Được khởi công từ tháng 7/2014, đến nay, hầu hết các gói thầu của dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành chưa được triển khai thi công. Khối lượng đền bù giải tỏa mới đạt xấp xỉ 50%.
Ngày 8/5, Ban Quản lý dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành (thuộc Tổng công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam – VEC) đã công khai toàn bộ thông tin của dự án và tổ chức cho báo chí thị sát hiện trường để làm rõ vì sao suất đầu tư công trình lên đến 25,8 triệu USD/km, đắt nhất Việt Nam và cao hơn so với một số nước trong khu vực.
Để khảo sát toàn tuyến công trình, phải ngồi xe len lỏi qua các con đường nhỏ hẹp, còn nguyên sơ lau lách, bùn đất và phải ngồi ghe qua sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu rộng mênh mông như biển vì hầu hết các hạng mục của dự án chưa được triển khai thi công.
Ông Đặng Hữu Vị, giám đốc BQL dự án cho biết đến nay, tiến độ xây lắp của gói thầu đầu tiên (Gói thầu J2: Cầu vượt sông Chà Và cầu cạn nối hai cầu dây văng Bình Khánh và Phước Khánh với tổng chiều dài 4,7 km) đã đạt gần 10% kế hoạch.
Các gói thầu từ A1-A3 sử dụng vốn vay Ngân hàng đầu tư phát triển châu Á đã bàn giao mặt bằng vào đầu tháng 3/2015. Riêng gói thầu A4 và các gói thầu thuộc phần đoạn tuyến phía Đông (thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai) dự kiến đấu thầu trong Quý 4/2015 và thi công xây lắp trong Quý 1/2016.
Theo BQL dự án so với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (suất đầu tư 17,83 triệu USD/km) thì dự án này còn phức tạp hơn. Cụ thể: Dự án đi qua khu vực sinh quyển rừng Cần Giờ và vùng địa chất, thủy văn rất phức tạp nhiều sông ngòi, sình lầy nên phải xây dựng hơn 20 km cầu và cầu cạn. Có nơi túi bùn sâu đến 60 m (đường cao tốc TPHCM – Long Thành Dầu Giây túi bùn sâu nhất chỉ 40m), phải dử dụng cọc khoan nhồi dài đến 80m.
Đặc biệt, đường cao tốc Bến Lức – Long Thành phải xây 2 cầu lớn cắt nganh tuyến hàng hải quốc tế nên độ tĩnh không thông thuyền cao 55 m (cao hơn cầu Phú Mỹ 10 m) và phải làm cầu dây văng chứ không thể làm cầu bê tông cốt thép vĩnh cửu như cầu Long Thành trên tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.
Cụ thể: Cầu Bình Khánh (qua sông Soài Rạp) dài 2,76 km có khẩu độ nhịp chính dài 375m, trụ chính cao 155m; cầu Phước Khánh (qua sông Lòng Tàu) dài 3,18km có khẩu độ nhịp chính dài 300m, trụ chính cao 135m.
Một phần dự án đi qua đường vành đai 3 của TPHCM nên phải xây dựng 6 nút giao với kinh phí đầu tư mỗi nút giao từ 500 tỷ đồng đến cả nghìn tỷ đồng.
Công tác giải phóng mặt bằng (hơn 3.000 hộ dân bị giải tỏa nhà đất) cũng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đoạn tuyến đi qua địa bàn huyện Bình Chánh (TPHCM) với khoảng 1.180 hộ dân bị giải tỏa. Đến nay, toàn tuyến mới thu hồi được khoảng 50% khối lượng mặt bằng.
Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công vào ngày 19/7/2014 có 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp với tổng chiều dài 57,1 km. Tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1,607 tỷ USD) vay từ Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Chính phủ Nhật và vốn ngân sách.
Theo VEC, suất đầu tư cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (rộng 35,5m; tốc độ 100-120km/ giờ) là 8,55 triệu USD; Nội Bài – Lào Cai (rộng 27,5m; tốc độ 80 - 100km/giờ) là 5,98 triệu USD; Đà Nẵng – Quảng Ngãi (rộng 26m; tốc độ 100-120km/ giờ) là 12,48 km; TPHCM – Long Thành – Dầu Giây 17,83 triệu USD. |