Nhiều xáo trộn
uyết định giảm trần lãi suất huy động mới đây của NHNN từ mức 14% xuống còn 13%/năm thực tế là một biện pháp hành chính nhằm điều chỉnh giảm ngay và định hướng lãi suất trên thị trường, theo sau những tín hiệu tích cực của lạm phát. Song việc áp dụng và duy trì trần lãi suất trong suốt một thời gian dài cũng gây ra nhiều quan ngại, đặc biệt đối với các nhà băng vốn phải chịu những tác động trực tiếp từ các đợt điều chỉnh trần lãi suất huy động. Trong một thị trường mà lãi suất đầu vào được cào bằng, lợi thế huy động dường như nghiêng hết về các nhà băng lớn và ngược lại, áp lực huy động đè nặng lên vai các ngân hàng nhỏ vốn ít tên tuổi và mạng lưới hơn. Các cuộc chạy đua lãi suất, vượt trần huy động thời gian vừa qua theo đó được cho có gốc rễ từ các ngân hàng nhỏ đang phải chịu nhiều áp lực về thanh khoản. Ngay với các ngân hàng lớn, các biện pháp mang nặng tính hành chính cũng mang đến không ít tác động.
Trong một báo cáo rất chi tiết về tình
hình hoạt động năm 2011 và kế hoạch hoạt động cho năm nay, HĐQT của NHTM
Cổ phần Á Châu (ACB) cho rằng, ngành ngân hàng trong năm 2011 phải hoạt
động trong môi trường có nhiều biến động bất lợi do tăng trưởng kinh tế
suy giảm, chính sách tiền tệ thắt chặt được bổ sung bởi nhiều biện pháp
mang nặng tính hành chính. Và dù là ngân hàng cổ phần có quy mô ở nhóm
đứng đầu, đẩy mạnh huy động vốn vẫn là ưu tiên hàng đầu của ACB trong
năm 2012 nhằm củng cố khả năng thanh khoản và tạo nguồn cho hoạt động
tín dụng. Nhà băng này sẽ phải “tìm giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn, vì
nếu chỉ dựa vào tăng trưởng tiền gửi tiết kiệm là điều khó trong bối
cảnh trần lãi suất huy động tiếp tục bị khống chế” – báo cáo của ACB chỉ
rõ.
Phản ánh hiện tượng TCTD huy động vượt trần lãi suất có dấu hiệu tái diễn (thời điểm cuối năm 2011) và không còn cá biệt do áp lực thanh khoản cuối năm và nhu cầu tăng trưởng, ACB cũng cho rằng, trong năm nay hiện tượng vượt trần lãi suất huy động sẽ diễn ra trên diện rộng hơn nếu NHNN tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động. Cũng theo nhận định của ACB, khoảng cách giữa các NHTM cổ phần hàng đầu sẽ thu hẹp do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt và các biện pháp hành chính áp dụng trong thời gian dài sẽ làm tốc độ tăng trưởng của các NHTM lớn, tính tuân thủ cao bị chậm lại. Cạnh tranh cũng khó khăn hơn các công cụ trần lãi suất và trần tăng trưởng tín dụng...
Trần lãi suất huy động sẽ sớm được gỡ bỏ? Ảnh: C.V
Sẽ sớm bỏ trần
Khi đánh giá về các yếu tố tác động đến
chính sách tiền tệ của VN, hai chuyên gia Rina Bhattacharya và Nombulelo
Duma của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuần qua vừa đưa ra khuyến nghị cần
xóa bỏ dần việc sử dụng các biện pháp quản lý hành chính về lãi suất và
sự phân bổ tín dụng cũng như tăng trưởng tín dụng. Thay vào đó, NHNN cần
thiết lập một hành lang lãi suất như một công cụ quan trọng của chính
sách tiền tệ trong đó kết hợp cả lãi suất cho vay và tiền gửi.
Khi nói về trần lãi suất huy động, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng – TS Nguyễn Thị Kim Thanh cho rằng, việc thực hiện duy trì mức lãi suất trần là cần thiết để bình ổn mặt bằng lãi suất trong giai đoạn có những bất cập về cấu trúc thị trường làm nảy sinh tình trạng cạnh tranh lãi suất thiếu lành mạnh, cũng như là diễn biến của lãi suất thực huy động có thể làm kỳ vọng lạm phát gia tăng nên. “Tuy nhiên về lâu dài, khi các xu hướng đầu tư đã rõ nét, nền kinh tế dần ổn định thì việc tháo dỡ trần lãi suất huy động cũng sẽ được thực hiện nhằm tuân thủ các nguyên tắc trên con đường tự do hóa lãi suất đã lựa chọn” – TS Nguyễn Thị Kim Thanh đưa ý kiến.
Nói về hiệu quả của biện pháp áp dụng trần lãi suất, Thống đốc NHNN – ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong nền kinh tế thị trường việc sử dụng các công cụ thị trường là tốt nhất. Song tùy từng giai đoạn và điều kiện cụ thể vẫn có thể áp dụng các biện pháp hành chính. Các giải pháp hành chính thời gian qua cũng đã phát huy những kết quả tích cực. Người đứng đầu NHNN cũng cho rằng, trong tình hình dù được cải thiện nhưng chưa ổn định bền vững và lâu dài như hiện nay, vẫn phải áp dụng giải pháp hành chính. “Nếu ổn định bền vững, chúng ta có thể tính tới bỏ trần lãi suất” – song ông Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng, thời điểm nào có thể bỏ trần lãi suất cần phải có sự nỗ lực về vĩ mô và về ổn định hệ thống.