12/05/2012 7:45 AM
Thương hiệu chủ đầu tư là một trong những tiêu chí thu hút khách hàng. Cũng chính vì mải chạy theo các tên tuổi, nhiều nhà đầu tư đã gặp nạn "giữa đường đứt gánh" mà không biết kêu ai.

Chết vì quá tin

Góp vốn vào dự án Hà Nội Time Towers của chủ đầu tư CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí (PVCR) đã vài năm nay, anh Hưng, một nhà đầu tư đang sốt ruột lo lắng bởi tiến độ của dự án vẫn "rùa bò". Nhưng khi đến công trường, dự án vẫn chưa làm xong móng nên anh quyết định không ký hợp đồng, mà bày tỏ mong muốn được rút tiền đặt cọc.

Ngay từ khi dự án vẫn còn trên giấy, cái mác "Dầu khí" khiến anh và không ít các nhà đầu tư khác đã hồ hở bởi niềm tin tiềm lực của chủ đầu tư dồi dào tài chính cũng như nhanh về tiến độ.

Đầu tháng 9/2010, anh Hưng nhờ mối quan hệ quen biết và phải mất tiền chênh hàng trăm triệu, anh mới giành được quyền mua căn hộ của dự án với giá 23,7 triệu đồng/m2. Đợt đóng tiền đầu tiên, anh phải đóng số tiền 850 triệu đồng, tương đương 30% giá trị căn hộ rộng 116 m2. Đầu năm nay, anh nhận được thông báo đến ký hợp đồng mua nhà.

"Chúng tôi đóng tiền từ năm 2010, theo dự kiến sẽ bàn giao nhà sau 36 tháng nhưng đến giờ dự án vẫn trong giai đoạn làm móng. Hầu hết các dự án xung quanh dù khởi công sau nhưng vẫn đảm bảo tiến độ, nhìn các tòa nhà mọc lên đều đều mà mình xót cả ruột. Chậm tiến độ, người mua cũng như nhà đầu tư chịu thiệt hại lớn. Chúng tôi muốn bán lại hay rút vốn cũng không được. Cứ tưởng của dầu khí thì ngon ai dè,...", anh Hưng ngậm ngùi.

Dự án chậm tiến độ, nhiều người mua cùng cảnh ngộ với anh Hưng đã làm đơn gửi chủ đầu tư về việc rút vốn, tiến độ cũng như cam kết của PVR nhưng đến nay vẫn bạt vô âm tín.

Một dự án khác của dầu khí cũng đang án binh bất động là Diamond Tower thuộc Khu đô thị mới Nam An Khánh nằm trên Đại lộ Thăng Long, thuộc xã An Khánh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Dự án Diamond Tower ban đầu do Công ty cổ phần Bất động sản Tài chính Dầu khí Việt Nam (PVFC Land) làm chủ đầu tư, sau đó PVFC Land chuyển nhượng cho Công ty Đầu tư xây lắp Dầu khí Imico. Đến cuối năm 2010, Imico tiếp tục chuyển nhượng dự án cho Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Vinaconex PVC.

PVFC Land đã từng trả lời rằng, đơn vị này không phải là chủ đầu tư nên việc tiến hành khởi công hay thi tuyển phương án kiến trúc và lập dự án đầu tư dự án không thuộc trách nhiệm, quyền hạn của PVFC Land. Sau nhiều lần đổi chủ, dự án chậm tiến độ chỉ có nhà đầu tư bị thiệt.

Nhiều dự án mác dầu khí khác cũng đang chậm tiến độ như Nam Đàn Plaza, khu đô thị dầu khí Đức Giang,... Mới đây, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cũng đã tuyên bố tái cấu trúc và rút khỏi bất động sản. Hiện, chỉ có Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) và các công ty con của đơn vị này đầu tư và kinh doanh bất động sản. Mặc dù vậy, nhiều công ty vẫn có mác dầu khí khiến không ít nhà đầu tư lầm tưởng.

Rủi ro không trừ ai

Không chỉ "dầu khí" mác "Sông Đà" cũng đã khiến nhiều nhà đầu tư mắc cạn khi dự án chậm tiến độ hoặc gặp những rắc rối về pháp lý. Điển hình như dự án Nam An Khánh do Công ty CP đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico) làm chủ đầu tư hay U-Silk City do Sông Đà Thăng Long làm chủ đầu tư.

Ông Tuấn Anh, một nhà đầu tư đang mắc cạn tại dự án Nam An Khánh cho biết, tin tưởng vào tên tuổi chủ đầu tư ông đã mua mấy lô đất của dự án này. Tuy nhiên, những rắc rối về pháp lý cũng như lùm xùm của chủ đầu tư khiến ông không khỏi lo lắng. Hiện tại, lô biệt thự của ông đang rao bán với giá rớt thê thảm chỉ 25 triệu đồng/m2. So với giá cách đây không lâu, ông đã mất đứt vài tỷ đồng.

"Trước khi mua tôi cũng đã xem xét kĩ năng lực chủ đầu tư nhưng dần dần niềm tin đã bị mờ. Dự án tiếp tục đắp chiếu, những người mua như chúng tôi không biết kêu ai", ông Tuấn Anh chia sẻ. Hiện, ông đang rao bán cắt lỗ lô đất của mình bởi không còn kiên nhẫn chờ đợi những động thái tích cực của chủ đầu tư.

Một số ông lớn khác như HUD, Vinaconex, Udic,... hấp dẫn nhà đầu tư khiến họ nhảy vào "lướt sóng", mua đi bán lại bất động sản với giá chênh lên tới vài tỷ đồng. Sau đó, không ít nhà đầu tư đã mắc cạn. Mới đây, dự án N05 của Vinaconex khiến người mua nhà thất vọng khi chủ đầu tư giao nhà chậm cùng với hàng loạt vấn đề về chất lượng cũng như phí quản lý, dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, giám đốc một sàn bất động sản, thương hiệu chủ đầu tư là một yếu tố quan trọng để người mua nhà đặt niềm tin. Tuy nhiên, không phải chủ đầu tư nào cũng cam kết và thể hiện uy tín của mình. Thị trường bất động sản gặp khó khăn, chủ đầu tư cũng chịu cảnh ngộ.

Nguyên nhân cơ bản vẫn do khả năng tài chính của chủ đầu tư, nhiều chủ đầu tư dàn trải, vốn của dự án này lại chuyển sang đầu tư dự án khác hay trả lãi ngân hàng,... Không ít chủ đầu tư có tên tuổi ở ngành khác nhưng lĩnh vực bất động sản lại còn non trẻ chính vì vậy mà họ có thể gặp rủi ro. Nguyên nhân thứ hai là tính pháp lý của dự án, chủ đầu tư đã chuyển nhượng từng phần của dự án cho nhà đầu tư thứ cấp ở nhiều cấp độ hoặc chuyển cho các công ty con.

Ông Nguyễn Đức Điền, Trưởng phòng pháp chế công ty bất động sản nhận định, nhà đầu tư đã tỉnh táo hơn nhiều. Tâm lý đầu tư theo phong trào hay chỉ nhìn vào tên tuổi của chủ đầu tư sẽ không còn nữa. Bản thân những người mua nhà chỉ tin vào "người thật việc thật", họ sẽ chọn những dự án đã xây xong, đảm bảo về tiến độ. Những chủ đầu tư hay dự án không uy tín tất yếu sẽ bị đào thảo ra khỏi thị trường.

Theo VEF
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.