Tàu “bạch tuộc” khai thác cát trái phép trên biển Cần Giờ. ẢNH: MÃ PHONG
Mới chỉ xử lý phần ngọn
Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP.HCM, hiện nay hầu hết cát san lấp công trình tại TP là bất hợp pháp, bởi TP.HCM không có mỏ được cấp phép. Riêng cát xây dựng, các mỏ cấp phép cũng chỉ đáp ứng được 30 - 40%, còn lại 60 - 70% bất hợp pháp. Việc xử lý “cát tặc” đang bất hợp lý, bởi nếu công an siết chặt để bắt, thì nguồn cát khan hiếm, ảnh hưởng lớn đến các công trình xây dựng.
Nguồn cát tại TP dựa chủ yếu vào các mỏ được cấp phép tại Bến Tre, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... Thế nhưng nguồn cát được cấp phép tại các tỉnh này chỉ đáp ứng một phần cho nhu cầu TP. Để có cát san lấp, xây dựng thì các chủ công trình chủ yếu lấy từ nhiều nguồn khác nhau nhưng chủ yếu không rõ nguồn gốc tại biển Cần Giờ và các tỉnh miền Tây. Để đối phó với các cơ quan chức năng, chủ công trình, chủ sà lan nghĩ ra nhiều cách khác nhau để hợp thức hóa đơn chứng từ. “Việc công an kiểm tra, bắt sà lan khai thác vận chuyển cát trái phép là đang xử lý phần ngọn vấn đề. Vấn đề căn cơ ở đây là phải xem lại quy hoạch khai thác khoáng sản tại TP để đáp ứng nhu cầu phát triển của TP”, một cán bộ công an TP.HCM cho biết.
Một đại diện Bộ đội Biên phòng TP.HCM cũng nhận định: “Nếu quy hoạch và quản lý tốt nguồn cát thì TP sẽ thu nguồn thuế tài nguyên rất lớn cho ngân sách”.
Liên kết vùng quy hoạch
Theo ghi nhận của PV, đỉnh điểm khan hiếm cát xây dựng ở TP vào khoảng tháng 4.2017 với mức giá tăng lên đến hơn 200%, tương đương trên dưới 700.000 đồng/m3. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết nhu cầu cát xây dựng, san lấp của TP mỗi năm hàng chục triệu tấn. Trong khi đó, nhằm hạn chế các tác động xấu về môi trường do khai thác cát tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt, phòng tránh sạt lở và đảm bảo an toàn khu dân cư ven biển, kênh rạch, nên TP không quy hoạch điểm khai thác cát.
Giải bài toán cung cầu cát xây dựng, san lấp, theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT, UBND TP đã đề nghị UBND 19 tỉnh miền Đông và Nam bộ chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở TN-MT của các tỉnh này yêu cầu các doanh nghiệp đã được cấp giấy phép khai thác mỏ cát còn thời hạn khai thác, hỗ trợ tăng cường nguồn cung để nhanh chóng ổn định thị trường xây dựng của TP. Đồng thời cần có sự liên kết vùng để vừa siết chặt công tác quản lý, vừa tổ chức quy hoạch khu vực đủ điều kiện khai thác cát một cách bài bản.
Theo ông T.Đ.V, người hoạt động trong lĩnh vực san lấp tại TP, hiện nay tại TP.HCM đang mất cung - cầu trong thị trường cát san lấp, xây dựng. Bên cạnh đó, hiện nay việc thu thuế của nhà nước đối với tài nguyên cát đang dựa trên việc xuất hóa đơn đỏ tại các mỏ được cấp phép. Để đối phó việc khai thác quá khối lượng được cấp phép, các chủ mỏ cát thường xuất hóa đơn nhỏ giọt để đối phó. Phần lớn còn lại là cát được khai thác tại các mỏ này không được xuất hóa đơn, đồng nghĩa nhà nước không thu được thuế.
Theo ông V., để quản lý, thu thuế tài nguyên cát thì nhà nước nên siết chặt các công trình xây dựng, vì mỗi công trình đều có khối lượng cát san lấp cụ thể, nên nhà nước phải nắm “cái cán”. “Hiện nay còn rất nhiều kẽ hở trong việc quản lý thu thuế tài nguyên cát. Chính vì vậy, hầu hết các chủ san lấp, chủ mỏ cát đều lách luật né tránh việc đóng thuế để thu nguồn lợi lớn”, ông V. cho biết thêm.
Theo ông V., nên thành lập hiệp hội khai thác cát để góp phần việc khai thác, mua bán cát diễn ra tràn lan và rất phức tạp, gây áp lực lớn trong công tác quản lý.
Sớm có quy chuẩn sử dụng cát nhân tạo Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đề nghị Bộ Xây dựng và các bộ ngành liên quan cần sớm ban hành quy chuẩn để tiến tới sử dụng cát nhân tạo làm bằng bột đá, hoặc từ tro xỉ... làm vật liệu thay thế cát san lấp, đồng thời có quy hoạch và kế hoạch khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả nguồn cát tự nhiên. Bởi lẽ nếu để nạn “cát tặc” vẫn lộng hành, tận thu khai thác trái phép ở hầu khắp các dòng sông, cửa biển sẽ dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường và đời sống của người dân. Đình Nguyên |