(Nguồn: TTXVN) |
Đây là tháng thứ ba trong năm CPI của Thủ đô giảm và cũng là tháng có mức giảm cao nhất từ đầu năm đến nay. Thông tin này được Cục Thống kê thành phố Hà Nội chính thức công bố vào ngày 20/7.
Tính trong rổ hàng hóa tháng này của Hà Nội, ngoại trừ nhóm bưu chính viễn thông vẫn tiếp tục giữ nguyên so với tháng trước, thì 10 nhóm hàng còn lại đều có chỉ số giá dao động tăng, giảm rõ rệt. Dẫn đầu trong 7 nhóm hàng có chỉ số giá tăng là nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép với mức tăng là 1,09%; tiếp theo là nhóm thiết bị đồ dùng gia đình với mức tăng 0,81%.
Những nhóm hàng còn lại tăng nhẹ ở mức từ 0,02% đến 0,53% so với tháng 6. Giảm mạnh nhất trong 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm là nhóm hàng giao thông với mức 2,9%; tiếp theo là nhóm hàng nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng với chỉ số giá giảm 1,2% và cuối cùng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức giảm 0,21%.
Phân tích những nguyên nhân khiến chỉ số giá của 3 nhóm hàng nói trên giảm làm chỉ số giá chung giảm tiếp so với tháng trước, hầu hết các chuyên gia kinh tế đều cho rằng: Với nhóm hàng giao thông, là do giá xăng dầu giảm liên tục 2 lần trong thời gian vừa qua.
Còn với nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, chỉ số giảm là từ mức giảm của mặt hàng lương thực và thực phẩm - 2 trong 3 thành phần chủ yếu của nhóm hàng này. Cụ thể, lương thực giảm là do giá gạo tiếp tục giảm nhờ vụ mùa mới thu hoạch, tạo ra nguồn cung dồi dào, do vậy đã đưa chỉ số giá mặt hàng này giảm 1,51% so tháng trước.
Dù một số loại quả do nhu cầu tiêu dùng trong dịp nắng nóng vừa qua đã tăng trở lại như cam sành, quýt miền nam ... , việc giá thịt lợn giảm từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, và các mặt hàng thịt bò, cá, hải sản, các loại rau... giữ được giá ổn định đã tác động đến mặt hàng thực phẩm, giúp chỉ số giá mặt hàng này giảm 0,57% so tháng trước.
Cũng theo các chuyên gia kinh tế, từ đầu tháng 7, giá gas trên thị trường Hà Nội lại tiếp tục giảm từ 25.000 đồng đến 30.000 đồng/bình 12 kg. Hiện giá gas dao động từ 310.000-320.000 đồng/bình tùy hãng. Còn một số mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giấy dép mùa hè, bát đĩa, xà phòng ... lại có xu hướng tăng nhẹ.
Dù không tính vào CPI nhưng tháng 7, chỉ số giá vàng giảm 0,56% so với tháng trước, song tăng 7,25% so cùng kỳ. Trái với chỉ số giá vàng, chỉ số giá USD tháng này tăng nhẹ ở mức 0,02% so với tháng trước và tăng 1,35% so cùng kỳ năm 2011./.