16/10/2013 10:05 AM
VCTD được thành lập để đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ với các cổ đông lớn như Tổng công ty VINACONEX, Tập đoàn Viettel, Ngân hàng Quân đội - MB Bank, Công ty Chứng khoán Dầu khí…

Phụ lục hợp đồng không có giá trị?!

Hợp đồng số 33/2010/HĐ/VCTD-KD do VTCD soạn thảo, in ấn, đóng thành quyển, ký đóng dấu và đóng dấu giáp lai trên tất cả các trang của Hợp đồng và các phụ lục 1, 2, 3, 4, sau đó chuyển cho VPCapital ký đóng dấu. Các phụ lục hợp đồng 1, 2, 3,4 của Hợp đồng nguyên tắc số 5 được các bên giữ nguyên và thêm 1 tờ phía trước đề tên phụ lục hợp đồng số 33.

Trong điều 8, Hợp đồng 33/2010/HĐ/VCTD-KD quy định rõ về nghĩa vụ Bên chuyển nhượng phải “tuân thủ các yêu cầu về, số lượng, chất lượng, chủng loại các loại vật liệu và hệ thống thiết bị được quy định tại Phụ lục 2 và 3 của Hợp đồng này”.

Mặt khác, ngày 26/6/2013 VCTD đã có bản rà soát các phụ lục 2,3 gửi VPCapital khẳng định hầu hết các hạng mục tại các phụ lục này đều được VCTD đáp ứng yêu cầu và tại Biên bản số 394/BB/VCTD ngày 29/6/2013 về việc chuẩn bị công tác tiếp nhận cũng ghi rõ ý kiến của VCTD “sau khi kiểm tra hồ sơ Dự án (kèm theo theo các phụ lục của Hợp đồng như đã cung cấp)…”.

Ảnh chụp TTTM Chợ Mơ (Nguồn VPCapital)

Trong suốt quá trình thực hiện Hợp đồng 33/2010/HĐ/VCTD-KD, VCTD không có bất cứ thắc mắc gì về các phụ lục 1, 2, 3, 4 mà chỉ đến thời điểm VCTD cùng VPCapital cùng đi kiểm tra các hạng mục (vào tháng 7/2013) thì phía VPCapital mới phát hiện VCTD đã thi công Trung tâm thương mại không tuân thủ các điều kiện được quy định tại Hợp đồng số 33 và các phụ lục. Ngay lập tức, VPCapital cùng công ty tư vấn nghiệm thu độc lập chụp ảnh quay phim và phát hiện ra hàng trăm lỗi sai phạm nghiêm trọng về chất lượng, số lượng, chủng loại, thiết kế công trình gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của VPCapital.

Sự việc căng thẳng xảy ra khi khách hàng yêu cầu bồi thường thiệt hại do VCTD đã gây ra (với số tiền bồi thường còn ít hơn rất nhiều so với quy định phạt vi phạm hợp đồng được ghi rõ trong hợp đồng). VCTD đã ký Hợp đồng với Văn phòng luật sư AIC để tìm cách tuyên bố các phụ lục 1,2,3,4 của Hợp đồng số 33 đều không có giá trị mặc dù đã được chính VCTD soạn thảo, in ấn, đóng quyến, ký đóng dấu và giáp lai vào tất cả các phụ lục cùng các trang của hợp đồng số 33 trong quyển hợp đồng này trước khi chuyển sang cho VPCapital ký với lý luận là dấu giáp lai không có giá trị ràng buộc, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên; VCTD không có nghĩa vụ thanh toán số tiền phạt; VPCapital đã vi phạm nghĩa vụ thanh toán khi thanh toán thiếu hơn 138.000 USD trong tổng số 70% giá trị hợp đồng.

Phía VPCapital cho rằng, việc phủ nhận các phụ lục 1, 2, 3, 4 của VCTD là nhằm mục đích để VCTD trốn tránh trách nhiệm cho những sai phạm trong thi công của mình. Hành vi không công nhận phụ lục của Hợp đồng của VCTD là có dấu hiệu gian lận, trong trung thực, vi phạm đạo đức kinh doanh.

Trở mặt với đối tác

Sau khi khách hàng khiếu nại việc VCTD thi công sai với các quy định trong hợp đồng 33 và các phụ lục kèm theo, VCTD đã không dám xác nhận mà còn đổ lỗi cho khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán vì chuyển tiền chưa đủ 70% của hợp đồng nhằm chuyển lỗi của mình sang lỗi của khách hàng.

Tuy nhiên, theo điều 5.1 khoản b của Hợp đồng số 33/2010/HĐ/VCTD-KD: “Sau khi Bên chuyển nhượng hoàn thành phần thô của Khu TTTM trước ngày 1/9/2011 và gửi đề nghị thanh toán, Bên nhận chuyển nhượng thanh toán cho Bên chuyển nhượng một khoản tiền tương ứng 30% giá trị chuyển nhượng”.

Chất lượng biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng mục đưa vào sử dụng khiến VPCapital "tá hỏa"

Điều kiện nhận thanh toán là: Bên chuyển nhượng phải cung cấp cho Bên nhận chuyển nhượng Giấy phép xây dựng của Dự án; Biên bản nghiệm thu nội bộ giai đoạn phần thô Khu TTTM có đầy đủ chữ ký của các bên liên quan”.

