Lãi suất huy động đã giảm, hạ lãi suất cho vay là yêu cầu đảm bảo quyền lợi của khách hàng vay vốn - Ảnh: Hà Đan.
Trong chuyến công tác Hà Nội đầu tuần này, giám đốc một chi nhánh ngân hàng tại Tp.HCM trò chuyện với phóng viên rằng: “Hôm qua (12/3) người gửi tiền đến đảo sổ nhiều lắm. Cách làm của Ngân hàng Nhà nước quả là có điều hay”.
Nhiều người gửi tiền đảo sổ, từ các kỳ hạn ngắn trước đó sang các kỳ hạn dài hơn để nắm mức lãi suất 14%/năm trước khi rút về 13%/năm, thậm chí có thể chỉ còn 10%/năm vào cuối năm nay. Đó là một lợi ích rất thực tế.
“Với các khoản tiền nhỏ thì có thể không đáng kể. Nhưng bạn thử tính cho tôi xem, nếu với 100 tỷ đồng thì 1% lãi suất đó mỗi tháng là 83 triệu đồng chứ chẳng chơi”, vị giám đốc chi nhánh này phân tích.
Như bài viết vừa qua trên VnEconomy, người trong cuộc trên cho rằng Ngân hàng Nhà nước đã có một cách làm hay, đánh động dòng tiền gửi và tạo hiệu ứng tốt cho hệ thống.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), cũng cho biết: Trước đây khách hàng có thể chia năm xẻ bảy đồng vốn của mình để gửi ở một vài ngân hàng có lãi suất cao, nhưng giờ đây, với việc thực hiện trần lãi suất này, khách hàng có xu hướng cơ cấu lại danh mục tiết kiệm theo hướng “gom trứng vào một giỏ” để quản lý tập trung dòng tiền.
“Với mặt bằng lãi suất hiện nay, cộng với dự báo lãi suất có thể tiếp tục giảm trong những quý tiếp theo, khách hàng sẽ có xu hướng gửi tiền với các kỳ hạn dài, thay cho việc gửi kỳ hạn ngắn theo kiểu “lướt sóng lãi suất” như trước kia”, bà Hương nói.
Với dòng tiền gửi có cơ cấu kỳ hạn dài hơn, các ngân hàng có thêm điều kiện để cơ cấu nguồn, giữ hoạt động ổn định hơn. Phản ứng của thị trường theo đó là tích cực.
Ở góc độ vĩ mô, qua lần điều chỉnh này, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố trước và làm sau. Thống đốc Nguyễn Văn Bình xem đây là một ví dụ để nói về sự đi trước và định hướng của chính sách trong điều hành hiện nay.
“Trước đây chúng ta thường bị thị trường dẫn dắt, chính sách thường mang tính chất chữa cháy, tình thế. Nhưng từ tháng 8/2011 trở lại đây, chính sách luôn chủ động, dẫn dắt thị trường đi theo các mục tiêu đề ra”, ông Bình nhấn mạnh.
Về lần giảm lãi suất này, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng phủ nhận là có áp lực hay do sự thúc ép nào đó từ Chính phủ. Mà trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã trình bày đề án về xử lý thanh khoản và giảm lãi suất với Chính phủ, trước phiên họp thường kỳ tháng 2 vừa diễn ra. Sau đó Chính phủ mới họp để thống nhất và ra thông điệp.
Thống đốc Bình cũng thừa nhận là sức ép phải giảm lãi suất là rất lớn từ quý 4/2011 cho đến nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng lạm phát giảm dần mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải xử lý được vấn đề thanh khoản hệ thống. Nay điều kiện đủ đã có, thanh khoản hệ thống đã tốt hơn và nhà điều hành đưa ra thông điệp trước khi tiến hành.
Việc tuyên bố trước, làm sau trong sự kiện này được dẫn chứng cho điều mà ông Bình nhấn mạnh ở trên: chính sách từ bị động sang chủ động dẫn dắt thị trường. Cũng có thể tìm thêm những dẫn chứng khác trong việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua và hiện nay.
Phía sau “sự đi trước” của chính sách, cụ thể ở đây là lãi suất, hiện tượng đảo sổ của nhiều người gửi tiền cũng được Thống đốc Bình nhìn nhận ở khía cạnh tích cực khác: niềm tin vào VND tiếp tục được khẳng định; dù lãi suất giảm nhưng VND vẫn hấp dẫn.
Và để tiếp tục hỗ trợ cho giá trị đó, một ví dụ khác cho “sự đi trước” cũng được đề cập đến là, cùng với giảm lãi suất VND, Ngân hàng Nhà nước lập tức có Thông tư 07 siết lại tín dụng ngoại tệ. Thống đốc giải thích rằng như thế để tạo ra thế vững chãi hơn và đồng bộ hơn của việc điều chỉnh chính sách.
Còn lúc này, khi các ngân hàng thương mại đã đồng loạt hạ lãi suất huy động, kéo thẳng lãi suất huy động VND 13%/năm từ 1 - 12 tháng, thị trường chờ đợi lãi suất cho vay sẽ thực sự giảm theo.
Ngay trong ngày 13/3, Ngân hàng Tiên Phong (TienPhong Bank) phát đi thông cáo, cùng với điều chỉnh lãi suất huy động theo trần mới là giảm lãi suất cho vay đối với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Thông cáo nói rằng đó là quyền lợi của khách hàng vay vốn cần ưu tiên đảm bảo.
Ông Nguyễn Việt Anh, Phó tổng giám đốc TienPhong Bank, cho biết khách hàng sẽ nhận được email, tin nhắn tự động về sự điều chỉnh này và hy vọng đó là sự chia sẻ phần nào khó khăn đối với cá nhân và doanh nghiệp vay vốn.
Hy vọng người vay vốn tại các ngân hàng khác cũng sẽ nhận được email và tin nhắn như vậy trong thời gian tới.