Hơn 90 hộ dân sống tại tháp Ruby 1, khu căn hộ cao cấp Saigon Pearl, quận Bình Thạnh, TP HCM, vừa bị Ban quản lý tòa nhà cắt nước với lý do nợ quỹ bảo trì.

Bị cắt nước vào ngày 6/2, bà Nguyễn Thị Thanh, chủ căn hộ sống tại tháp Ruby 1, cho biết: "Tôi đã đóng phí dịch vụ đầy đủ nhưng vẫn bị Ban quản lý cắt nước vì chậm nộp phí bảo trì. Điều này quá vô lý vì tòa nhà chỉ mới vừa hết bảo hành cách đây không lâu, lại là chung cư cao cấp, quỹ bảo trì vẫn chưa dùng đến".


Bà Hồng giải thích, do không đồng ý với những mức phí quá cao của tòa nhà bà đang cùng một số hộ dân làm văn bản thắc mắc. Trong khi sự việc chưa ngã ngũ, bà đã gặp Ban quản lý và đề nghị không được cắt dịch vụ của dân cư nhưng không được giải quyết mặc dù tiền nước hàng tháng đã đóng đầy đủ.


Cùng ngụ ở tòa nhà Ruby 1 và bị tình trạng tương tự, bà Nguyễn Thị Lan bất bình vì mức phí trong tòa nhà quá cao, lại có thêm những khoản phạt khó hiểu. Cụ thể, phí quản lý tòa nhà được thu ở mức 17.000 đồng mỗi m2 một tháng nếu cư dân đóng một lần theo năm. Trường hợp nộp theo tháng, mức phí bị đội thêm khoản lãi phạt 1,5% với giá 17.800 đồng mỗi m2 chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. "Dịch vụ cung cấp hàng ngày, đóng theo tháng là hợp lý nhất. Thế thì vì sao lại phạt người đóng phí theo tháng? Ban quản lý không có quyền phạt những hộ đóng phí quản lý hàng tháng", bà Lan nói.


Theo những chủ hộ bị cắt nước tại tháp Ruby 1, tiền nước hàng tháng cư dân đã đóng đầy đủ thì chủ đầu tư không có quyền cắt nước điện hay bất cứ dịch vụ nào. "Cắt nước vì dân nợ phí bảo trì là áp dụng theo quy định nào?", một hộ dân bức xúc nói.


Những hộ bị cắt nước còn cho hay sẽ tiếp tục đưa những ý kiến thắc mắc kiếu nại này lên cơ quan có thẩm quyền và cơ quan thuế TP HCM nhờ kiểm tra can thiệp nếu chủ đầu tư không trả lời và giải quyết thỏa đáng.


Cắt nước ở chung cư Saigon Pearl vì nợ phí bảo trì
Dự án Saigon Pearl quận Bình Thạnh là một trong những chung cư cao cấp tại TP HCM. Ảnh: Vũ Lê

Trao đổi với VnExpress.net, đại diện Ban quản lý tòa tháp Ruby, Công ty Savills Việt Nam xác nhận: "Trong ngày 6/2, có tổng cộng hơn 90 hộ tại tòa tháp Ruby bị cắt nước vì chưa đóng phí bảo trì tòa nhà của năm 2011. Trước khi tiến hành cắt nước, Ban quản lý đã thông báo và nhiều lần nhắc các hộ này đóng phí bảo trì nhưng họ không thực hiện".


Đại diện Công ty Savills cho hay, việc thu phí bảo trì là một điều khoản có trong hợp đồng mua bán và tuân thủ theo đúng quy định về quản lý vận hành nhà chung cư. Theo đó, thay vì thu ngay một lần, phí bảo trì tại tòa nhà Ruby được chủ đầu tư và khách hàng thỏa thuận thu thành nhiều đợt. "Cắt nước chỉ là hình thức chế tài", vị này giải thích.


Về cơ chế hai mức phí quản lý và lãi phạt 1,5% khi đóng phí từng tháng, Ban quản lý tòa nhà Ruby giải thích, điều này được áp dụng nhằm khuyến khích cư dân chọn phương thức thanh toán mỗi năm một lần và tạo sự công bằng cho tất cả khách hàng.


Theo Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, việc Ban quản lý tiến hành cắt nước những hộ dân vì nợ tiền quỹ bảo trì là chưa đúng với các quy định của pháp luật. Tại Điều 16, Quyết định 08 do Bộ Xây dựng ban hành năm 2008, không có quy định về việc Ban quản lý nhà chung cư được quyền tự ý cắt nước khi cư dân chậm đóng phí bảo trì tòa nhà.


Bên cạnh đó, tại Điều 23, Quyết định 08 chỉ đề cập đến trường hợp cư dân không đóng đủ phí quản lý vận hành tòa nhà thì Ban quản lý phối hợp với Ban quản trị đề nghị các cơ quan cấp điện, nước ngừng cung cấp dịch vụ. Theo đó, chỉ các cơ quan cung cấp điện, nước mới có quyền cắt điện, nước của người sử dụng nhà chung cư.


Luật sư Hậu phân tích thêm, theo Điều 51, Nghị định 71 do Chính phủ ban hành năm 2010, phí bảo trì chỉ được thu khi phát sinh hư hỏng, cần tu bổ, sửa chữa và được xác định đối với từng hạng mục cụ thể. Chỉ khi nào khoản kinh phí đã đóng góp không đủ thì các chủ sở hữu mới có trách nhiệm đóng góp thêm. Trong trường hợp quỹ bảo trì tòa nhà vẫn còn và không phát sinh việc thiếu kinh phí thì người dân không cần phải đóng tiếp.


Về việc Ban quản lý thu phí vận hành tòa nhà (còn gọi là phí quản lý) theo năm, ông Hậu cho rằng cũng đi ngược với quy định của pháp luật Việt Nam. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 17, Quyết định 08, phí quản lý được huy động từ các hộ dân theo nguyên tắc đảm bảo tính đủ chi phí và được tính theo tháng. "Ban quản lý quy định phạt đối với người nộp phí theo từng tháng là vi phạm quyền lợi của người sử dụng nhà chung cư và trái với luật bảo vệ người tiêu dùng", ông Hậu nhấn mạnh.


Sài Gòn Pearl là một trong những chung cư cao cấp nhất tại TP HCM.


Phí quản lý chung cư bao gồm phí dịch vụ bảo vệ, vệ sinh, anh ninh, chăm sóc các khu vực công cộng... được Ban quản lý tòa nhà thu hàng tháng để vận hành chung cư.

Phí bảo trì chung cư là quỹ chung của tòa nhà do từng hộ dân đóng góp, được gửi vào ngân hàng khi chưa dùng đến. Mọi chủ sở hữu nhà chung cư đều phải có trách nhiệm đóng phí bảo trì tòa nhà theo tỷ lệ quy định là 2% giá trị mỗi căn hộ. Quỹ này sẽ được sử dụng vào việc sửa chữa, tu bổ kết cấu công trình và những hệ thống máy móc vận hành tòa nhà khi công trình hết hạn bảo hành.

Theo Vũ Lê (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.