Trưa 19/9, thị trường phát đi thông tin Ngân hàng Nhà nước cho phép một số đơn vị được nhập vàng thì hôm sau (20/9), giá điều chỉnh giảm. Vàng miếng giao dịch ở 46,4 - 46,6 triệu đồng, giảm hơn 700.000 đồng mỗi lượng. Nhưng đà giảm này chủ yếu do yếu tố bên ngoài và thực tế không thấm vào đâu so với mức sụt mạnh của thị trường thế giới. Và ngay khi giá thế giới phục hồi chút đỉnh trong ngày 20/9, vàng trong nước lại nhanh chóng tăng tốc, khiến khoảng cách giữa giá trong nước và thế giới nới rộng trên 1 triệu đồng mỗi lượng.
Trong khi đó, khoảng cách hợp lý mà chính các doanh nghiệp thừa nhận với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là 400.000 đồng mỗi lượng.
Theo ghi nhận của VnExpress, giao dịch ở một số điểm kinh doanh không còn sôi động như hôm 20/9. Tuy nhiên, nhiều cửa hàng vẫn thông báo hết vàng từ lúc gần 11h. Với lý do chưa chế tác kịp, nhân viên Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) cho hay, phải đến 12h30 mới có vàng nhẫn trơn trả khách. Riêng vàng miếng vẫn giao dịch bình thường.
Tại một cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông, chưa đầy 10 phút khi giá vẫn ở vùng 46,92 - 47,1 triệu đồng mỗi lượng, có hai giao dịch mua vàng miếng trị giá 600 triệu đồng và hơn 1 tỷ đồng.
Sự biến động của giá quốc tế từ dưới 1.799 USD lên vượt 1.810 USD khiến cho các cửa hàng liên tục thay đổi bảng giá. Trong vòng 30 phút, một số tiệm thay giá gần chục lần nhưng mức độ thay đổi không đáng kể. Với 4 lần thay giá trong 30 phút, từ mức 46,92 triệu đồng mua vào lúc 10h40, đến 11h10, giá đã lên 47,03 triệu đồng. Chiều bán ra cũng tăng tương ứng từ 47,1 lên 47,23 triệu đồng mỗi lượng.
Lấy tỷ giá đôla trên thị trường tự do là 21.090 đồng quy đổi, hiện tại, vàng trong nước vẫn đắt hơn thế giới khoảng 1 triệu đồng chưa gồm các khoản phí, thuế. Theo cách tính này, mỗi ounce vàng quốc tế tương đương với 46,04 triệu đồng. Nhưng nếu tính thêm các khoản phí bảo hiểm, thủ tục hải quan, chi phí gia công, dập đúc khoảng 550.000 đồng nữa, giá vàng quốc tế quy đổi khoảng dưới 46,6 triệu đồng. Mức này vẫn thấp hơn so với trong nước khoảng 650.000 đồng mỗi lượng.
Theo nhận định của phần lớn chuyên gia, sự chênh lệch này xuất phát từ cung cầu của thị trường. Ông Vũ Minh Châu, Giám đốc Bảo Tín Minh Châu cho rằng, hiện nay vàng vật chất trong nước đang khan hiếm trong khi nhu cầu của người dân và nhà đầu tư nhiều, nên giá trong nước vẫn cao so với thế giới. Không có chuyện cùng lúc các doanh nghiệp có ý kiến "làm áp lực" để được Ngân hàng Nhà nước cho phép nhập vàng, ông này nhận định.
Giá vàng trong nước hiện vẫn đắt hơn quốc tế khoảng 1 triệu đồng một lượng. Ảnh: Công Tâm.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, Phó giám đốc PNJ cũng cho rằng, quy luật cung cầu thị trường là nhân tố khiến giá trong nước vẫn cao hơn so với quốc tế. Bà cho hay, hiện nay, sức mua của người dân lớn hơn nhiều so với động thái bán ra, nên giá luôn có xu hướng cao. Các doanh nghiệp vẫn cố gắng để đáp ứng nhu cầu của người dân, n hưng một mặt vẫn đang đợi vào số vàng nhập khẩu. Không tiết lộ số lượng được cho nhập lần này, nhưng Phó giám đốc PNJ cho hay, có thể cuối tuần này hoặc đầu tuần tới, vàng sẽ về đến Việt Nam.
Sau hai đợt cấp quota nhập vàng cho một số doanh nghiệp kinh doanh và ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước lại tiếp tục đồng ý cho phép nhập đợt 3. Số vàng về Việt Nam đợt này, theo tin từ một đơn vị được nhập, có thể ít hơn 2 lần trước. Một nguồn tin cho hay, số đơn vị được cấp phép lần này chỉ khoảng 6-7 gồm vài doanh nghiệp như SJC, PNJ, DOJI... và một số ngân hàng. Hạn ngạch mỗi đơn vị khoảng 300-400 kg. Do đó, ước lượng vàng nhập về chỉ khoảng 3 tấn, ít hơn hai lần nhập trước.
Trong đợt cấp quota này, Công ty vàng Agribank - một đơn vị được Ngân hàng Nhà nước tin dùng vào mỗi đợt cần bình ổn thị trường những năm trước không có trong danh sách. Ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty vàng Agribank cho biết, Agribank đề xuất nhập một tấn vàng, song vẫn đang chờ xét duyệt từ Ngân hàng Nhà nước. Nếu được, dự kiến đầu tuần tới, vàng sẽ về đến Việt Nam, ông Trúc nói.