"Trượt" qua nhiều cơ hội do không sẵn vốn nên "giữ tiền mặt chờ thời" là câu trả lời của hầu hết những nhà đầu tư (NĐT) trước câu hỏi "chọn kênh đầu tư gì cho năm nay".

Chọn kênh đầu tư 2012: Tiền mặt lên ngôi

Trước câu hỏi “có tiền nhàn rỗi mua gì trong năm 2012”, 19/27 nhà đầu tư chọn vàng - ảnh: Đào Ngọc Thạch


Giữ tiền "canh" vàng


Giá vàng những ngày giao thời giữa năm cũ và năm mới thực sự khiến "kẻ cười, người khóc". Những người kiên định với việc vàng "chỉ tăng, không giảm" đã lỗ nặng khi giá vàng xuống dưới ngưỡng 42 triệu đồng/lượng tại các phiên giao dịch chốt năm 2011. Nhưng cũng không ít người "lướt sóng" thành công nhờ vượt qua nỗi sợ hãi trước dự báo vàng sẽ "lao dốc" để gom hàng ở mức đáy và "làm bàn" kịp thời khi vàng tăng trở lại. Phụ thuộc vào giá thế giới, vào những quy định tại thị trường nội địa, vào tỷ giá... là rủi ro lớn khi đầu tư vào vàng. Tuy nhiên, thanh khoản cực cao với các bước tăng, giảm mạnh lại chính là yếu tố quan trọng nhất giúp kim loại quý này giữ vững vị trí số 1 trong bảng xếp hạng các kênh đầu tư năm 2012.


Chọn vàng nhưng khuyến cáo chưa nên mua ở thời điểm hiện tại mà phải chờ giá vàng giảm sâu nữa, TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM - phân tích cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn chưa có tín hiệu khả quan sau hội nghị các nhà lãnh đạo của khối này hồi cuối năm 2011. Sau diễn biến trên, giá vàng và chứng khoán thế giới đã giảm khá mạnh vì lãi suất trái phiếu chính phủ các nước Ý, Tây Ban Nha... tăng. Điều này cho thấy khả năng thiếu tiền mặt là rất lớn. Các tổ chức đầu tư, không ngoại trừ chính phủ các nước sẽ bán vàng để huy động tiền mặt. Cung tăng mạnh từ nguồn này là yếu tố đầu tiên dự báo vàng sẽ còn tiếp tục giảm. Thứ 2 là chỉ số sản xuất của Trung Quốc đang giảm chứng tỏ nền kinh tế toàn cầu đình đốn, tăng trưởng thấp và có nguy cơ rơi vào thiểu phát. Khi đó, nhu cầu tiền mặt sẽ tăng cao, các chủ thể trong nền kinh tế chuyển sang nắm giữ tiền mặt. Đó là lý do giá vàng sẽ điều chỉnh giảm. Với phân tích này, ông Chí cho rằng, các NĐT nên "giữ tiền mặt, gửi ngân hàng chờ cơ hội mua vàng giá rẻ". "Vàng giá rẻ" mà ông Chí dự báo ở mức 1.300 USD/ounce đối với giá thế giới và giá trong nước ở mức khoảng 37 triệu đồng/lượng. Câu hỏi đặt ra là, nếu "vợt" được vàng ở mức giá này thì những yếu tố nào sẽ khiến vàng tăng trở lại? Theo ông Chí, sau các động thái trên, các chính phủ tiếp tục cung tiền, nguy cơ lạm phát cao thì theo quy luật tất yếu, vàng tiếp tục tăng trở lại. Đó là cơ hội "làm bàn" cho các NĐT chọn vàng trong năm 2012 này.


Thực hiện một "khảo sát bỏ túi" đối với 27 NĐT bất kỳ trước câu hỏi "có tiền nhàn rỗi mua gì trong năm 2012", 19 câu trả lời trong số này chọn vàng.


