Từ 20 năm trước tại xã Hương Lâm (Hiệp Hòa, Bắc Giang), chính quyền xã, thôn đã tự ý chuyển đổi đất nông nghiệp thành đất ở, phân lô bán cho người dân. 20 năm sau, câu chuyện mới bắt đầu, khi người dân đã nộp tiền mua đất được mời lên nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) với điều kiện phải nộp từ hàng chục tới hàng trăm triệu đồng. Chỉ vài năm trở lại đây, toàn huyện Hiệp Hòa người dân đã nộp 34 tỉ đồng để sửa sai cho chính quyền xã 20 năm trước
Hàng chục người dân thôn Đông Lâm (xã Hương Lâm, Hiệp Hòa, Bắc Giang) lo lắng khi phải nộp hàng chục tới hàng trăm triệu để được cấp sổ đỏ
Mua đất 20 năm mới được gọi lấy sổ đỏ
Dưới cái nắng chói chang của mùa hè, gần trăm hộ dân thôn Đông Lâm (xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa) khi nghe phóng viên về tìm hiểu tình hình đã không quản nắng nóng vội vàng tập trung lại nhà một hộ dân. “Năm hai mùa lúa chúng tôi lây đâu ra cả trăm triệu để mà lấy sổ đỏ. Hồi mới mua chúng tôi đều nộp tiền cho xã rồi, xã có nhu cầu bán thì chúng tôi mới mua chứ, biết mất cả trăm triệu thế này ai mua để để làm gì”, ông Đồng Văn Tú mở đầu câu chuyện.Theo ông Tú, cuối năm 1996, ông cùng gần 100 hộ dân đang sinh sống tại thôn Đông Lâm được chính quyền xã Hương Lâm bán cho người một mảnh đất, ngoài tiền mua đất các hộ dân đã chung nhau nộp cho UBND xã Hương Lâm thêm 3 triệu đồng gọi là tiền quy hoạch và tiền cấp sổ đỏ. Hầu hết các hộ dân đều xây nhà và an cư lập nghiệp trên những mảnh đất đó. Nhiều lần các hộ dân làm đơn kiến nghị, yêu cầu chính quyền địa phương cấp sổ đỏ cho mảnh đất họ đã mua, thế nhưng năm lần bảy lượt không thấy sổ đâu.
Cuối năm 2015, các hộ dân mới vui mừng nhận được thông báo đến trụ sở UBND xa để lấy sổ đỏ, thế nhưng họ lại “té ngửa” khi chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân nộp thêm một khoản tiền mới được lấy sổ đỏ, vì hầu hết các hộ dân không có tiền để lấy nên sỏ đỏ vẫn nằm ở xã. “Ngày đó, tôi vay mượn được 7,5 triệu đồng mua được 308,5m2 đất, bây giờ chính quyền địa phương yêu cầu tôi phải nộp thêm 138,8 triệu đồng mới được nhận sổ đỏ. Không hiểu họ căn cứ vào đâu để tính ra được khoản tiền này”, ông Tú nói.
UBND huyện Hiệp Hòa đưa ra công thức chung để tính mức tiền mà ông Tú và các hộ dân phải nộp lần 2 để lấy sổ đỏ là tổng diện tích mảnh đất nhân với giá đất hiện thời (giá áp dụng là 1,5 triệu đồng/m2). Lấy kết quả này nhân với ít nhất 30% (áp dụng với người dân đã nộp tiền đủ tiền việc xã bán đất sai phép ), nhiều nhất 60% (với những hộ chưa nộp đủ số tiền xã bán sai phép) để ra số tiền mới phải nộp.Cụ thể, số tiền nộp số đỏ nhà ông Tú được tính bằng: 308,5 m2 nhân với 1,5 triệu đồng nhân 30%, kết quả ra 138,525 triệu đồng. Là một trong những hộ dân phải nộp nhiều tiền nhất, ông Ngô Quang Giảng bức xúc: “Như nhà tôi phải nộp đến 270 triệu đồng cho 620,1m2 đất. Chúng tôi lấy đâu ra tiền mà nộp, muốn vay ngân hàng cũng đâu có vay được vì đất có sổ đỏ đâu mà thế chấp”.