Nhưng đến ngày 1/9/2011, VCTD vẫn không hoàn thành phần thô khu TTTM và không cung cấp đủ các tài liệu liên quan để đủ điều kiện cho VPCapital thanh toán. Thậm chí, đến ngày 1/11/2011, chỉ mới hoàn thành phần sàn của tầng 5A còn phần mái của diện tích thông tầng tầng 5 và tầng 5A (tức sàn của tầng 6) VCTD vẫn chưa thi công. Cho đến ngày 30/6/2013 VCTD mới chỉ bàn giao cho VPCapital Biên bản bàn giao hạng mục của sàn tầng 5A (Không phải mái tầng 5A).

Ngoài ra, ngay từ khi VCTD thi công phần thô tầng hầm và các tầng của khu TTTM, phía VCTD đã biết rõ việc TTTM đã không được VCTD thi công theo đúng thiết kế cơ sở theo quy định của Hợp đồng số 33 và VCTD cũng không có thông báo cho VPCapital biết về việc này mà VCTD vẫn cố tình phát hành văn bản yêu cầu VPC thanh toán đợt 2.

Chỉ đến khi VPCapital đi kiểm tra sau ngày 30/6/2013, VPCapital mới biết được VCTD đã vi phạm việc xây dựng không đúng với thiết kế cơ sở ngay từ khi thi công phần thô.

Đối chiếu với quy định trên, VCTD đã vi phạm hợp đồng và VPCapital có quyền không thanh toán đợt 2 và yêu cầu bồi thường hợp đồng. Nhưng để tạo điều kiện cho VCTD có vốn để xây dựng theo đúng tiến độ, VPCapital vẫn chuyển phần lớn số tiền của 30% đợt 2 là hơn 188.350.270.000 đồng (tương đương gần 30% giá trị hợp đồng) và chỉ giữ lại một số ít tiền để đối trừ phần lãi suất do VPCapital phải ứng tiền trước cho VCTD. Theo tính toán của VPCapital số lãi suất tạm tính phát sinh do VCTD chậm hoàn thành phần thô từ ngày VPCapital chuyển tiền là ngày 26/9/2011 đến tháng 11/2011 (thời điểm mà VCTD mới bàn giao hồ sơ nghiệm thu sàn tầng 5A - chưa xong phần thô) lớn hơn cả số tiền mà VPCapital giữ lại để đối trừ lãi suất.

Theo VPCapital, tính đến 1/9/2011 và thậm chí đến trước ngày 30/6/2013, VCTD đã vi phạm hợp đồng và chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình đối với điều kiện thanh toán đợt 2 của Hợp đồng số 33. VPCapital có quyền yêu cầu VCTD phải trả lại toàn bộ tiền đã thu và bồi thường theo quy định của Hợp đồng.

Trên thực tế, quá trình thực hiện Dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ, VPCapital đã hỗ trợ về tài chính cho VCTD trong quá trình xây dựng dự án bởi tài chính để xây dựng của Dự án này được lấy số tiền của VPCapital chuyển cho VCTD (mặc dù VCTD không đủ điều kiện được nhận số tiền đó) và cũng như những khoản vay tại các tổ chức tín dụng đều do VPCapital kết nối giúp VCTD.

Đây là hành vi lừa dối đối tác một cách trắng trợn của VCTD nhằm chiếm đoạt tiền trái phép của VPCapital. Việc VCTD “trở cờ” với đối tác, phủ nhận phụ lục hợp đồng có thể chỉ là một trong các chiêu trò để VCTD trốn tránh trách nhiệm trong nhiều vi phạm về tiến độ xây dựng, chất lượng công trình mà chúng tôi sẽ đề cập trong các bài viết sau.

Chủ đầu tư đang đổi trắng thay đen?

Những lập luận ngang ngược, thiếu tình thiếu lý đã khiến các thành viên và khách hàng của VPCapital đặt ra câu hỏi: VCTD được thành lập bởi các tập đoàn, tổng công ty , ngân hàng lớn có uy tín như: Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Vinaconex, Ngân hàng Quân đội, công ty chứng khoán dầu khí ... trong quá trình thực hiện một dự án lớn như TTTM Chợ Mơ lại tồn tại nhiều sai phạm như vậy. Đặc biệt hơn, khi sai phạm xảy ra, chủ đầu tư không những không cùng khách hàng giải quyết hậu quả mà còn lật lọng, vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.

VCTD được thành lập để đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ với các cổ đông lớn như Tổng công ty VINACONEX, Tập đoàn Viettel, Ngân hàng Quân đội - MB Bank, Công ty Chứng khoán Dầu khí...

Câu hỏi đặt ra là, những sai phạm trong quá trình điều hành, quản lý, xây dựng, kinh doanh dự án kéo dài từ 2010 đến nay mà các chủ sở hữu như Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Vinaconex, Ngân hàng Quân đội, công ty chứng khoán dầu khí ... lại không biết gì? Ai đã chống lưng để VCTD thực hiện hành vi bội tín với khách hàng?

Nhưng chỉ bằng với các luận điểm trên, không khó để nhận ra, VCTD đã không sòng phẳng, minh bạch với đối tác và với các cổ đông của mình. Điều đáng nói hơn là việc VCTD phủ nhận Hợp đồng số 33 đã làm ảnh hưởng đến các cổ đông thành lập VCTD.

Được biết, VCTD được thành lập để đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm thương mại Chợ Mơ với các cổ đông lớn như Tổng công ty VINACONEX, Tập đoàn Viettel, Ngân hàng Quân đội - MB Bank, Công ty Chứng khoán Dầu khí, …Việc bị đối tác “tố” VCTD lật lọng, vi phạm hợp đồng không những ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín của các Tập đoàn, doanh nghiệp nêu trên mà còn ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của nhà nước bởi hiện VPCapital đang đòi VCTD bồi thường thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Thế Phong (Vland)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.