Chứng khoán vượt lên


Do phụ thuộc khá nhiều vào các chính sách vĩ mô khiến cơ hội từ các kênh đầu tư năm nay chưa thực sự rõ ràng, nên giải pháp khả thi nhất đối với nhiều người vẫn là “giữ tiền mặt chờ thời”

Nếu như vị trí đầu bảng của vàng gần như tất yếu thì chứng khoán lại gây nhiều ý kiến cả trong giới chuyên gia và giới đầu tư trực tiếp. Giảm liên tục và mất thanh khoản trầm trọng, kéo dài nhiều năm, trong mắt nhiều NĐT cũng như giới chuyên gia, chứng khoán bị gạt bỏ không thương tiếc trong giỏ đầu tư năm 2012. Tuy nhiên, kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế mà chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước sẽ chính thức khởi động trong năm nay đã đưa chứng khoán trở lại bảng xếp hạng các kênh đầu tư. Nhận "vé vớt" nên việc có những luồng ý kiến trái chiều về chứng khoán cũng là điều dễ hiểu. "Phe không ủng hộ” cho rằng, khi mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế chưa rõ ràng, các NĐT dài hạn sẽ không bao giờ giải ngân vốn. Họ đang có tâm lý chờ đợi những biện pháp cụ thể từ Chính phủ nên tiếp tục đứng ngoài quan sát các nỗ lực trong việc này rồi mới tính chuyện đầu tư. Một yếu tố làm "kẹt" cho chứng khoán nữa là, ngân hàng - kênh cung ứng vốn cho thị trường hiện đang khó khăn và cũng đang là đối tượng phải tái cấu trúc. Chính vì vậy, rất khó để chứng khoán có thể khởi sắc trong năm nay. Lập luận logic và hợp lý của phe này khiến họ mạnh tay đẩy chứng khoán xuống "chót" bảng.


Với góc nhìn lạc quan hơn, “phe ủng hộ” cho rằng, Chính phủ muốn tái cấu trúc tất cả các doanh nghiệp nhà nước nên thị trường chứng khoán năm nay sẽ chứng kiến các cuộc IPO rầm rộ. Quyết tâm tái cấu trúc và để "chắc thắng", giá cổ phiếu của nhiều doanh nghiệp lớn sẽ được nghiên cứu ở mức hấp dẫn. Đây là động lực "ấm" lại của thị trường, tạo cơ hội cho các NĐT muốn "đón gió" từ các chính sách vĩ mô.


Vốn làm khó bất động sản


Vốn lớn nên sự hấp dẫn hay lạnh lẽo của bất động sản (BĐS) phụ thuộc rất lớn vào dòng vốn trong nền kinh tế. Đặt mục tiêu kiềm chế lạm phát lên hàng đầu trong năm nay, Chính phủ đã gửi đi thông điệp, chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục bị thắt chặt. Định hướng của Ngân hàng Nhà nước cho tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay cũng chỉ 15% - 17%, thấp hơn năm 2011. Điều này đồng nghĩa với việc, nguồn vốn cung cấp cho các công ty BĐS, cho NĐT và cả cho những người có nhu cầu nhà, đất thực sự cũng bị hạn chế. Dòng vốn nước ngoài vào thị trường này thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối cũng sẽ giảm khi mà giá nhà của nhiều nước trên thế giới còn thấp hơn trong nước. Những yếu tố này khẳng định, cơ hội kiếm lời từ BĐS trong chu kỳ 1 năm là quá khó. Đó là lý do, BĐS - kênh đầu tư nhiều năm đứng vị trí số 1 đã chính thức bị xếp lại trong rổ đầu tư của năm sau. Theo giới chuyên gia, BĐS hiện nay phải tính chu kỳ dài hơi, từ 3-5 năm nữa.


Do phụ thuộc khá nhiều vào các chính sách vĩ mô khiến cơ hội từ các kênh đầu tư năm nay chưa thực sự rõ ràng, nên giải pháp khả thi nhất đối với nhiều người vẫn là "giữ tiền mặt chờ thời".

Theo Nguyên Khanh (Thanh Niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: tai chinh