CafeLand - Tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Ngày 13/11, Quốc hội thảo luận về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy chữa cháy giai đoạn 2014 – 2018. Trong đó, vấn đề cháy nổ và công tác phòng cháy chữa cháy tại các đô thị, chung cư, nhà cao tầng được các đại biểu quan tâm hơn cả.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018 cho biết: Giai đoạn 2014-2018, số công trình xây dựng gia tăng từ 30.000 đến 50.000 công trình/năm; khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy hiểm về cháy nổ ngày càng nhiều, trung bình tăng trên 15.000 cơ sở/1 năm.

Hiện nay cả nước còn 2.662 công trình nguy hiểm cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt, thiết kế, hoặc đã được thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy. Tính đến tháng 7/2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Đại biểu Cao Thị Xuân, Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc đặt câu hỏi, điều gì sẽ xảy ra nếu hỏa hoạn tại hàng trăm chung cư, cao ốc đang ẩn chứa nguy cơ an toàn cháy nổ?. Bà Xuân kiến nghị Chính phủ, Bộ Công an và chính quyền địa phương xử lý nghiêm tình trạng này, đặc biệt với các chung cư, nhà cao tầng khi đã đưa vào sử dụng thì bắt buộc phải đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Hưng Yên) thì cho rằng, hạ tầng kỹ thuật, giao thông phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy hiện nay còn nhiều bất cập, các quy chuẩn chưa được tuân thủ nghiêm. Tại các đô thị lớn có nhiều tuyến phố, ngõ nhỏ, mật độ dân cư đông đúc và thường kẹt xe vào giờ cao điểm khiến cho việc tiếp cận của xe chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn. Công tác cứu nạn, cứu hộ cũng không thuận lợi. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các trụ nước, bể nước dùng cho công tác chữa cháy cũng cần phải được cải thiện hiện nay.

Theo Đại biểu Mai, trong quy hoạch đô thị cần tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong phòng cháy chữa cháy, từ việc bố trí đường giao thông, các họng nước chữa cháy đến bảo đảm lưu lượng nước phục vụ cho công tác chữa cháy. Thiết kế của các công trình cần tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy chữa cháy.

Bên cạnh những ý kiến đề nghị nâng cấp hệ thống phòng cháy chữa cháy, đảm bảo quy định chặt chẽ các quy chuẩn, tiêu chuẩn thì các đại biểu cũng yêu cầu xử lý nghiêm trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra cháy nổ.

Theo con số thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có khoảng 3.000 chung cư cao tầng. Tập trung chủ yếu ở hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM.

Trong những năm qua, tình hình cháy nổ tại các dự án chung cư cao tầng ở hai đô thị này diễn ra khá phổ biến. Trong đó có những vụ cháy xảy ra liên tiếp tại cụm chung cư của tập đoàn Mường Thanh ở Hà Nội.

Tại TP.HCM hiện có khoảng hơn 1.000 tòa nhà chung cư. Trong đó, có 474 chung cư được xây dựng, đưa vào hoạt động trước khi luật phòng cháy chữa cháy ra đời năm 2001. Những chung cư này hiện xuống cấp, không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, nguy cơ cháy cao, khiến cư dân sống ở những chung cư này lo lắng.

Hiện nay vẫn còn tình trạng một số chủ đầu tư chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, thậm chí công trình chưa hoàn thiện nhưng đã dồn dân vào ở tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho hàng trăm cư dân.

Bên cạnh các dự án chung cư, thì hiện vẫn còn nhiều nhà máy công nghiệp tồn tại giữa các đô thị cũng là mối nguy tiềm ẩn về cháy nổ. Vụ hỏa hoạn tại nhà máy phích nước Rạng Đông mới đây ở Hà Nội là một điển hình.

Chung cư phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc

Từ ngày 15/4/2018, các chung cư sẽ bắt buộc phải mua bảo hiểm cháy nổ theo quy định tại Nghị định số 23/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Nghị định nêu rõ, cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ như nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ từ 5 tầng trở lên; nhà trẻ, trường mẫu giáo có từ 100 cháu trở lên; cửa hàng xăng dầu có từ 1 cột bơm trở lên… đều phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Theo quy định trong nghị định, đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ, gồm: Nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình, máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư. Đây sẽ là những đối tượng được doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường bảo hiểm khi bị thiệt hại do xảy ra cháy, nổ.

Nguyễn Văn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.