Nguy cơ mất nhà khi chủ đầu tư bị “siết nợ”
Hàng trăm hộ dân ở khu nhà cao cấp, biệt thự song lập thuộc Khu dân cư Sông Đà (khu phố 6, Hiệp Bình Chánh, Thủ Đức) đang thuê luật sư khởi kiện chủ đầu tư.
Năm 2002, họ mua nền đất dự án này bằng các hợp đồng chuyển nhượng góp vốn với chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Đại Hải. Theo đó, ngay khi ký, chủ đầu tư thu 90% số tiền.
Năm 2006, Công ty Đại Hải thu nốt 10% còn lại của hợp đồng và cam kết giao sổ đỏ từng nền cho người dân. Tuy nhiên, ngay sau khi dự án được cơ quan chức năng TP.HCM cấp sổ đỏ, chủ đầu tư đã đem đi thế chấp tại một loạt ngân hàng.
Tới giờ, đã hơn chục năm trôi qua kể từ khi đóng đủ tiền và bỏ tiếp tiền tỷ để xây dựng, hơn 170 hộ dân của khu dân cư “đại gia” này vẫn chưa được cầm tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Không lo sao được khi hàng loạt dự án đã bị ngân hàng “siết nợ” và bán phát mãi tài sản. Hồi cuối năm 2018, BIDV “rao bán” chung cư nghìn tỷ 584 Tân Kiên ở TP.HCM để siết nợ 1.100 tỷ đồng. Chung cư Gia Phú (Thủ Đức, TP.HCM) cũng được BIDV rao bán đấu giá để thu hồi khoản nợ hơn 232 tỷ đồng.
Sau BIDV, VietinBank cũng chào bán khoản nợ hơn 21 tỷ đồng của Công ty Địa ốc Gia Phú. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cũng từng gửi thông báo đến CTCP Tư vấn đầu tư và phát triển Trung Đông (TP.HCM) yêu cầu giao tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ.
Chung cư này gồm 120 căn hộ. Lý do là công ty này có khoản nợ tạm tính đến giữa tháng 10/2018 hơn 82 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 33,7 tỷ đồng, lãi hơn 48,7 tỷ đồng.
Khoản nợ này đã được một ngân hàng cổ phần bán lại cho VAMC. Nếu công ty trên không bàn giao tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ, VAMC sẽ thu giữ toàn bộ tài sản nói trên.
Với Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của Quốc hội, chủ nợ được trao quyền nhiều hơn trong phát mãi tài sản đảm bảo, kể cả khi người vay không đồng tình.
Khi các khoản nợ đến hạn nhưng chủ nợ mất khả năng thanh toán, ngân hàng hoặc VAMC (nếu khoản nợ đó đã được ngân hàng bán cho VAMC) sẽ tiến hành siết nợ để xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, khi dự án chung cư bị siết nợ, không phải chủ đầu tư nào cũng đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.
Công khai 77 dự án thế chấp ngân hàng tại TP.HCM
Theo TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - tài chính, trước hết, những vụ việc xảy ra vừa qua có trách nhiệm trong quản lý nhà nước và cần phải nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng này, bắt buộc nhà đầu tư có dự án đã thế chấp cho ngân hàng khi muốn bán cho người sử dụng phải thông báo kèm theo hợp đồng nêu rõ là dự án đang thế chấp ngân hàng. Nếu không làm động tác đó thì sự giấu giếm thông tin mang tính chất lừa đảo, cần được xử lý.
“Để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, quan trọng nhất là các dự án phải minh bạch thông tin và người mua nhà nên nhờ tư vấn kỹ hợp đồng, để bảo đảm quyền lợi của mình”, TS Lịch nói.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, cơ quan này đã có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn giám sát chặt các dự án đã thế chấp tại ngân hàng.
Theo ông Minh, việc công khai danh sách các dự án của chủ đầu tư đang thế chấp tại ngân hàng là một trong những giải pháp nhằm minh bạch thị trường bất động sản, bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng khuyến nghị các ngân hàng cần thông tin, giải thích cho người tiêu dùng rõ về việc công khai các dự án thế chấp, nhằm đảm bảo thông thoáng trong việc mua bán, chuyển nhượng căn hộ trên thị trường, để không gây tâm lý lo lắng, hoang mang, mất lòng tin nơi người dân, khách hàng.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, trong thời gian qua, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã công bố danh sách 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng.