02/10/2023 1:33 PM
Đó là một trong những đề xuất của TS. Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CEO Group để hồi phục và phát triển thị trường bất động sản.

Theo ông Bình, nên xem xét một vài khu kinh tế ven biển để phát triển thành đặc khu kinh tế

Tham khảo mô hình từ nước ngoài

Theo ông Bình, trước hết về thể chế, cần khai thác tối ưu các sân chơi quốc tế. Với xu hướng ký kết nhiều hơn các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thì điều này là rất cần thiết.

Bên cạnh đó, kiến nghị cho phép người nước ngoài là đối tượng sử dụng đất, tạo điều kiện cho người nước ngoài mua và sở hữu nhà ở, bất động san du lịch theo quy định của pháp luật Việt Nam, đồng bộ giữa Luật Đất đai với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.

Ông Bình cho biết: “Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các nước trên thế giới, nước nào cũng có các cơ chế phát triển đặc khu kinh tế. Thậm chí có những đặc khu kinh tế rất hấp dẫn mà các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và phát triển. Vì vậy, nếu có thể, chúng ta cũng nên xem xét một vài khu kinh tế ven biển để phát triển thành đặc khu kinh tế”, ông Bình đề xuất,

Bên cạnh đó, quan sát hạ tầng trên thế giới, Chủ tịch HĐQT CEO Group thấy rằng, các sân bay không chỉ là nơi đi lại mà ở đó còn là nơi mua sắm, vui chơi, giải trí. Và quan trọng nhất là trở thành điểm đến của khu vực. Đặc biệt, sân bay là cỗ máy kiếm tiền và mang du khách đến đất nước. Do đó, ông Bình cho rằng, nếu sân bay Long Thành sắp tới làm được điều này sẽ rất tốt để thu hút thêm khách du lịch, nâng cao phát triển kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, việc phát triển tàu cao tốc chỉ 200km/h theo ông là đang hơi lạc hậu, vì nhiều nước trên thế giới, và gần ta nhất là Trung Quốc đã xem xét có những tàu siêu tốc có tốc độ 1.000km/h

Tiếp đến là dân số và nguồn nhân lực. Nhiều nước trên thế giới có nhiều việc nhưng lại thiếu người làm, có người thì lại không thích làm. Vì vậy, chúng ta cần duy trì tỷ lệ sinh trên 2 con để đảm bảo nguồn lực.

Vị này cũng kiến nghị Nhà nước xem xét tham gia trực diện hơn vào việc cung cấp nhà ở xã hội (Nhà nước tạo lập và sở hữu nhà ở xã hội cho thuê song song với các doanh nghiệp), tạo lập thị trường cạnh tranh, theo cơ chế thị trường, đa dạng phân khúc, mở rộng đối tượng, linh hoạt về địa điểm. Đồng thời gắn thêm các dịch vụ hỗ trợ cùng với nhà ở xã hội là dịch vụ cung cấp việc làm. Vì có việc làm mới có thu nhập để trả tiền thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Từ kinh nghiệm thực tế tai các nước Brunei, Singapore, New Zealand, ông Bình dẫn ví dụ về các mô hình nhà ở tại đây.

Theo ông Bình, mô hình nhà ở HDB của Singapore chúng ta đã nghe nhiều. Mô hình của New Zealand cũng rất hay, nhà ở xã hội ở New Zealand có 2 bên cung cấp. Bên thứ nhất là nhà nước xây nhà ở xã hội để cho thuê và cũng tạo điều kiện cho tổ chức tư nhân tham gia. Trên thị trường, nhà nước cung cấp khoảng 65% nhà ở xã hội, 35% còn lại là của 61 nhà phát triển tư nhân. Nhà ở xã hội của nhà phát triển tư nhân có giá cho thuê bằng 80% giá thị trường, nhà nước bù 20% tiền thuê cho doanh nghiệp tư nhân.

Như vậy thì nhà nước vẫn điều hành, tạo ra một thị trường cạnh tranh, vận hành theo cơ chế thị trường, quan trọng là tạo ra một sân chơi bình quyền cho nhà ở xã hội, vị trí nhà có thể là ở bất kỳ đâu, các phân khúc nhà ở xã hội cũng rất đa dạng từ trung cấp đến cao cấp.

Thông qua các mô hình nhà ở xã hội cho thấy điểm chung là Chính phủ tham gia trực diện hơn, vận hành bằng cơ chế thị trường, không phân biệt nhà ở xã hội hay nhà ở giá rẻ, đa dạng địa điểm.

Tiếp đó, vị này đề xuất có thể gộp sàn kinh doanh bất động sản và sàn giao dịch quyền sử dụng đất. Theo ông Bình, nếu điều này được thực hiện, sẽ bớt thủ tục hành chính, bớt chi phí mà vẫn kiểm soát được thị trường.

Ngoài ra, ông Bình còn kiến nghị về việc xây dựng trung tâm tài chính của khu vực và thế giới, đầu tư quỹ tín thác để cung cấp nguồn vốn bền vững cho thị trường.

Đồng thời để kích cầu du lịch và phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, vị này kiến nghị tham khảo mô hình đảo Hải Nam Trung Quốc cũng như vấn đề người nước ngoài mua bất động sản tại Việt Nam.

Kiến tạo đi cùng kiểm soát rủi ro

Liên quan đến những giải pháp cho thị trường, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng, thị trường bất động sản cũng như các thị trường khác cần được kiến tạo để phát triển nhưng vẫn cần kiểm soát rủi ro. Chúng ta cần phát triển hài hoà cân bằng hơn từ cung cầu, giá cả đến quy hoạch,…

Mặt khác, cần chú trọng điều tiết cung cầu, giá cả thị trường bất động sản, sớm giải quyết dứt điểm những vụ việc vướng mắc, vi phạm pháp lý còn tồn đọng để lấy lại niềm tin cho nhà đầu tư; thực hiện tốt các cơ chế chính sách, nghị quyết đã ban hành trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, cần phân nhóm thị trường bất động sản để dễ dàng kiểm soát quản lý cung ứng, điều tiết đánh thuế phù hợp. Thị trường bất động sản có 4-5 phân khúc, từ đó phân nhỏ hơn để có hướng kiểm soát quản lý và đó cũng là nền tảng cho ngân hàng điều hành tín dụng phù hợp.

Cùng với đó, cần hoàn thiện thể chế theo hướng sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng… đúng hạn, chất lượng; cân nhắc phương án tiếp tục thực hiện Nghị định 65 (2022) từ đầu năm 2024.

Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, để các chính sách, giải pháp, biện pháp của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ Xây dựng cùng các ban ngành đề ra đạt được kết quả như mong đợi thì cần có thời gian, và cần có sự vào cuộc phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp ban ngành, sự ủng hộ, đồng tình của doanh nghiệp, người dân và coi đây là nhiệm vụ cấp bách quan trọng cần tập trung giải quyết theo nguyên tắc thuộc thẩm quyền cơ quan nào thì cơ quan đó phải có trách nhiệm giải quyết.

Khiêm Phạm
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.