Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” của Báo CAND tuần này trao đổi với ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội, địa phương đang “rất nóng” trong công tác giải phóng mặt bằng với những kinh nghiệm thực tiễn rất có ý nghĩa, nhằm tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra và đóng góp thiết thực vào việc sửa đổi Luật Đất đai đang diễn ra.

Sai phạm phức tạp về ANTT về đất đai trong thời gian gần đây một lần nữa cho thấy tính chất phức tạp trong đền bù, thu hồi đất. Nếu liên kết các sự kiện nghiêm trọng như thế cộng với con số 70% đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai do Tổng Thanh tra Chính phủ đưa ra, khó ai có thể khẳng định những vụ việc xâm hại an ninh trật tự có nguồn gốc từ đền bù, thu hồi đất sẽ không tái diễn.

Chuyên mục “Trò chuyện Chủ nhật” của Báo CAND tuần này trao đổi với ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng TP Hà Nội, địa phương đang “rất nóng” trong công tác giải phóng mặt bằng với những kinh nghiệm thực tiễn rất có ý nghĩa, nhằm tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra và đóng góp thiết thực vào việc sửa đổi Luật Đất đai đang diễn ra.

“Nóng” trên hiện trường

PV: Bạn đọc Báo CAND không thể kỳ vọng lột tả hết những phức tạp trong vấn đề đất đai hiện nay, mà chỉ mong muốn tinh thần “nghĩ mở, nói thẳng” để nêu lên được thật chất những khúc mắc, phức tạp từ thực tiễn đền bù, thu hồi đất cho trên 1.000 dự án của TP Hà Nội hiện nay. Qua đó, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề cần sửa đổi trong luật cho phù hợp?

Trưởng ban CĐGPMB Trương Quang Thiều: Tôi sẵn sàng trao đổi thẳng thắn những vấn đề bạn đọc quan tâm trong lĩnh vực đền bù, thu hồi đất cả về chính sách và tổ chức thực hiện tại Hà Nội. Xin phác vài điểm nổi bật để tiện trao đổi: Hà Nội hiện có trên 1.000 dự án lớn nhỏ cần phải giải phóng mặt bằng, trong đó Bộ GTVT có trên 10 dự án (phần lớn là các tuyến đường lớn); hai dự án của Trung ương là khu công nghệ cao Hòa Lạc và Đại học quốc gia chiếm 2.420ha; 55 dự án trọng điểm của thành phố với 37 nhóm công trình... Nói chung dự án nào cũng yêu cầu tiến độ, nhưng quá trình thực hiện nảy sinh vướng mắc nên có chuyện chậm tiến độ ở một số dự án.

PV: Ghi nhận từ hiện trường cho thấy, dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc (1.560ha) Hà Nội đi trước nhưng về sau Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh nhiều năm; trong 55 dự án trọng điểm của Thủ đô giai đoạn 2011-2015 thì có tới 37 dự án chậm tiến độ vì nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là ách tắc mặt bằng và thiếu vốn. Đáng chú ý, là công trình đường vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu rất chậm mặt bằng; đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái qua hai nhiệm kỳ đến nay chưa giải phóng được mét vuông nào; đường Nhật Tân - Nội Bài và một số tuyến do Bộ GTVT làm chủ đầu tư cũng vướng về mặt bằng... Trong khi công tác giải phóng mặt bằng giữ vai trò hết sức quan trọng, vì nó chiếm tỷ lệ rất cao trong giá thành dự án (như dự án đường Ô Chợ Dừa -Hoàng Cầu, phần đền bù giải phóng mặt bằng chiếm 80% giá trị dự án). Mặt khác, giải phóng mặt bằng không đảm bảo sẽ trực tiếp cản trở tiến độ dự án, chất lượng dự án bị ảnh hưởng, làm thiệt hại không ít tiền của Nhà nước và thời gian của xã hội.



Dự án trọng điểm đường vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu, Hà Nội với khối lượng giải phóng mặt bằng chiếm 80% giá trị dự án.


