạ tầng công nghiệp, DN kinh doanh BĐS

Tại TP.HCM, và các thành viên, kể cả lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA). Từ đây được biết, trước đây, Chính phủ, Bộ Xây dựng không có chủ trương cho phép DN xây dựng nhà ở cho công nhân trong KCN, KCX. Khi đầu tư hạ tầng KCN, DN chỉ cần lập “Quy hoạch tổng thể 1/2000” trình để cơ quan quản lý phê duyệt. Chứ không bắt buộc lập quy hoạch chi tiết 1/500.

Việc quy hoạch chi tiết 1/500 sẽ do Ban quản lý KCN xem xét. Chính vì điều này, khi DN muốn xây dựng nhà ở cho công nhân, buộc phải tách ra thành một dự án riêng để lập quy hoạch chi tiết 1/500, bởi lẽ đã là dự án nhà ở thì bắt buộc phải có quy hoạch chi tiết 1/500.

Điều này có gây những khó khăn trở ngại cho DN muốn chăm lo cho đời sống, chỗ ở cho công nhân. Chính vì đó, lần đầu tiên tại TP.HCM có một bước đột phá là có 2 DN Nhật Bản xây nhà ở cho công nhân trong KCN nơi họ đặt nhà máy. Tuy nhiên, do Chính phủ, Bộ chưa có chủ trương này nên khoản chi phí xây dựng này đã không được tính vào chi phí doanh nghiệp mà lại tính vào lợi nhuận. Có nghĩa, 2 DN không những không được tính khoản đầu tư này vào chi phí DN, mà còn bị đánh 25% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Chính từ điều này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, các nhà kinh doanh BĐS và kinh doanh KCN, KCX, Khu kinh tế ở thành phố này đã có xu hướng ủng hộ việc xây dựng nhà ở cho công nhân trong KCN. Tại các cuộc hội thảo, hội nghị, các cuộc gặp gỡ…, các nhà quản lý, các DN ở TP.HCM liên tục đưa ra các ý kiến đề xuất với Chính phủ, với các Bộ như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội…

Và quá trình hợp tác trao đổi, kiến nghị miệt mài đó đã có kết quả. Chính phủ ban hành quyết định số 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 do chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký.
Trong quyết định này, không những Chính phủ cho phép DN đầu tư hạ tầng KCN được phép xây dựng nhà ở cho công nhân trong KCN, mà còn nêu rất chi tiết về các quyền lợi mà đơn vị đầu tư được hưởng, như ưu tiên quỹ đất, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, miến thuế GTGT, thuế TNDN, chi phí xây dựng được tính vào chi phí DN, được hỗ trợ tín dụng và ưu đãi lãi suất... Và tại điều 3 quyết định này còn quy định cho phép DN xây nhà ở thương mại: Khi phê duyệt quy hoạch khu nhà ở công nhân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho phép sử dụng một phần quỹ đất này để xây dựng nhà ở thương mại, tạo nguồn bù đắp chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu nhà ở công nhân”.
QĐ 66/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ:
Chủ đầu tư các dự án nhà ở công nhân khu công nghiệp (bao gồm các chủ đầu tư cấp I và chủ đầu tư cấp II, quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Quyết định này) được hưởng các cơ chế ưu đãi đầu tư sau đây:

a) Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong phạm vi dự án;

b) Được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng ở mức cao nhất (thuế suất 0%);

c) Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm, kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo và được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong suốt thời gian hoạt động;

d) Các doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở công nhân (không thu tiền thuê hoặc có thu tiền thuê nhưng giá cho thuê không vượt quá mức giá cho thuê nhà ở xã hội theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) và các doanh nghiệp thuê nhà cho công nhân ở thì được tính chi phí nhà ở là chi phí hợp lý (tính vào giá thành sản xuất) khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp;

đ) Được hỗ trợ tín dụng đầu tư từ các nguồn:

- Vay vốn tín dụng ưu đãi hoặc bù lãi suất theo quy định;

- Vay từ Quỹ phát triển nhà ở của địa phương và các nguồn vốn vay ưu đãi khác (nếu có);

- Được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ lãi vay (tuỳ theo khả năng ngân sách của từng địa phương);

e) Được cung cấp miễn phí các thiết kế mẫu, thiết kế điển hình về nhà ở cũng như các tiến bộ khoa học kỹ thuật về thi công, xây lắp nhằm giảm giá thành xây dựng công trình; được áp dụng hình thức tự thực hiện nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật hoặc chỉ định thầu đối với các hợp đồng tư vấn, thi công xây lắp và mua sắm thiết bị;

g) Được Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp thoát nước).

Đặng Vỹ (Infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.