Không những thế, thời gian gần đây, một số hộ gia đình do điều kiện nhà cửa đã xuống cấp nhiều hộ có tiến hành để sửa lại. Tuy nhiên, chính quyền địa phương liên tục can thiệp và không cho sửa chữa nhà, thậm chí còn tổ chức cưỡng chế dù không có văn bản hay quyết định cưỡng chế nào. Các hộ dân cũng phản ánh, tuy cùng mua đất với nhau vào cùng một dãy đất, một thời điểm do UBND xã bán nhưng một số hộ dân đã làm được sổ đỏ mà không mất đồng tiền nào.
Dân đóng hàng chục tỉ để sửa sai!
Trao đổi với PV Báo Lao Động,bà Nguyễn Thị Hoa- Bí thư huyện Hiệp Hòa- kể lại, cách đây 20 năm, không chỉ huyện Hiệp Hòa mà cả tỉnh Bắc Giang, đã có phong trào các UBND các xã tự bán đất nông nghiệp lấy tiền để đầu tư đường, trường, trạm. Bà Hoa khẳng định, việc bán đất này trái phép, UBND các xã không có thẩm quyền để bán các lô đất này. “Vào thời điểm đó, tỉnh Bắc Giang và các huyện cũng không có biện pháp can thiệp việc làm sai này của UBND các xã”, Bí thư huyện Hiệp Hòa nói.
Còn theo giải thích ông Phạm Văn Thịnh-Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa- mặc dù việc UBND các xã cấp đất nông nghiệp cho dân gần 20 năm trước là trái thẩm quyền. Tuy nhiên, các hộ dân này vẫn đủ điều kiện để cấp sổ theo quy định tại Quyết định số 191 ban hành ngày 27.6.2012 của UBND tỉnh Bắc Giang. Theo quyết định này, các hộ dân nếu muốn được cấp sổ đỏ phải nộp tiền sử dụng đất đối với các lô đất trên địa bàn thị trấn và ven các trục đường quốc lộ. Để cụ thể hóa quy định tại Quyết định số 191 kể trên, ngày 5.9.2014, UBND H.Hiệp Hòa đã ban hành Quyết định số 4838 để áp giá thu hồi tiền sử dụng đất. Và sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, theo ông Thịnh để phù hợp với căn cứ với Luật mới, UBND tỉnh Bắc Giang ra tiếp hai Quyết định 449 ngày 16.7.2014 và Quyết định 706 ngày 17.10.2014 để tiếp tục thu tiền sử dụng đất với các hộ dân được cấp đất trải thẩm quyền.
Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Hiệp Hòa ngày 9.6.2016 lên UBND tỉnh Bắc Giang, tổng số tiền sử dụng đất phải nộp của các hộ gia đình, cá nhân khi cấp sổ đỏ theo Quyết định 191 là 243,4 tỉ đồng. Đến ngày 31.5.2016, huyện Hiệp Hòa có 636 trường hợp nộp tiền làm sổ đỏ với đất trái thẩm quyền với số tiền lên tới 34,1 tỉ đồng.
Trước câu hỏi PV Lao Động về việc UBND xã cấp đất trái thẩm quyền các đây 20 năm, việc chính quyền xã làm sai đã được xác định, tại sao UBND huyện Hiệp Hòa lại sửa sai bằng cách thu tiền làm sổ đỏ của dân?, ông Thắng nói: “Huyện đã có báo cáo lên sở TN&MT, sở Tài chính và UBND tỉnh để xin chỉ đạo có tiếp tục thu tiền hay dừng việc thu tiền”. –Vậy với những hộ dân đã nộp tiền sử dụng đất trong trường hợp UBND tỉnh có quyết định dừng thì người dân có được lấy lại tiền? Ông Thắng đáp: “Huyện đã có báo cáo và chờ tỉnh quyết định. Nếu tỉnh quyết định dừng thì về nguyên tắc sẽ phải trả lại tiền cho các hộ dân đã nộp”. Ông Thịnh cho biết thêm, trước phản ánh của người dân và báo chí, UBND huyện sẽ chỉ đạo dừng việc thu tiền cấp sổ đỏ với đất trái thẩm quyền để chờ chỉ đạo từ UBND tỉnh.
Đình Vũ - Thông Chí (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.