16/09/2020 2:40 PM
Bộ Công thương mới đây có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.

Nhiều người dân, doanh nghiệp cho rằng cần phá bỏ độc quyền, tạo điều kiện cho khối tư nhân tham gia đầu tư nhiều hơn vào ngành điện nhằm góp phần kéo giảm giá điện xuống thấp hơn, hợp lý hơn. Ảnh: KHÁNH HÒA

Nhiều người dân, doanh nghiệp cho rằng cần phá bỏ độc quyền, tạo điều kiện cho khối tư nhân tham gia đầu tư nhiều hơn vào ngành điện nhằm góp phần kéo giảm giá điện xuống thấp hơn, hợp lý hơn. Ảnh: Khánh Hòa

Bộ Công thương mới đây có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt. Theo đó, có 2 phương án được đưa ra gồm: phương án khách hàng dùng điện sinh hoạt được lựa chọn cách tính giá điện một giá (dùng bao nhiêu trả bấy nhiêu) hoặc theo biểu giá bán lẻ điện bậc thang sửa đổi (sẽ rút gọn từ 6 còn 5 bậc).

Ghi nhận những phản ứng nhiều chiều từ dư luận, hiện Bộ Công thương phối hợp cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục cập nhật, tính toán phương án hợp lý và dự kiến cuối năm 2020 sẽ trình Chính phủ phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện. Sau khi Thủ tướng Chính phủ duyệt, Bộ sẽ xây dựng giá bán điện mới.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP Máy và Thiết bị phụ tùng Seatech Đà Nẵng Lê Văn Hiểu, giá điện ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống nên bất cứ biến động nào liên quan đến vấn đề này luôn là mối quan tâm thường trực của cả xã hội. Đối với doanh nghiệp, giá điện ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, đầu ra, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Ở tầm vĩ mô, giá điện ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, lợi thế thu hút đầu tư, tăng trưởng GDP của cả một quốc gia…

Đối với hộ gia đình, giá điện ảnh hưởng trực tiếp đến “nồi cơm” và chi phí sinh hoạt hằng tháng. Thời gian qua, việc áp dụng chi trả tiền điện theo biểu giá điện bậc thang (luỹ tiến 6 bậc thang) khiến một vài thời điểm (như tháng 4-2020) tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng đột biến. Ông Hiểu cho rằng, việc áp dụng biểu giá điện bậc thang như hiện nay chưa thực sự khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu cho doanh nghiệp.

Về lâu dài nên hướng đến việc phá bỏ cơ chế độc quyền trong việc kinh doanh ngành điện, cần thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, tạo sự cạnh tranh, công khai, minh bạch để thị trường là động lực của phát triển. Đồng thời, tạo điều kiện cho khối tư nhân tham gia đầu tư nhiều hơn vào ngành điện nhằm góp phần kéo giá điện xuống thấp hơn, người dân có thêm nhiều sự lựa chọn phù hợp với túi tiền, qua đó không chỉ giảm tải được áp lực chi phí cho người dân mà sẽ tạo được lợi thế cho quốc gia, địa phương trong thu hút đầu tư.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản Thuận Phước Trần Văn Lĩnh đề cập, các đơn vị kinh doanh ngành điện cũng là một doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp không cần hỗ trợ, vì bản chất việc hỗ trợ này cũng chỉ là lấy của doanh nghiệp này hỗ trợ cho doanh nghiệp khác, trong khi thực tế hiện nay Nhà nước cũng đang phải bù lỗ cho ngành điện. Điều cần thiết lúc này là Nhà nước, Chính phủ phải có tính toán chính sách hợp lý để việc quy hoạch lại ngành điện phải bảo đảm tạo ra sự công bằng và có lợi cho Nhà nước, cho người dân và cho chính doanh nghiệp kinh doanh ngành điện.

Bên cạnh đó, hiện nay, mặc dù ban hành chính sách điện bậc thang với mục tiêu hỗ trợ các đối tượng người dân, nhất là người có thu nhập thấp nhưng trong một giá điện mà thực hiện hai chủ trương của Nhà nước là vừa hỗ trợ cho người nghèo và vừa phải tiết kiệm điện nên rất khó để được minh bạch, rõ ràng, thực tế chưa đem lại nhiều lợi ích. “Tôi cho rằng, nên ban hành một giá điện và cần tạo sự cạnh tranh về nguồn cung nguồn điện.

Trường hợp hỗ trợ thì Nhà nước sẽ là người trực tiếp hỗ trợ cho người dân, tùy theo đối tượng, không nên giao cho bộ, ngành hay đơn vị nào trực tiếp thực hiện việc hỗ trợ. Ở nước ta hiện nay, ngành điện vẫn độc quyền và cơ quan duyệt, thông qua giá điện lại là chủ quản của ngành điện nên vấn đề giá điện nói nhiều nhưng chưa giải quyết được”, ông Lĩnh nói.

Ở góc độ dân sinh, nhiều người dân cho rằng giá điện hiện nay cao. Bà Lê Thị Hoàng Hà (ở quận Hải Châu) nhận xét, sử dụng điện cũng như việc mua - bán sòng phẳng, dùng bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu nhưng ngành điện nước ta phải làm sao để hằng tháng, người dân không phải “sốc” khi cầm trên tay hóa đơn tiền điện với mức chi trả tăng như thời gian vừa qua.

Đang thời điểm thu nhập bị giảm sút do ảnh hưởng của dịch bệnh mà tiền điện lại tăng lên, chiếm một khoản không hề nhỏ trong tổng thu nhập của gia đình là điều không ai mong muốn. “Tôi cho rằng, về lâu dài, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần tính toán làm sao để giá điện, tiền điện không phải là gánh nặng quá lớn đối với đời sống của người dân, nhất là khi đời sống của người dân nước ta còn nhiều khó khăn, thu nhập còn thấp”, bà Hà chia sẻ.

Trong khi đó, ông Đỗ Ngọc Hoàn (một cán bộ hưu trí ở quận Liên Chiểu) đề nghị cần có giải pháp căn cơ trong việc quy hoạch và ban hành giá điện hợp lý để người dân có nhiều sự lựa chọn phù hợp với túi tiền của chính mình, qua đó, góp phần khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp cũng như đem lại nguồn lợi cho quốc gia.

  • Người dân sẽ được mua điện bán lẻ trực tiếp

    Người dân sẽ được mua điện bán lẻ trực tiếp

    Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương đã xây dựng đề án mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh với 3 giai đoạn. Giai đoạn 2 (từ năm 2022-2024) cho phép khách hàng được mua điện trên thị trường điện giao ngay và giai đoạn 3 (sau năm 2024) cho phép khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.

Khánh Hòa (Báo Đà Nẵng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.