17/11/2016 7:51 AM
Cùng với các dịch vụ ngân hàng khác, vay tiêu dùng đang được coi là "mốt" với khách hàng cá nhân bởi thủ tục đơn giản, thậm chí có những khoản vay không cần thế chấp. Loại hình này tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng vì là sản phẩm mang lại lợi nhuận cao nên dự báo, kênh này sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Vấn đề đặt ra là nên "siết" hay "mở" cho vay tiêu dùng?
Điều kiện vay đơn giản nên nhiều khách hàng lựa chọn cho vay tiêu dùng. Ảnh: Quý Dương
Lãi suất... chưa đến mức "cắt cổ"
Những năm gần đây, quy mô cho vay tiêu dùng tăng mạnh, với mức tăng bình quân 13,2% kể từ năm 2009. Không phải ngẫu nhiên mà cho vay tiêu dùng tăng nhanh đến vậy, bởi nhu cầu vay của những khách hàng cá nhân có thu nhập thấp khá lớn, nhất là vào thời điểm cuối năm, cùng với đó là thủ tục cho vay đơn giản hơn. Không chỉ "gõ cửa" các ngân hàng, nhiều người còn tìm đến các công ty tài chính.
Khác với những loại hình vay vốn khắt khe, vay tiêu dùng có thể có tài sản bảo đảm hoặc không, thường được gọi là vay tín chấp. Chỉ với bảng kê lương 3 tháng gần nhất của ngân hàng và một số giấy tờ chứng nhận của cơ quan làm việc, nhiều người đã có cơ hội vay từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng.
Để "hút" khách hàng, nhiều ngân hàng và công ty tài chính đã không ngần ngại đưa ra những chương trình cho vay tiêu dùng với lãi suất quảng cáo là 0%/năm. Hầu hết các ngân hàng và công ty tài chính đều liên kết với trung tâm thương mại, chăm sóc sắc đẹp, bệnh viện... để đưa ra những lời mời hấp dẫn, hay "bắt tay" với các chủ đầu tư dự án bất động sản để cho vay mua nhà.
Tuy nhiên, đa số những khoản vay với mức lãi suất 0% chỉ được áp dụng trong 6-12 tháng đầu, còn sau đó lãi suất sẽ ở ngưỡng cao ngất ngưởng. Thông thường, lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn cho vay sản xuất, kinh doanh, khoảng 13-15%/năm, thậm chí là 18-20%/năm. Đó mới chỉ là lãi suất của các ngân hàng thương mại, còn công ty tài chính áp dụng mức cao hơn, có thể hơn 20%/năm. Mặc dù không đến mức "cắt cổ" như loại hình tín dụng "đen", nhưng mức 18-20%/năm cũng không "dễ thở".
Theo các chuyên gia, khách hàng khi được mời vay với lãi suất 0% cần thận trọng tìm hiểu kỹ, vì nhiều món vay chỉ áp dụng mức 0% trong thời gian đầu, thời gian sau lại có lãi suất tăng rất cao, hoặc mức trả trước khá lớn. Ngân hàng và công ty tài chính cũng lý giải, cho vay tiêu dùng dễ rủi ro, vì nhiều khoản vay không cần thế chấp, nên ngân hàng buộc phải đẩy lãi suất cho vay lên cao. Thực tế không ít khách hàng "chây ỳ" do không phải thế chấp, khiến những khoản nợ vay tiêu dùng dễ trở thành nợ xấu, gây nguy cơ cho hệ thống ngân hàng.
Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhưng tín dụng tiêu dùng cũng là kênh mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho các ngân hàng. Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa công bố, 10 tháng đầu năm nay, tín dụng tiêu dùng tăng 31,2% so với cuối năm 2015, chiếm 11,3% tổng tín dụng (năm 2015 là 9,7%), tập trung chủ yếu vào nhu cầu sửa chữa nhà, mua nhà để ở (chiếm 49,7%), mua đồ dùng, trang thiết bị (23,1%)...
Phải có quy chế giám sát
Nhiều người lo ngại tác động của cho vay tiêu dùng tới thị trường tài chính - ngân hàng, nhưng mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố Dự thảo lần 2 Thông tư quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính để lấy ý kiến thì không những không "thắt", cơ quan chức năng còn bỏ ngỏ cơ hội "mở" đối với loại hình cho vay này.
Tại dự thảo, NHNN không quy định mức trần lãi suất cho vay tiêu dùng mà cho phép các bên tự thỏa thuận lãi suất phù hợp với quy định về lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và được tính theo tỷ lệ phần trăm trên năm. Như vậy, mức trần 20% mà Bộ luật Dân sự 2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2017, sẽ không áp dụng với các tổ chức tín dụng và công ty tài chính cho vay tiêu dùng.
Theo chuyên gia tài chính, TS Nguyễn Trí Hiếu: "Trần" lãi suất 20% sẽ không thể áp dụng cho tổ chức tín dụng, nếu áp dụng cho công ty tài chính càng không phù hợp, bởi đó là mức rất thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng hiện nay. Thực tế, lãi suất vay qua thẻ tín dụng của các ngân hàng đạt 28-30%/năm, nên buộc tổ chức phi tín dụng áp trần 20% rất khó, vì khoản cho vay của các tổ chức này thường rủi ro cao hơn so với hoạt động ngân hàng.
Mặc dù "thả lỏng" trong quy định áp lãi suất, nhưng cơ quan chức năng cũng muốn bảo vệ người vay vốn bằng việc yêu cầu công ty tài chính trước khi ký hợp đồng phải cung cấp và giải thích đầy đủ, chính xác, trung thực các thông tin liên quan, bao gồm các hậu quả hoặc chế tài sẽ áp dụng khi khách hàng vi phạm hợp đồng. Cụ thể, phải có tối thiểu các thông tin lãi suất cho vay được tính theo tỷ lệ phần trăm trên năm, phí liên quan đến khoản vay tiêu dùng và mức phí áp dụng khi ký kết hợp đồng, đồng thời cho khách hàng biết tổng số tiền lãi, cũng như các mức phí mà khách hàng vay phải trả trong suốt thời hạn vay…
Theo các chuyên gia, cần tạo điều kiện cho vay tiêu dùng để không chỉ giúp ngân hàng giải ngân nguồn vốn, mà còn tạo điều kiện cho người dân dễ dàng hơn trong việc tiếp cận ngân hàng. Tuy nhiên, có "nút mở" cũng cần có "nút thắt", phải có những quy chế giám sát hoạt động cho vay này, để những khoản vay tiêu dùng không quá dễ dãi, gây rủi ro cho ngân hàng cũng như cả hệ thống.
Hà Linh (Hà Nội mới)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.