CafeLand - Mở rộng cửa cho các tổ chức cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở và kinh doanh bất động sản ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ thổi làn gió mới, làm tăng giao dịch trên thị trường bất động sản. Tuy nhiên vẫn có không ít ý kiến hoài nghi về hiệu ứng của chính sách này.

Ảnh minh họa.

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có nêu rõ, đối tượng tổ chức, cá nhân nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam bao gồm: Tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án để cho thuê, cho thuê mua; Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài không có chức năng kinh doanh bất động sản và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.

Một số người cho rằng việc mở rộng cho người nước ngoài được mua bán nhà tại Việt Nam sẽ giúp thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến boăn khoăn khi vẫn còn những rào cản trong thủ tục, trong khi tâm lý người nước ngoài rất ngại vấn đề này.

Theo quy định trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu loại nhà ở thương mạị (bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở có giá bán cao hơn mức giá do Chính phủ quy định theo từng khu vực, trong từng thời kỳ khác nhau và tại khu vực không bị hạn chế hoặc cấm người nước ngoài cư trú, đi lại theo quy định của UBND cấp tỉnh.

Đồng thời, chỉ được mua không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư thương mại; nếu là nhà ở riêng lẻ (nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề) thì trên một đơn vị hành chính tương đương cấp phường chỉ được mua và sở hữu không quá 250 căn.

Đối với cá nhân nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không quá 50 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu có nhu cầu; đối với tổ chức nước ngoài thì được sở hữu nhà ở theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán nhà ở nhưng tối đa không vượt quá thời hạn ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư cấp cho tổ chức đó, bao gồm cả thời gian được gia hạn thêm.

Theo ông Rudolf Hever đồng sáng lập viên của Công ty tư vấn bất động sản Alternaty, việc nới lỏng các hạn chế đầu tư nước ngoài đang được mong đợi, tuy nhiên, những người nước ngoài đã sống ở Việt Nam hơn một vài năm có phần khá cẩn trọng về bất kỳ kế hoạch công bố hoặc sửa đổi của pháp luật. Vì các sửa đổi có thể bị trì hoãn hoặc là giải pháp ngắn hạn. Có thể nói rằng, đầu tư nước ngoài vẫn còn là một nền tảng của thị trường bất động sản Việt Nam và là lí do chính cho sự phát triển nhanh chóng của thị trường này trong thập kỷ qua.

“Chúng tôi hy vọng những nguồn vốn đầu tư nước ngoài trên mọi lĩnh vực sẽ tiếp tục, bất kể các cuộc biểu tình và bạo động gần đây gây ra bởi tình hình căng thẳng trong khu vực. Xét về đối tượng sử dụng sau cùng của các sản phẩm nhà ở, chủ yếu vẫn là người Việt Nam. Các chủ đầu tư tiềm năng không nên lặp lại những sai lầm trong quá khứ và phụ thuộc vào đối tượng khách hàng nước ngoài. Việc sửa đổi luật hay không thì đối tượng chính của thị trường nhà ở vẫn là trong nước còn người nước ngoài thì khá ít chỉ như giọt nước nhỏ giữa đại dương to lớn”, ông Rudolf cho biết.

Theo ý kiến của một số chuyên gia, người nước ngoài chủ yếu sang Việt Nam để làm ăn nên không nên quá kỳ vọng rằng cứ mở cửa là họ sẽ sang mua nhà và sinh sống. Bên cạnh đó, việc mở cửa cho người nước ngoài mua nhà cũng cần có chế định, chế tài cụ thể để tránh gây lũng đoạn và ổn định thị trường.

Thanh Thịnh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.