20/03/2017 4:49 PM
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở và các tài sản gắn liền với đất nếu được làm tốt, sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển lành mạnh. Tuy nhiên, thực tế triển khai công tác cấp giấy chứng nhận tại Hà Nội vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nhiều cư dân tại các khu chung cư chưa có sổ hồng
Đẩy nhanh tiến độ cấp sổ
Cuối tuần qua, Thường trực Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội đã có buổi làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường về kết quả công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn Thành phố.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tính đến hết tháng 2/2017, Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho hơn 1,3 triệu thửa đất, đạt tỷ lệ 90,46%. Còn hơn 252.000 thửa đất chưa được cấp Giấy chứng nhận, trong số này có 55.658 thửa đất đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận, còn lại là đất có vướng mắc, khó khăn chưa cấp được.
Đối với các dự án phát triển nhà ở, có 279 dự án, chủ đầu tư đã nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên và Môi trường, có 178.278 căn hộ đã được bán và bàn giao. Lũy kế đến nay, đã cấp giấy chứng nhận cho 146.884 căn hộ, đạt 82,39%, còn 31.394 căn hộ chưa cấp Giấy chứng nhận.
Đối với các cơ quan, tổ chức sử dụng đất, có 19.247 thửa đất cần cấp giấy và đến nay đã cấp được 13.726 thửa đất, đạt tỷ lệ 71,32%, còn khoảng 5.521 thửa đất chưa được cấp giấy.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã thành lập nhiều tổ công tác xuống tận địa bàn các quận, huyện, tham gia tổ chuyên ngành của Thành phố để xuống từng địa bàn tháo gỡ các vướng mắc.
Ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, từ đầu năm 2016, cơ quan này đã tham mưu cho Thành phố ban hành nhiều văn bản, tổ chức triển khai thực hiện công tác cấp giấy. Đồng thời, Sở cũng hướng dẫn các quận, huyện thực hiện các nội dung chuyên môn và hàng tháng đều có giao ban trực tiếp với người sử dung đất.
Sở trực tiếp có nhiều hội nghị với tất cả các chủ đầu tư có dự án phát triển nhà ở Hà Nội, đối thoại trực tiếp, giao ban trực tiếp để tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ chủ đầu tư làm hồ sơ để cấp giấy cho người mua nhà.
“Thậm chí, chúng tôi còn phải xuống gặp ban quản trị từng tòa nhà để thực hiện công tác kê khai cấp giấy. Rồi cải cách hành chính, tiếp nhận hồ sơ trực tiếp từ người mua nhà mà không cần qua chủ đầu tư”, ông Nghĩa nói.
Nhưng vướng nhiều bề...
Dù có nhiều chuyển biến tích cực trong thời gian qua, nhưng để kịp thời hạn hết tháng 6/2017 cơ bản hoàn thành công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình theo Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội vẫn còn nhiều vấn đề cần có sự chỉ đạo, vào cuộc các cơ quan liên quan.
Tại các dự án phát triển nhà ở, qua thẩm định 279 dự án, ông Nghĩa cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhà ở không đủ điều kiện cấp giấy. Quá trình đô thị hóa, thị trường bất động sản biến động, phát triển nóng, dẫn đến nhiều chủ đầu tư triển khai các dự án ồ ạt, vi phạm pháp luật đất đai, vi phạm pháp luật xây dựng.
Một số dự án xây dựng không đúng quy hoạch chi tiết hoặc không đúng thiết kế hoặc giấy phép được cấp. Vi phạm rất đa dạng, từ xây tăng diện tích, tăng mật độ xây dựng, tăng số tầng, tăng số căn hộ, chuyển công năng tầng kỹ thuật thành văn phòng hoặc nhà ở, chuyển tầng dịch vụ, thương mại thành nhà ở…
Nhiều dự án chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không làm thủ tục theo quy định, vi phạm pháp luật đất đai. Chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng và bán nhà ở. Có trường hợp giao đất cho cơ quan, đơn vị xây dựng nhà ở nhưng đã phân chia cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở.
Một số dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, nợ tiền sử dụng đất. Một số trường hợp do vi phạm pháp luật đất đai dẫn đến phát sinh nghĩa vụ tài chính, nhưng chưa được xử lý.
Chưa kể, có nhiều dự án, nhà xây xong, đã bàn giao cho khách hàng nhưng chủ đầu tư chậm nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà. Khi chủ đầu tư không nộp hồ sơ, cơ quan quản lý không có cơ sở để cấp giấy.
Cũng theo ông Nghĩa, có nhiều trường hợp, người mua nhà được chủ đầu tư cho chậm trả, hoặc thế chấp hợp đồng mua bán tại các ngân hàng, nên không có đủ giấy tờ cần thiết để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Rất nhiều căn hộ được mua đi bán lại và để không. Những trường hợp này, người mua nhà cũng không nộp giấy tờ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận.
“Còn phải kể đến vấn đề chính sách còn chồng chéo, không thống nhất, văn bản hướng dẫn chậm, nhiều thay đổi, khó thực hiện... Tất cả những vấn đề này khiến cho việc cấp Giấy chứng nhận cho nhà dự án còn tồn đọng”, ông Nghĩa cho biết.
Được biết, trên địa bàn Hà Nội có hơn 1.000 dự án phát triển nhà ở, nhưng mới chỉ có 279 dự án đã bán, đã bàn giao và đã nộp hồ sơ về Sở Tài nguyên và Môi trường để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận. Còn rất nhiều dự án đã bàn giao, nhưng không nộp hồ sơ dẫn đến người mua nhà không làm được thủ tục.
Bên cạnh vấn đề cấp sổ cho nhà dự án, việc cấp sổ cho các cá nhân, hộ gia đình cũng còn nhiều khó khăn.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho thấy, trong số 252.000 thửa đất chưa cấp Giấy chứng nhận, có hơn 12.000 thửa đất vướng mắc là do quy hoạch. Rất nhiều khu vực nằm trong các dự án đã quy hoach, nhưng chưa thể triển khai, nên ảnh hưởng cuộc sống người dân.
Tại buổi làm việc của Hội đồng Nhân dân TP.Hà Nội với quận Thanh Xuân tuần trước, một lãnh đạo của phường Hạ Đình, nơi có số lượng lớn gia đình nằm trong quy hoạch cây xanh quanh hồ Hạ Đình đã nêu thực trạng nhà cửa lụp xụp, không được xây dựng bởi vướng quy hoạch. Trong khi đây là khu vực giãn dân, dân ở trước, quy hoạch thì có sau.
Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội, Chỉ thị của UBND TP.Hà Nội đều yêu cầu phải xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc, nhưng vướng mắc ở khu vực Hạ Đình, quận Thanh Xuân đang chờ chỉ đạo để giải quyết.
Ngoài ra, trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, quận Thanh Xuân... còn có nhiều trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật. Bản án của tòa án đã tuyên thu hồi đất, kết luận thanh tra đã kiến nghị thu hồi, nhưng đến nay không thu hồi được. Các hộ gia đình, cá nhân vẫn đang quản lý, sử dụng.
Trong trường hợp này, Sở Tài nguyên và Môi trường kiến nghị, nếu đất đai sử dụng ổn định, phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp, khiếu kiện thì đề nghị Sở Tư pháp phối hợp với Tòa án rà soát để có ý kiến và xem xét cấp Giấy chứng nhận cho người dân.
Bùi Trang (ĐT BĐS)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.