Trưởng ban CĐGPMB Trương Quang Thiều: Phải nói cả mặt được và chưa được chứ. Bảy tháng đầu năm 2013, nhiều dự án trọng điểm chúng tôi đã hoàn thành dứt điểm bàn giao cho đơn vị thi công, như quốc lộ 3 mới Hà Nội-Thái Nguyên qua địa bàn các huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm; đường nối Nhật Tân - Nội Bài; đường Kim Mã - Trần Phú; dự án Đại học Quốc gia... với tổng cộng trên 10.126ha đất đã thu hồi. Còn chậm tiến độ mặt bằng ở những dự án nêu trên là một thực tế, tuần nào giao ban chúng tôi cũng mổ xẻ để tìm giải pháp đẩy tiến độ, nhưng còn vướng mắc.

PV: Vướng mắc chính là gì, nếu chỉ xét riêng chuyện đền bù giải phóng mặt bằng, thưa ông?

Trưởng ban CĐGPMB Trương Quang Thiều: Bản chất công tác giải phóng mặt bằng cực kỳ phức tạp, vì nó liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Chính sách của Nhà nước về đền bù đất đai từng bước hoàn thiện nhưng không phải muốn là có thể thay đổi, điều chỉnh ngay được; hơn nữa, đền bù dính đến đất đai, mà muốn bồi thường phải dựa vào nguồn gốc đất, giấy tờ liên quan,... mới áp được giá đền bù. Có phường ở quận Đống Đa, không ít hồ sơ quản lý đất đai mới cập nhật từ năm 1997 trở lại đây, trong khi trước đó người dân, các tổ chức vẫn ở, vẫn sử dụng thì việc xác định nguồn gốc đất có gặp khó khăn không? Tại Hà Nội, tôi thống nhất với góp ý của một số đại biểu Quốc hội, điểm “nghẽn” của việc chậm giải phóng mặt bằng chủ yếu là quy định thu hồi đất, và “nút thắt” của việc thu hồi đất chính là giá đất. Bên cạnh đó còn có nguyên nhân khác.

“Nóng” trong nghị trường

PV: Ông nói tới ý kiến đại biểu Quốc hội lại liên quan đến chủ đề đền bù thu hồi đất. Mới đây, đại biểu Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban công tác đại biểu khi góp ý kiến vào dự thảo sửa đổi Luật Đất đai có đặt vấn đề để giải quyết thấu đáo hơn việc khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai; giải quyết tham nhũng thông qua cơ chế thu hồi đất, đặc biệt là đất nông nghiệp, hiện căn cứ để thu hồi đất còn quá rộng; giá đất được quy định nhiều loại nhưng chưa cụ thể. Trên địa bàn Hà Nội, những quy định như vậy nảy sinh vấn đề gì với cả người dân và nhà quản lý?

Trưởng ban CĐGPMB Trương Quang Thiều: Quy định hiện hành phân loại đất đai có nhiều loại: Đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp và đất ở. Trong đất nông nghiệp lại chia thành từng khu vực; đất ở lại chia theo từng vị trí gắn với loại đường... Căn cứ thu hồi đất nông nghiệp khá rộng, giá đất được quy định nhiều loại nên khi vận dụng vào thực tế không thuận lợi, dễ có sai sót. Tuy nhiên, quy định pháp luật cho phép HĐND cấp tỉnh, thành hằng năm thông qua bảng giá đất làm cơ sở thực hiện việc áp giá đền bù và một số mục tiêu khác (như xác định nghĩa vụ tài chính đất đai với doanh nghiệp, cá nhân, cho thuê đất, đấu giá đất...). Pháp luật cũng cho phép, tại thời điểm thu hồi đất mà giá đất đó không phù hợp, thì UBND cấp tỉnh, thành được điều chỉnh cho phù hợp. Trên cơ sở các quy định đó, thành phố vẫn có vận dụng đối với từng dự án khi thu hồi đất. Qua thực hiện, việc thu hồi đất nông nghiệp thuận lợi, không có gì nổi lên; thu hồi đất phi nông nghiệp cũng không phức tạp; nhưng thu hồi đất ở thì có nhiều vấn đề, vướng nhất là giá đất.

PV: Căn nguyên nào việc thu hồi đất nông nghiệp liên quan đến nhiều hộ dân lại thuận lợi, trong khi thu hồi đất ở tại Hà Nội thì gặp khó khăn?

