UBND TP Hà Nội đã xác nhận rằng chủ đầu tư đã tự ý xây dựng tòa nhà sai so với giấy phép xây dựng đã được Sở Xây dựng cấp, vi phạm về khoảng lùi ở phía đường Trần Phú, công trình chỉ được cấp phép cao đến 53 m nhưng chủ đầu tư cho xây cao 69 m, vượt 16 m, tương đương với năm tầng. Ngoài ra, công trình còn xây thêm hơn 6.100m2 sàn so với giấy phép.
Ở một vị trí “nhạy cảm” như ở số 8 Lê Trực mà chủ đầu tư vẫn có thể tự do sai phép như vậy hẳn phải là một điều đáng suy nghĩ. 16 m vượt chiều cao so với giấy phép, 6.100 m2 sàn xây thêm khó có thể nói rằng đó là những sai sót nhỏ để có thể áp dụng những lý do như “không uy hiếp đến an ninh quốc phòng, không ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân và mỹ quan đô thị” để được “xử lý linh động” và cho tồn tại như chúng ta thường thấy.
Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Thịnh Thành cho hay: Các sai phạm tại số 8B Lê Trực từng nhiều lần bị các cơ quan chức năng của Hà Nội (từ cấp sở, quận, phường) kiểm tra, xử phạt. Việc kiểm tra, xử phạt được thể hiện tại 27 văn bản của các cơ quan chức năng. Điều này cần đặt ra vấn đề liệu việc cấp phép cũng như giám sát của các cơ quan có thẩm quyền đối với công trình 8B Lê Trực đã “hết sức chặt chẽ” như yêu cầu phải có hay chưa.
27 lần kiểm tra, xử phạt nhưng đến nay những sai phạm tại 8B Lê Trực vẫn tồn tại và sẽ “hoàn thiện” nếu công luận không lên tiếng. Phải chăng các cấp có thẩm quyền, trong đó có thanh tra xây dựng các cấp ở TP Hà Nội đã không đôn đốc, giám sát quá trình thực hiện quyết định hành chính và khắc phục hậu quả vi phạm đối với chủ đầu tư công trình này?
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ngày 1-10 đã báo cáo Thủ tướng rằng mặc dù các cơ quan chức năng của Hà Nội nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng công trình 8B Lê Trực vẫn được tiếp tục xây dựng sai phép. Nguyên nhân có việc xử lý không kiên quyết của địa phương. Điều này cần phải được làm rõ nguyên nhân vì sao không kiên quyết xử lý. Do nể nang, do thiếu trách nhiệm hay do những nguyên nhân mà ai cũng biết nhưng… không nói ra?
Nghị định 180/2007 và 121/2013 của Chính phủ đã quy định: Đối với những công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị phải bị đình chỉ thi công, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp điện, nước và phải tự tháo dỡ hoặc bị cưỡng chế phá dỡ phần vi phạm. Vậy chính quyền đã làm gì để 27 văn bản trên được nghiêm túc thi hành, để vi phạm không tiếp nối và có điều kiện hoàn thành như thể muốn đặt mọi người vào chuyện đã rồi? Những sai phạm có tính chất hệ thống trong vụ tòa nhà 8B Lê Trực không thể không có lỗi từ nhiều phía: chủ đầu tư, đơn vị thi công, giám sát cho đến các cơ quan có thẩm quyền. Dẫu các quan chức có nói năng gì thì dư luận vẫn có thể nhìn thấy ở đây dấu hiệu của việc buông lỏng quản lý trong lĩnh vực xây dựng và việc xử phạt cho “xong việc” của những cơ quan công quyền.
Rồi Hà Nội sẽ thanh tra, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ việc này. Tuy nhiên, chỉ đến khi nào người dân, nhất là các cơ quan có thẩm quyền thực sự tuân thủ các quy định, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật thì lúc ấy những “con lạc đà” như công trình 8B Lê Trực mới không “chui lọt qua lỗ kim”.
Xem ra việc “cắt ngọn” tòa nhà 8B Lê Trực sẽ là một thách thức không nhỏ. Nó sẽ được dùng để soi rọi trách nhiệm và sự nghiêm minh trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về trật tự xây dựng đô thị, khi mà người dân rất dễ bị áp dụng các quy định này nhưng dường như đối với các “đại gia” thì lại là “vùng cấm”.