Nhà cửa xập xệ, đường sá xuống cấp, phải dùng nước giếng khoan là tình trạng chung của hàng chục ngàn người dân sống trong khu đô thị mới Nam TP gần 20 năm qua, kể từ khi khu vực này chính thức được quy hoạch là khu đô thị mới.
Cả đời mòn mỏi chờ bồi thường
Năm 1991, ông La Thành Phú, hiện cư ngụ tại hẻm 132 đường Vườn Chuối, quận 3 mua mảnh đất hơn 4.500 m2 tại 74A/3 Hoàng Đạo Thúy, ấp 1, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh. Năm năm sau, toàn bộ nhà đất của ông Phú nằm trọn trong quy hoạch khu đô thị mới Nam TP (cụ thể thuộc về khu E). Năm 2003, ông Phú được chi trả 457 triệu đồng tiền bồi thường cho khoảng 1.500 m2 đất nông nghiệp. Riêng phần diện tích 3.000 m2 bao gồm nhà ở, nhà xưởng, mồ mả chưa được bồi thường vì đến nay phương án thẩm định giá bồi thường của UBND huyện Bình Chánh vẫn chưa được TP phê duyệt.
Do hoàn cảnh khó khăn, ông Phú nhiều lần xin tạm ứng tiền bồi thường để trang trải cuộc sống và được UBND huyện Bình Chánh ứng trước một phần. Tuy nhiên, số tiền tạm ứng không đủ đảm bảo cuộc sống của gia đình, trong khi ông Phú đã ở tuổi gần đất xa trời (85 tuổi). “Gia đình chúng tôi ủng hộ quy hoạch và sẵn sàng bàn giao mặt bằng cho Nhà nước nhưng rất mệt mỏi khi gần 20 năm nay phải chờ đợi tiền bồi thường. Cứ thấy cán bộ đo vẽ hoài nhưng rồi không làm gì cả. Tài sản của cả gia đình trông chờ vào đất đai nhưng đã “treo” đó hết cả đời người rồi mà không làm gì được” - ông Phú than thở.
Gần 5.000 m2 đất ở xã An Phú Tây của bà Nguyễn Thị Thanh Vân lâu nay cũng bỏ hoang do vướng quy hoạch. Bà Vân mua đất về sinh sống tại đây từ năm 1989 khi mới 35 tuổi, giờ đã tròn 60 nhưng mảnh đất của bà chỉ để cỏ dại mọc. Bao kế hoạch, dự định kinh doanh ấp ủ đều phải xếp xó do không thể xây dựng.
Hiện nay trên địa bàn huyện Bình Chánh và quận 8 có hơn 1.000 hộ bị ảnh hưởng bởi quy hoạch khu E. Phía quận 8 có 188/320 hộ dân đồng ý nhận tiền bồi thường, bàn giao mặt bằng nhưng đến thời điểm này chủ đầu tư mới chi trả cho 145 hộ. Còn tại huyện Bình Chánh, phương án bồi thường cho gần 700 hộ dân vẫn chưa được duyệt.
Nhà đầu tư không dám vào
Đến nay, khu đô thị mới Nam TP vẫn còn nhiều khu vực chưa tìm được chủ đầu tư, nằm dọc theo các trục đường Lê Văn Lương (quận 7), quốc lộ 50, Phạm Hùng đi qua địa bàn xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Lý do là khu vực này dân cư dày đặc, sinh sống ổn định từ lâu nên giá bồi thường rất cao khiến nhiều chủ đầu tư ngán ngẩm.
Đơn cử, năm 2008 Công ty TNHH BSC - WCT (Malaysia) đã được chấp thuận địa điểm đầu tư dự án Trung tâm Thương mại Platinum Plaza Development tại xã Bình Hưng với diện tích gần 11 ha. “Nhà đầu tư này có đủ năng lực tài chính. Tuy nhiên, sau khi khảo sát và tính toán tổng mức bồi thường, họ cũng bỏ cuộc vì kinh phí bồi thường quá cao, đầu tư sẽ không hiệu quả” - ông Hồ Trung Hiếu, Phó ban Quản lý (BQL) khu Nam, cho hay.
Hay như khu đất 36,2 ha nằm ở phía bắc đường Nguyễn Văn Linh và phía đông đường Phạm Hùng đã được TP chấp thuận chủ trương cho ba công ty đầu tư xây dựng khu dân cư. Tuy nhiên, sau gần chục năm việc bồi thường gần như đi vào ngõ cụt. Đến năm 2013, UBND TP chấp thuận cho BQL khu Nam thu hồi văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư với các nhà đầu tư này.
Chỉnh trang cũng chưa xong
Cuối năm 2012, BQL khu Nam phối hợp với các sở ngành, địa phương liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng quy hoạch, hạ tầng kỹ thuật để đề xuất phương án quy hoạch dọc theo các trục đường Lê Văn Lương, Phạm Hùng, quốc lộ 50 và đường An Phú Tây. Trong văn bản báo cáo UBND TP, BQL khu Nam đánh giá khu vực này có mật độ dân cư cao, mật độ xây dựng dày đặc (với tổng cộng hơn 8.100 căn nhà và hơn 23.000 người). Nếu đầu tư xây dựng khu dân cư mới sẽ không khả thi do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng lớn và bố trí tái định cư rất khó khăn.
“Thực tế trong nhiều năm nay không tìm được chủ đầu tư để thực hiện dự án tại khu vực này hoặc có chủ đầu tư nhưng chưa triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng được. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, hạ tầng xã hội thiếu, nếu để như hiện trạng sẽ không đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho khu dân cư” - báo cáo của BQL khu Nam ghi rõ.
Đơn vị này đề xuất giữ lại các khu vực hiện hữu, không giao đất cho các tổ chức bồi thường giải phóng mặt bằng đầu tư xây dựng khu dân cư mới. Đồng thời, kiến nghị UBND TP giao chính quyền địa phương quản lý, lập quy hoạch chi tiết xây dựng chỉnh trang, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Tháng 5-2013, UBND huyện Bình Chánh cũng có công văn đề xuất được lập hồ sơ thiết kế đô thị cho khu vực này nhằm đảm bảo không gian kiến trúc, kết nối hạ tầng giao thông và hạ tầng phù hợp đồng bộ chung cho từng khu vực. Huyện sẽ vận động nhân dân đóng góp cùng Nhà nước đầu tư nâng cấp hạ tầng. Tuy nhiên, đến nay TP vẫn chưa có ý kiến.
Khu đô thị mới Nam TP có tổng diện tích 2.975 ha. Trong đó, 693 ha thuộc quận 7 (một phần phường 7); hơn 323 ha thuộc quận 8 (một phần các phường Tân Phong và Phong Phú) và trên 1.958 ha thuộc huyện Bình Chánh (gồm một phần các xã An Phú Tây, Phong Phú, Hưng Long, Bình Hưng). _______________________________________ 25.000 tỉ đồng là ước tính kinh phí bồi thường được BQL khu Nam đưa ra vào năm 2012 sau khi khảo sát, đánh giá hiện trạng quy hoạch các khu vực dọc theo bốn trục đường Lê Văn Lương, Phạm Hùng, quốc lộ 50 và đường An Phú Tây. |