Ồ ạt xin chuyển đổi
Cuối tháng 4 vừa qua, tại ĐHCĐ thường niên 2013, lãnh đạo Công ty Địa ốc Hoàng Quân cho biết, đã đăng ký chuyển đổi các dự án thương mại thành nhà ở xã hội ở 4 địa phương. Thứ nhất, Dự án Sovrano Plaza tại Đại lộ Nguyễn Văn Linh, khu 2, Đô thị Nam Sài Gòn đã được đồng ý chuyển đổi sang nhà ở xã hội với tên gọi mới là HQC Plaza. Dự án có định hướng về khách hàng cụ thể là lực lượng vũ trang, cán bộ công nhân viên, giá bán dự kiến 12 triệu đồng/m2. Dự án thứ hai thuộc Khu dân cư Bình Minh chuyển sang nhà ở xã hội có cơ chế bán, thuê mua rộng rãi cho người dân tại Vĩnh Long và Cần Thơ. Dự án thứ ba là khu đất 12 héc-ta tại TP. Cần Thơ, với 11,35 héc-ta đất sạch. Dự án thứ tư là Dự án 80 héc-ta tại Bình Thuận.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2013, lãnh đạo CTCP Simco Sông Đà cũng cho biết, đang xem xét việc chuyển đổi Dự án Simco Tower, cao 25 tầng tại Cầu Bươu từ nhà thương mại sang nhà ở xã hội.
Để tránh tình trạng khủng hoảng thừa nhà ở xã hội, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu là hết sức quan trọng
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong số 24 dự án nhà ở thương mại đăng ký chuyển đổi sang nhà ở xã hội, Hà Nội có 6 dự án với hơn 8.000 căn; TP. HCM có 16 dự án với hơn 12.000 căn; Đồng Nai có khoảng 4.700 căn…
Trong số những chủ đầu tư xin chuyển đổi có các tên tuổi lớn như Vinaconex, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị (HUD). Vinaconex có 2 dự án là Dự án nhà xã hội tại Khu đô thị Đại Áng và Dự án Bắc An Khánh rộng 18,5 héc-ta. Trong khi HUD cũng đang điều chỉnh diện tích dành cho nhà xã hội tại Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm nâng từ 2,4 héc-ta lên 9 héc-ta. Tập đoàn Nam Cường cũng lập dự án khu đô thị 140 héc-ta tại Đại Mỗ, trong đó dự kiến sẽ dành 10 - 15 héc-ta để làm nhà xã hội.
Nguy cơ bội cung
Đa số lãnh đạo các doanh nghiệp xin chuyển đổi dự án sang nhà ở xã hội không ngần ngại khi bày tỏ, mục đích xin chuyển đổi là để được hưởng những ưu đãi từ chính sách như miễn, giảm tiền đất, tiền thuế, được vay vốn với lãi suất thấp, có đầu ra cho sản phẩm…
Tuy nhiên, đa phần các dự án trên mới đang ở trong tình trạng “nhà trên giấy”, có nhiều dự án còn chưa tiến hành giải phóng xong mặt bằng. Ngoài ra, nhiều dự án có vị trí không thuận, chưa có điều kiện đấu nối hạ tầng tốt, nên cũng khó tìm được khách hàng dù là đối tượng nằm trong nhóm 8 đối tượng được ưu tiên mua nhà ở xã hội.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc doanh nghiệp ồ ạt xin chuyển đổi sang làm nhà ở xã hội để được hưởng ưu đãi và có đầu ra cho sản phẩm là yêu cầu cấp thiết và sống còn của doanh nghiệp. Còn việc các địa phương cấp phép cho nhiều dự án (đủ điều kiện) cũng không trái với chủ trương của Nhà nước. Tuy nhiên, việc quan trọng ở đây là cần nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu trong ngành xây dựng, bất động sản từ Trung ương đến địa phương, bởi chỉ có các cơ quan này mới nắm rõ nhất quy hoạch để đánh giá, xem xét việc chuyển đổi dự án có mang đến hiệu quả tốt nhất cho doanh nghiệp, người mua và thị trường hay không.
Thực tế tại Hà Nội thời gian qua cho thấy, hiện có nhiều dự án nhà ở thu nhập thấp vẫn ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung như Dự án Khu đô thị Đặng Xá 1 (Gia Lâm) có 946 căn hộ, mở bán từ tháng 5/2011 nhưng đến nay, sau 15 đợt mở bán vẫn chưa bán hết; Khu đô thị Đại Mỗ, gồm 2 tòa nhà chung cư CT1 và CT2 với 124 căn hộ, diện tích từ 53 - 69 m2 cũng nằm trong tình cảnh vắng người ở…
Theo ông Đặng Hùng Võ, có một nghịch lý hiện nay là giá nhà ở xã hội tại Hà Nội lại cao hơn giá nhà ở thương mại giá rẻ. Nhà ở thương mại hiện nay đã xuống đến 10 triệu đồng/m2, trong khi giá nhà ở xã hội vẫn ở mức 13 - 14 triệu đồng/m2. Ông Võ nhận định, trước đây, các dự án nhà ở xã hội ít, nhưng trong thời gian sắp tới cung sẽ tăng lên, nếu các cơ quan quản lý và doanh nghiệp không tính toán kỹ, sẽ xảy ra tình trạng bội cung trong tương lai.
-
Khách hàng vây chủ đầu tư Nam Cường gây sức ép
Hơn 60 khách hàng mua nhà tại dự án Tổ hợp chung cư Lê Văn Lương - Khu đô thị mới Dương Nội đã đội mưa nắng suốt từ sáng đến chiều 6/5 căng băng rôn, khẩu hiệu trước cổng tòa nhà Nam Cường để mong chủ đầu tư để có một buổi đối thoại trực tiếp. <br/br>
-
Mua nhà trả góp lãi 0%: Chiêu ảo!
Mức lãi suất cho vay 0% để mua nhà đang làm cho nhiều người cảm thấy phấn khởi. Nhưng coi kỹ hợp đồng họ mới… vỡ mộng. <br/br>
-
Người ngoại tỉnh chuộng mua nhà tại dự án đã hoàn thành
Theo nhiều văn phòng nhà đất, thời gian gần đây lượng khách ngoại tỉnh về Hà Nội để tìm mua nhà gia tăng. Đáng chú ý, khách hàng đều chỉ tìm mua nhà tại những dự án đã hoàn thiện hạ tầng và đã bàn giao nhà.