13/03/2017 10:20 PM
Nợ Chính phủ bảo lãnh hiện ở mức 10,2% GDP, trong đó, phần lớn là bảo lãnh cho các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước.
Thực tế, nợ do Chính phủ bảo lãnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ với nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ, nhất là khi cơ chế quản lý còn nhiều lỏng lẻo. Trong bối cảnh nợ công đang rất sát mức trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả sử dụng và thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với nguồn vốn này tại các doanh nghiệp.
Trong những năm gần đây, dư nợ các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh ngày càng lớn. Năm 2010 con số này là 11,9 tỉ đô la Mỹ, đến cuối năm 2015, số nợ thực tế được Chính phủ bảo lãnh đã lên tới khoảng 21 tỉ USD (gồm cả nợ được bảo lãnh để tái cơ cấu Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam), chiếm khoảng 17,8% tổng dư nợ công và bằng 11,1% GDP năm 2015. Như vậy là chỉ trong 6 năm, các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh tăng gần 1,76 lần.
Chỉ tính riêng trong lĩnh vực xi măng, một số dự án như Xi măng Hạ Long, Xi măng Đồng Bành… được Chính phủ bảo lãnh vay nợ nước ngoài, nhưng sau đó rơi vào khó khăn, không trả được nợ. Bộ Tài chính phải dùng Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để cho doanh nghiệp vay trả nợ. Chỉ đến khi thoái vốn cho một số đối tác, 2 dự án này mới trả đầy đủ các khoản nợ do Chính phủ bảo lãnh. Tuy nhiên, vẫn có dự án như Nhà máy Bột giấy Phương Nam không có khả năng thu hồi vốn, Chính phủ đang phải trả nợ thay.
Ông Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng, Viện Kinh tế tài chính (Học viện tài chính) cho rằng, đây là một thực tế đáng lo ngại: "Chính phủ không bảo lãnh cho các ngành kinh doanh thuần túy, bảo lãnh càng ít càng tốt. Những ngành này đưa ra tính toán có hiệu quả thì mới được chấp nhận.
Theo ông Độ, tốt nhất là Chính phủ không nên bảo lãnh những dự án những ngành kinh doanh rủi ro, ngành kinh doanh thuần túy mà tư nhân có thể làm được như giấy, gang thép…
Tỷ trọng nợ của doanh nghiệp Nhà nước trong tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm tới trên 80%. Trong danh mục nợ Chính phủ bảo lãnh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam…là những doanh nghiệp được bảo lãnh nhiều nhất. Các doanh nghiệp này bên cạnh kinh doanh còn thực hiện nhiệm vụ chính trị- xã hội và cần Chính phủ hỗ trợ, bởi lượng vốn vay rất lớn.
Tuy nhiên, quy định tại Nghị định số 15/2011 về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ chưa có cơ chế giám sát và chế tài xử lý vi phạm. Đáng chú ý là việc thẩm định dự án được Chính phủ bảo lãnh phần lớn dựa vào giải trình của chủ dự án, không có trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Vì thế rất khó khăn trong cơ chế xử lý, quy trách nhiệm khi dự án thua lỗ, không trả được nợ. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ Chính phủ phải đứng ra trả nợ thay, gây áp lực lớn đến nợ công và ngân sách nhà nước.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nêu ý kiến, việc cấp bảo lãnh chính phủ cần siết chặt lại và không thể làm theo cơ chế xin cho. Quá trình xem xét và thẩm định phải được công khai minh bạch, hội đồng thẩm định đó cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
Nợ công Việt Nam hiện rất sát mức trần Quốc hội cho phép là 65% GDP, việc cơ cấu lại các khoản nợ công, trong đó nợ do Chính phủ bảo lãnh là một việc làm cấp bách. Mới đây, Nghị định số 04/2017 thay thế Nghị định 15/2011 chính thức có hiệu lực thi hành, siết chặt lại việc cấp bảo lãnh chính phủ đối với doanh nghiệp.
Ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), cho biết, Chính phủ sẽ giảm mức bảo lãnh từ 80% tổng mức đầu tư xuống còn không quá 70%. Ngoài ra, giá trị tài sản thế chấp tối thiểu bằng 120% trị giá gốc của khoản vay, khoản phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; mức phí bảo lãnh tối thiểu tăng từ 1,5%/năm lên 2%/năm...Đặc biệt, quy định rõ hơn về trách nhiệm của các bên liên quan đối với dự án được Chính phủ cấp bảo lãnh.
Theo Quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược nợ công, thì nợ Chính phủ bảo lãnh đến cuối năm 2020 không được vượt quá 12% (hiện tỷ lệ này đang khoảng 10%). Việc áp dụng các quy định mới sẽ giảm dần tỷ trọng nợ được Chính phủ bảo lãnh; tăng cường các công cụ giám sát, quản lý rủi ro và không gánh nợ thay cho doanh nghiệp...
Đã đến lúc các doanh nghiệp phải chứng minh được năng lực tài chính, tự tiếp cận ngân hàng, định chế tài chính để vay. Ngay cả các ngân hàng cũng không nên dựa vào sự bảo lãnh vô điều kiện của Chính phủ, mà phải có trách nhiệm hơn nữa trong các khoản vay cho doanh nghiệp./.
Việt Hà (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.