04/12/2015 4:04 PM
Tình trạng tôn giả, tôn nhái kém chất lượng tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng bị “móc túi” hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, thiệt hại cho doanh nghiệp, ngân sách hàng nghìn tỷ đồng đang gióng lên một hồi chuông báo động.
Vừa qua, hội thảo về tình trạng nhập khẩu tôn kém chất lượng được tổ chức tại Hà Nội. Đây không phải lần đầu hiện tượng gian lận thương mại tại thị trường tôn thép được nêu ra, song những giải pháp của các cơ quan chức năng lâu nay dường như đã bị vô hiệu hóa bởi nhiều thủ đoạn tinh vi.
Thống kê của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 20 công ty lớn và một số cơ sở nhỏ sản xuất tôn thép mạ và tôn phủ màu, năng lực hơn 4 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, do sức tiêu thụ yếu, ngành tôn thép mới phát huy khoảng 60% công suất, một phần phải tìm cách xuất khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp thương mại nhập khẩu hàng triệu tấn tôn mạ Trung Quốc với số lượng lớn, chất lượng kém và bán với giá rẻ, thậm chí dưới cả giá thành.
Cần cảnh giác với nạn tôn giả, kém chất lượng
Ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA, cho biết, bằng mắt thường, người tiêu dùng gần như “bó tay” trước chất lượng của tôn thép mạ và tôn phủ màu mà phải có thiết bị chuyên dụng mới xác định được chất lượng và độ dày của tôn. Điều đó khiến người tiêu dùng bị “móc túi” trắng trợn mà không hay biết. Trong số hàng nhập khẩu thì tôn mạ có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm tới 90%, chất lượng kém nhưng bán chạy vì giá rẻ.
Theo các chuyên gia, thuật ngữ “tôn gian” nhằm chỉ sản phẩm tôn bị gian lận về độ dày tấm tôn và độ dày lớp mạ. Độ dày thực tế của tấm tôn thấp hơn so với độ dày mà nhà sản xuất công bố, được thể hiện ở dòng in trên bề mặt tấm tôn. Nếu tôn in độ dày “4 dem” (0,4 mm) nhưng thực tế đo chỉ được “3 dem”, có nghĩa cơ sở sản xuất, kinh doanh đã bớt xén 25% độ dày, đánh lừa người tiêu dùng, thu lời bất chính. Độ dày lớp mạ cũng bị gian lận, lượng mạ không đủ so với công bố của nhà sản xuất.
Thí dụ, loại tôn AZ 70, có nghĩa với mỗi mét vuông tôn, nhà sản xuất phải mạ đủ 70g hợp kim nhôm kẽm, song tôn kém chất lượng chỉ mạ khoảng 30 - 40 g, ảnh hưởng lớn tới tuổi thọ của tôn. Còn tôn kém chất lượng là các thông số kỹ thuật như độ dày sơn, chất lượng mạ, chất lượng sơn,… không bảo đảm. Tôn phủ màu bảo đảm chất lượng có lớp sơn dày bình quân 15 micron (15 phần triệu m), tôn kém chất lượng luôn dưới 10 micron, dễ bong tróc sau một thời gian rất ngắn, nhanh phai màu, rỉ sét, tuổi thọ chưa bằng một nửa so với tôn đạt chất lượng.
Thủ đoạn thông thường mà các đối tượng áp dụng là nhập tôn Trung Quốc về, sau đó in phun nhãn mác, thương hiệu tôn của các doanh nghiệp uy tín trong nước hoặc sản xuất gia công và ăn bớt độ dày của tôn. Chỉ cần đầu tư một hệ thống in phun chưa đến 200 triệu đồng, từ tôn giả, tôn nhái, kém chất lượng các cơ sở sản xuất có thể “hô biến” thành đủ các thương hiệu tôn chất lượng. Tình trạng tôn giả nhưng lại "bắn” nhãn hiệu uy tín để lừa người tiêu dùng diễn ra khá phổ biến.
Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen trao đổi với phóng viên về tình trang tôn giả tôn kém chất lượng tràn làn ngoài thị trường
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen, cho biết: Tôn Hoa Sen hiện phủ sóng ở thị trường phía Nam, phía Bắc chưa nhiều vì vận chuyển xa, giá thành cao. Tập đoàn đang xây dựng nhà máy ở Nghệ An, dự kiến cuối 2106 sẽ đưa vào hoạt động. Tuy nhiên, Tập đoàn cũng rất quan ngại về tình trạng tôn giả, tôn kém chất lượng đang “lây lan” mạnh mẽ trên diện rộng.
Đưa ra những dẫn chứng về tình trạng tôn giả, kém chất lượng, ông Thanh cho biết, hoạt động này rất tinh vi. Hầu hết các loại tôn này đều bị gian lận về độ dày tấm tôn và dộ dày lớp mạ, tức độ dày thực tế của tấm tôn thấp hơn so với độ dày mà nhà sản xuất công bố, được thể hiện ở dòng in trên bề mặt tấm tôn. Ngoài ra, mặt hàng này có thể gian lận về độ dày lớp mạ so với công bố của nhà sản xuất.
“Tình trạng tôn gian, tôn kém chất lượng dễ dàng lừa được người tiêu dùng bằng giá cả thấp hơn so với hàng chính hiệu, dẫn đến việc doanh nghiệp bị mất thị phần tiêu thụ. Đặc biệt, nó tạo ra môi trường cạnh tranh không lành mạnh, điều đó sẽ triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính trong nước, kéo theo việc suy giảm cả ngành công nghiệp tôn thép và dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế”, ông Thanh cho biết.
Tình trạng tôn giả, tôn kém chất lượng đang được xem là vấn nạn, khiến khá nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh lao đao khi mất thị phần. Chính vì vậy, theo nhiều chuyên gia kinh tế, để ngăn chặn tình trạng này, các cơ quan quản lý cần có những chế tài mạnh để quản lý nghiêm ngặt. Trước mắt, cần có chế tài mạnh để kiểm tra, xử lý triệt để đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh gian dối. Bên cạnh đó, cần có quy định cụ thể và chặt chẽ về in thông tin sản phẩm trên bề mặt tôn, vì hiện nay nhãn hàng hóa chỉ in trên bao bì của cuộn tôn.
Về lâu dài, cần có một bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về chất lượng tôn thép. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên có sự lựa chọn thông thái khi mua hàng để đảm bảo chất lượng công trình.
Thu Hương (LĐTĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.