17/04/2017 10:40 AM
Đối với dự án PPP, với tính chất là hợp đồng dài hạn, dự án thường có quy mô lớn,… có rất nhiều rủi ro cần phải lường đến để phân bổ hợp lý cho bên nào xử lý rủi ro tốt hơn.
Trong dự án PPP, khu vực tư nhân càng nhận nhiều rủi ro thì chi phí dự án sẽ càng cao. Ảnh: Tất Tiên
Nếu không, rất khó để có được một hợp đồng thành công, hài hòa lợi ích cho các bên và trong nhiều trường hợp nhà đầu tư tham gia như là chơi một “canh bạc” đầy may rủi.
Nhà đầu tư càng chịu nhiều rủi ro, chi phí dự án càng cao
Theo Bộ Tài chính, mô hình PPP phát triển ở Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu theo hình thức hợp đồng BOT trong lĩnh vực đường bộ, điện. Đa số dự án do nhà đầu tư đề xuất, hạn chế về cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư; thiếu “bóng dáng” của nhà tài trợ vốn trong đàm phán và thiếu các công cụ tài chính huy động nguồn của doanh nghiệp.
Có rất nhiều rủi ro đối với 1 dự án PPP. Đó có thể là rủi ro về chính trị, chính sách như thay đổi hệ thống chính sách, pháp luật, chính sách thuế, phí, giá, quy hoạch, kế hoạch phát triển... Đó có thể là rủi ro về tài chính như nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn vốn vay không huy động đủ; lãi suất vốn vay, tỷ giá hối đoái, tỷ lệ lạm phát biến động; Nhà nước không bố trí đủ nguồn vốn cam kết hỗ trợ/thanh toán cho dự án;… Giai đoạn chuẩn bị dự án, xây dựng và vận hành đều có rủi ro.
Theo ông Đào Việt Dũng, Cán bộ phụ trách PPP của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), việc phân bổ rủi ro không hợp lý sẽ ngăn chặn sự tham gia của các nhà tài trợ tận tâm và có năng lực; có thể gây ra sự chậm trễ trong quá trình đấu thầu cạnh tranh hoặc gây thất bại và có thể dẫn đến việc trao thầu cho một nhà đầu tư không có hoặc không thể ước tính rủi ro một cách hợp lý, tham gia dự án như “đánh bạc”.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, khu vực tư nhân càng nhận nhiều rủi ro thì chi phí dự án sẽ càng cao. Ông Đào Việt Dũng cho rằng, nếu bên tư nhân không thể kiểm soát hoặc tính mức rủi ro, thì họ sẽ tính khoản dự phòng vào giá dự thầu.
Không ước tính đúng rủi ro còn dẫn đến sự chậm trễ trong việc hoàn tất hợp đồng vay vốn. Theo ông Dũng, các bên cho vay không muốn tài trợ cho các giao dịch mà bên tư nhân sẽ phải chịu những rủi ro mà họ không thể kiểm soát hoặc không thể chuyển sang cho bên thứ ba (ví dụ: nhà thầu phụ, công ty bảo hiểm) để giảm thiểu rủi ro với chi phí thấp hơn. Hợp đồng một chiều cũng sẽ làm tăng khả năng có khiếu nại, tranh chấp từ bên tư nhân, trong khi các cuộc đàm phán lại thường làm giảm giá trị khoản đầu tư cho khu vực công.
Chia sẻ rủi ro cho bên nào quản lý tốt hơn
Với nhiều dự án BOT, rủi ro được phân bổ theo nguyên tắc doanh nghiệp dự án chịu toàn bộ các rủi ro liên quan đến công nghệ, thiết kế thi công và tính toán hiệu quả đầu tư, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chịu các rủi ro về thể chế, pháp lý và các rủi ro bất khả kháng liên quan đến xã hội, môi trường. Trường hợp các rủi ro bất khả kháng như lũ lụt, động đất, không thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước và ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp dự án thì hai bên sẽ cùng chia sẻ những rủi ro này.
Theo nhiều nhà đầu tư, trong không ít dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) đã thực hiện, nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro hơn vì luôn đứng ở thế dưới trong đàm phán hợp đồng với cơ quan nhà nước. Thậm chí, có nhà đầu tư còn “dọa” không tham gia dự án BOT nữa, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng bị cơ quan nhà nước “ép” trong đàm phán hợp đồng, dẫn đến phải chịu quá nhiều rủi ro, càng làm càng lỗ.
Để mô hình PPP ngày một hoàn thiện và hấp dẫn các nhà đầu tư, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần lấy chủ thể là nhà đầu tư để phát hiện, nhận diện đầy đủ các rủi ro và có giải pháp chia sẻ rủi ro một cách khách quan, minh bạch…
Nghị định số 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP đã đặt ra nguyên tắc về PPP là bảo đảm nghĩa vụ và quyền lợi hài hòa giữa các bên tham gia dự án. Theo đó, PPP là quan hệ đối tác, gắn bó lâu dài, có sự bình đẳng giữa các bên tham gia hợp đồng; quyền lợi, nghĩa vụ được phân bổ tương ứng với phần tham gia của mỗi bên và rủi ro mà mỗi bên phải chịu.
Bộ Tài chính cho rằng nguyên tắc phân chia rủi ro là bên nào có khả năng giải quyết rủi ro tốt hơn thì sẽ nhận rủi ro; các rủi ro sẽ được lượng hóa vào dòng tiền của dự án. Trong số các công cụ giảm thiểu rủi ro, Bộ Tài chính có đưa ra công cụ về bảo lãnh như bảo lãnh doanh thu tối thiểu, bảo lãnh vốn vay, bảo lãnh tỷ giá/chuyển đổi ngoại hối, bảo lãnh đối với bên thứ ba.
Còn ông Đào Việt Dũng khuyến nghị, khi không rõ về việc rủi ro có được phân bổ tối ưu giữa khu vực nhà nước và tư nhân không thì nên thiết lập các cơ chế chia sẻ rủi ro.
Theo nhiều nhà đầu tư, trong không ít dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) đã thực hiện, nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro hơn vì luôn đứng ở thế dưới trong đàm phán hợp đồng với cơ quan nhà nước.
Nguyệt Minh (Đấu thầu)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.