Một dự án ra đời, “hứa hẹn” đủ điều về cuộc sống văn minh tiện lợi. Tuy vậy, áp lực thực tế tăng quá cao so với sức chịu đựng ban đầu của hạ tầng cơ bản, gây tắc đường triền miên.

2 – 3 năm gần đây, Hà Đông đón nhận liên tiếp các dự án nhà ở cao tầng tìm tới với hy vọng khai thác tiềm năng kinh tế – xã hội của khu vực này. Từ Ngã tư Sở, trục đường Nguyễn Trãi nối xuống Trần Phú – Quang Trung, rẽ nhánh vào các quần thể đô thị mới như Mỗ Lao, Văn Quán, Tân Triều, Yên Xá… là nơi đặt chân của hàng hà sa số các dự án.

Ở trục hướng tâm Quang Trung – Nguyễn Trãi, nhiều chuyên gia quy hoạch lẫn giới phân tích về giá trị BĐS nhà ở đã dự cảm về thảm cảnh “tắc” ngay tại chân chung cư dưới áp lực gia tăng dân số đến từ hàng loạt dự án hoàn thành, đi vào hoạt động.

Chắc người trong làng phải mọc cánh mới ra được đường Nguyễn Trãi?

Tắc đường cũ

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông khẩn trương thi công. Người dân, hay giới kinh doanh BĐS thì “đổ tại” công trình dân sinh trực tiếp ảnh hưởng tới giao thông. Nhưng, cần nhớ lại, thời gian khi công trình đường sắt trên cao chưa được quây tôn, dựng “lô cốt” giữa lòng đường, con đường Nguyễn Trãi đã quá quen với cảnh dòng người nhích từng cm vào giờ cao điểm.

Ở cửa ngõ phía Đông, có 330.000 người/giờ đang sử dụng tuyến đường từ Ngã Tư Sở – Hà Đông (năm 2013), nếu tính tất cả số người này đi lại bằng xe ôtô con thì đường Nguyễn Trãi cần 14 làn đường so với 8 làn thiết kế thực tế mới chịu được tải.

Thời gian hiện tại, cảnh tắc nghẽn ở cửa ngõ này càng thảm hơn. Lý do: Trục từ Cát Linh – Hà Đông, đặc biệt từ đường Láng về Hà Đông (qua Ngã tư Sở) có 4 dự án chồng lấn nhau thi công (Đường sắt Cát Linh – Hà Đông; cầu đường Láng qua Royal City; hầm chui Thanh Xuân; các trạm xe buýt nhanh đang xây dựng ở Quang Trung (Hà Đông). Dự kiến 1-2 năm tới, những “đại công trường” được gỡ bỏ khi hoàn thành.

Điều chưa thể khẳng định, là những dự án dân sinh có được đón nhận tích cực và khai thác hết công suất hay không. Trong khi đó, hai năm nữa, nhiều dự án nhà ở trong bán kính một km tới đường Nguyễn Trãi sẽ hoàn thiện, bàn giao cho hàng nghìn khách hàng dọn về.

Năm 2014, dấu hiệu ban đầu về quá tải hạ tầng – tắc nghẽn nội khu tại địa bàn Tố Hữu (tên gọi cũ là Lê Văn Lương kéo dài) kéo dài tới nút giao đường Láng đã nhiều lần xuất hiện. Đó là lúc Diamond Flower hay Golden West đẩy nhanh hoàn thiện công trình, trong khi cả “rổ” dự án khác vẫn im ắng nằm yên là Thành An Tower, HACC1 Complex (nay là Time Tower), HandiResco Lê Văn Lương…

Chỉ qua một ngã tư (Khuất Duy Tiến – Lê Văn Lương) sang đường Tố Hữu, hàng loạt công trình ở đủ trạng thái, đã – đang hoàn thiện và chuẩn bị khởi động thi công, lập tức có mặt.

Bắc Hà Tower, Tây Hà Tower, C14 Bộ Công an, Park City Hà Đông, KĐT Dương Nội, CT1, CT2 Trung Văn là những cái tên đáng được chú ý về quy mô dân số lẫn thanh khoản ban đầu.

Chỉ tính riêng từ nút giao đường Thanh Bình với Tố Hữu tới ngã tư giao Khuất Duy Tiến, người dân, bao gồm nhiều chủ nhân các căn hộ chung cư, liền kề mới dọn về sinh sống khoảng 1 năm nay, đều… phát hoảng với thảm cảnh tắc đường thời gian gần đây.

Anh Huy, dọn về khu nhà ở Trung Văn từ tháng 11/2014, than thở: “Mua được suất ngoại giao với giá ưu đãi, giao dịch thuận lợi và dọn về sinh sống với hy vọng tiện giao thông, đủ tiện ích hạ tầng. Nhưng tới nay, thì hoàn toàn thất vọng vì tắc đường như cơm bữa. Thế mới biết, tham khảo các ý kiến từ giới quy hoạch trước khi mua chung cư, đặc biệt ở các địa bàn thu hút số lượng lớn dự án, là điều rất quan trọng”.

Đường mới cũng tắc

Được biết, hiện trục đường Tố Hữu vừa đón nhận thêm một dự án khá hoành tráng “đặt gạch” là Ecolife Capitol. Tiêu chí “Xanh” được nhấn mạnh, vị trí đắc địa cũng là điều hấp dẫn, còn chuyện “tắc hay không tắc” khi ra khỏi quần thể, thì rất khó khẳng định (!)

Một phiên bản thu nhỏ khác của trục đường Tố Hữu, là con phố Triều Khúc. Đầu buổi sáng, tan tầm chiều, các loại phương tiện cơ giới bắt đầu cuộc chiến giành từng cm để di chuyển.

Xưa, khi một dự án cao cấp 17 tầng của chủ đầu tư T. chưa lên khuôn, Triều Khúc (từ đầu tới cuối làng) đã chật ních như nêm cối vì chiều rộng tuyến phố không đủ sức cõng lưu lượng giao thông khổng lồ.

Nay, tới lượt một tổ hợp liền kề biệt thự thấp tầng “lặng lẽ” được vẽ lên trên khu đất của nhà máy liên doanh ô tô Hòa Bình (53 Triều Khúc). Đơn giá sản phẩm vượt 100 triệu đồng/m2 (trên chợ trực tuyến), tổng giá trị gốc vào khoảng 14-15 tỷ đồng/căn góc…

“Mua ở đây thì họa có thừa tiền. Vì tắc đường liên miên, chờ quy hoạch trục đường rộng 40m chạy cắt qua Triều Khúc, nối Văn Quán ra đường vành đai 3 Nguyễn Xiển thì không còn kiên nhẫn. Nếu đồng loạt cả hai dự án làm xong và đón người về ở, chắc người trong làng phải mọc cánh mới ra được đường Nguyễn Trãi” – bác Tâm, một người kinh doanh tạp phẩm cách cổng dự án 53 Triều Khúc chừng 50m cho hay.

Song Hà (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.