Trưởng ban CĐGPMB Trương Quang Thiều: Bí quyết là vận dụng tối đa quy định của pháp luật cho phép khi thu hồi đất nông nghiệp theo hướng có lợi cho người dân để họ chuyển đổi nghề, ổn định cuộc sống. Cụ thể là ngoài giá đất đền bù, mỗi m2 đất nông nghiệp còn được hỗ trợ gấp 5 lần mức giá quy định của pháp luật, vì thế người dân phấn khởi giao đất.

Nhưng với đất ở thì phức tạp, cả ở giá đền bù lẫn xác định nguồn gốc. Nhiều dự án bị chậm mặt bằng chủ yếu vì khâu này. Quy định của bảng giá đất không thể chi li đến từng vị trí. Muốn giải quyết đền bù, thu hồi đất, ngoài quy định của Luật Đất đai, bảng giá đất của thành phố, còn cần tới nhiều quyết định khác do thành phố ban hành mới có thể điều chỉnh tới từng mặt bằng, từng dự án, từng vị trí đất ở được. Mặt thuận là linh hoạt khi thu hồi đất, nhưng nó có hạn chế, khó khăn cho quá trình vận hành. Tôi nói ví dụ, bảng giá đất ban hành hướng tới nhiều mục tiêu, nếu chỉ vì đền bù thu hồi đất mà điều chỉnh giá đất, thì sẽ ảnh hưởng tới các mục tiêu khác như xác định nghĩa vụ tài chính về đất của cá nhân, doanh nghiệp khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ sở đấu giá đất, cho thuê đất cũng phải thay đổi... Xử lý vấn đề giá đất, trước mắt phải đặt vấn đề một cách rất cụ thể lợi ích của người bị thu hồi đất là gì? Ngoài đền bù giá đất theo quy định, phải tính tới mức hỗ trợ về nhà ở, tạo việc làm chuyển đổi nghề... mới hấp dẫn người dân, tránh khiếu kiện.

PV: Theo con số cơ quan Thanh tra Chính phủ đưa ra, 70% đơn thư khiếu kiện liên quan đến đất đai. Là người chỉ đạo trực tiếp công tác đền bù thu hồi đất, ngoài quy định về giá đất còn thiếu tính cụ thể dẫn tới khiếu kiện sau khi áp giá đền bù thì nguyên nhân nào khác dẫn tới con số trên?

Trưởng ban CĐGPMB Trương Quang Thiều: Từ thực tiễn áp dụng giá đất để đền bù, thu hồi đất, cần phải quy định một cách rất cụ thể giá đất, luật hóa vấn đề này, chứ chỉ nói nguyên tắc định giá đất phù hợp với giá thị trường là rất khó thực hiện (hiện không địa phương nào làm được việc này). Con số khá lớn đơn thư khiếu kiện liên quan đến đất đai, có lẽ xuất phát chính là từ tính chất phức tạp trong xác định nguồn gốc đất, quy định pháp luật về đất đai chồng chéo, thiếu cụ thể nên khó áp dụng, trong đó có cả sự thiếu sót từ những cán bộ làm công tác này. TP Hà Nội luôn quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch các nội dung tiêu chuẩn đền bù. Cấp thiết đổi mới cách thu hồi đất, tạo sự công bằng giữa các hộ dân trong cùng khu vực sẽ hạn chế khiếu kiện.

Đòi hỏi từ thực tiễn

PV: Trong bối cảnh có nhiều vấn đề nảy sinh xung quanh vấn đề đền bù, thu hồi đất như hiện nay, ông có kiến nghị gì để cải thiện cơ bản tình hình trên?

Trưởng ban CĐGPMB Trương Quang Thiều: Đòi hỏi cấp thiết phải đổi mới công tác thu hồi đất và giá đất. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nên giá đất phải do Nhà nước quản lý và quy định phù hợp với thực tế, phù hợp với thời điểm thu hồi đảm bảo hài hòa các lợi ích; thứ hai, tất cả các dự án lớn đều phải lập thành một tiểu dự án giải phóng mặt bằng, trong tiểu dự án đó phải có những công trình hoàn trả đã được lập, thẩm định, phê duyệt; và thứ ba, tiểu dự án giải phóng mặt bằng đó phải làm trước một bước, mới đảm bảo quyền lợi của người dân và tiến độ dự án.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Trưởng ban!

Thanh Phong (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.