20/01/2025 6:31 PM
Mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng với mặt hàng này từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc là từ 9,79% đến 28%, có hiệu lực trong vòng 5 năm.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, ngày 14/1/2025, trên cơ sở xem xét kết luận của cơ quan điều tra, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 143/QĐ-BCT áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc là từ 9,79% đến 28%. Thời hạn áp dụng thuế bán phá giá chính thức là 5 năm kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức có hiệu lực.

Trong quá trình điều tra vụ việc, thực hiện theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, Bộ Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét và đánh giá kỹ lưỡng tác động của hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu đối với hoạt động của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu của Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.

Bộ Công Thương áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực

Kết luận điều tra cuối cùng của Cơ quan điều tra xác định rằng, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bị bán phá giá; có việc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước; có mối quan hệ nhân quả giữa việc nhập khẩu hàng hóa bị bán phá giá với việc ngăn cản sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.

Cũng theo Bộ Công Thương, sản phẩm cáp thép dự ứng lực nhập khẩu có xuất xứ từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác không thuộc đối tượng điều chỉnh của Quyết định 143/QĐ-BCT.

Mức thuế chống bán phá giá chính thức được áp dụng với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc là từ 9,79% đến 28%

Mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cáp thép dự ứng lực từ Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc có thể được rà soát, điều chỉnh khi có hồ sơ yêu cầu của các bên liên quan theo quy định pháp luật để đảm bảo biện pháp chống bán phá giá được áp dụng đúng đối tượng, đúng mức độ và trong khoảng thời gian hợp lý.

Doanh nghiệp có thể giành thêm thị phần nhờ thuế chống bán phá giá

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán MB (MBS) kỳ vọng nguồn cung Bất động sản và đầu tư công cải thiện trở thành điểm then chốt cho sự tăng trưởng về sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2025.

Theo CBRE, căn hộ và đất nền đều có thể tăng giá từ năm 2025 nhờ các vấn đề pháp lý được giải quyết bằng các Luật mới như Luật đất đai... Về đầu tư công, một số dự án sẽ được đẩy nhanh quá trình xây dựng như đường sắt cao tốc Bắc - Nam và sân bay Long Thành. Như vậy, tổng khối lượng tiêu thụ thép trong năm 2025 có thể đạt 21,8 triệu tấn, tăng 10% so với năm trước.

Về giá thép, MBS cho rằng giá thép xây dựng có thể tăng 7% vào năm 2025 nhờ áp lực từ Trung Quốc giảm. Cụ thể, dư thừa nguồn cung trở thành nguyên nhân chính khiến giá thép Trung Quốc giảm mạnh. Giá thép xây dựng và Thép cuộn cán nóng HRC ghi nhận mức thấp nhất trong 5 năm với mức giảm lần lượt là 24% và 21%.

MBS cho rằng tiềm năng giá thép phụ thuộc vào nguồn cung khi các nhà máy thép tham gia cắt giảm sản lượng. Vào năm 2025, giá thép Trung Quốc có thể được hỗ trợ bởi nguồn cung thấp hơn khi chính phủ Trung Quốc có kế hoạch cấm lò cao than mới kể từ quý 4/2024, do đó vấn đề cung vượt cầu sẽ được giảm thiểu.

Do thép cuộn cán nóng HRC và tôn mạ nhập khẩu tràn lan vào năm 2024, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra sản phẩm này, đặc biệt là từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Theo đó, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra đối với thép mạ kẽm nhúng nóng (HDG) nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc và mặt hàng Thép cuộn cán nóng (HRC) từ Trung Quốc và Ấn Độ.

MBS kỳ vọng cả hai mức thuế này đều có thể áp dụng vào năm 2025 để bảo vệ sản xuất trong nước. Trong trường hợp điều này được thực hiện, chênh lệch giữa thép cuộn cán nóng HRC, thép mạ kẽm nhúng nóng HDG trong nước và nhập khẩu có thể giảm xuống còn 45 USD/tấn và 60 USD/tấn, giảm lần lượt 20% và 24% so với năm 2024.

Sự chênh lệch giá thấp hơn dự kiến có thể tác động tích cực đến các nhà sản xuất thép nội địa khi cạnh tranh về giá với các sản phẩm nhập khẩu. MBS nhận định vào năm 2025, thị phần của các doanh nghiệp thép lớn trong nước có thể cải thiện nhờ sự đóng góp của thuế.

Theo đó, thị phần của Hòa Phát về phân khúc thép cuộn cán nóng HRC có thể đạt 25% nhờ thuế chống bán phá giá đối với thép Trung Quốc và Ấn Độ. Về thép mạ kẽm nhúng nóng HDG, các công ty đầu ngành như Hoa Sen và Nam Kim sẽ chiếm gần 40% thị phần tiêu thụ.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.