Ngân hàng nào sử dụng hạ tầng Digitalbanking tốt, các kênh giao dịch online hiện đại với những tiện ích vượt trội kết nối thanh toán tất cả các nhu cầu thiết yếu, thanh toán, chuyển tiền lại không mất phí... có thể thu hút khách hàng tốt.

Tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng (CASA) được đánh giá một trong những giải pháp giúp giảm chi phí vốn được hầu hết các ngân hàng lựa chọn, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng đang giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid. Bởi vậy cạnh tranh huy động vốn CASA sẽ ngày càng gay gắt. Vậy các ngân hàng sẽ phải có chính sách gì để hút được nguồn vốn giá rẻ; Ngân hàng nào có lợi thế trong cuộc đua này?

Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã phỏng vấn ông Lê Quang Trung - Phó Tổng giám đốc VIB xung quanh vấn đề này.

Ông có thể cho biết, tăng trưởng CASA của ngân hàng trong năm qua?

Số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng 30%, riêng khối ngân hàng bán lẻ có số dư CASA tăng tới 72% trong năm 2020. Trong những năm qua, ngân hàng duy trì tăng trưởng tỷ lệ CASA năm sau cao hơn năm trước.

Theo ông ngân hàng cần có kế sách gì để duy trì đà tăng trưởng CASA?

Để gia tăng được tỷ lệ CASA, nhiệm vụ đầu tiên là phải làm tốt chức năng thanh toán. Khi một ngân hàng có thể làm tốt tất cả các hoạt động thanh toán, từ chi trả các loại phí dịch vụ, nhận – thu hộ, đáp ứng mọi loại hình dịch vụ thanh toán... khách hàng sẽ chọn ngân hàng đó làm ngân hàng thanh toán. Thường khi khách hàng đã chọn làm ngân hàng thanh toán thì họ để số dư tiền trong tài khoản nhiều hơn để thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch thanh toán, thay vì gửi tiết kiệm với lãi suất thấp. Nên tôi nghĩ công việc đầu tiên của một ngân hàng muốn tăng tỷ lệ CASA là phải làm tốt chức năng thanh toán, và có giải pháp công nghệ, hạ tầng tốt mới duy trì được.

Tiếp theo nữa, cung ứng dịch vụ ngân hàng cho khối khách hàng cá nhân từ thanh toán đến cho vay, cấp thẻ tín dụng, tương tác với các ví điện tử tạo thuận lợi cho khách hàng chuyển tiền, hoặc có nhiều ưu đãi khi khách hàng sử dụng dịch vụ mua sắm... Còn với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng cung ứng tốt các dịch vụ liên quan đến xuất nhập khẩu, cho vay... Nói chung ngân hàng phải phục vụ tốt hệ sinh thái đó thì số lượng tài khoản cũng như số dư tiền trên tài khoản mới ngày càng tăng lên.

Hiện các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng khá giống nhau. Vậy theo ông phải làm gì để tạo điểm nhấn với khách hàng?

Tôi cho rằng, ngân hàng nào sử dụng hạ tầng Digitalbanking tốt, các kênh giao dịch online hiện đại với những tiện ích vượt trội kết nối thanh toán tất cả các nhu cầu thiết yếu, thanh toán, chuyển tiền lại không mất phí... có thể thu hút khách hàng tốt.

Tâm lý người tiêu dùng Việt Nam rất nhạy cảm về giá thành. Do vậy, để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng, điều đầu tiên các ngân hàng tính đến đó là chính sách phí 0 đồng. Hiện tại đa phần các ngân hàng đưa phí giao dịch thanh toán về bằng 0. Khi mà tất cả giá về bằng 0 thì đến cạnh tranh về chất lượng dịch vụ. Do đó, thời gian tới cuộc chạy đua cả về chất và lượng chắc chắn sẽ gay gắt. Nhưng tôi cho rằng, môi trường cạnh tranh cũng là điều tích cực, vì có gay gắt mới thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao chất lượng dịch vụ và người tiêu dùng mới được hưởng lợi.

Gần đây một số ngân hàng tăng lãi suất. Theo ông, động thái này có tạo ra xu hướng hay chỉ là mang tính cục bộ?

Tôi cho rằng, việc một số ngân hàng tăng lãi suất chỉ là điều chỉnh lại để cân bằng phù hợp với mặt bằng thị trường. Vì trước đó họ giảm lãi suất mạnh tay quá chứ chưa có biểu hiện nào áp lực tăng lãi suất. Ngay cả lạm phát, dù lạm phát chưa bao giờ biến mất nhưng ở thời điểm này, tôi thấy chưa có gì quan ngại. Nhất là hiện tại, Chính phủ các nước trên thế giới can thiệp thị trường cũng rất tốt. Điều này diễn ra tương tự tại Việt Nam, các công cụ điều hành vĩ mô ngày càng hiệu quả. Chẳng hạn như thời gian qua, NHNN đã điều hành cung tiền thông qua thị trường mở rất nhịp nhàng hiệu quả giúp lãi suất thị trường liên ngân hàng ổn định ngay sau khi tăng đột biến.

Xin cảm ơn ông!

  • Trợ lực giúp lãi suất huy động ngân hàng tăng lên

    Trợ lực giúp lãi suất huy động ngân hàng tăng lên

    CafeLand - Thông tin tích cực từ Covid-19, dấu hiệu dần phục hồi kinh tế vĩ mô, thanh khoản ngân hàng dồi dào, nhu cầu tín dụng tăng lên … là những yếu tố tích cực trợ lực đẩy lãi suất huy động ngân hàng tăng trở lại sau một năm giảm sâu.

Hà Thành (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.