Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, ngoài dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khó lường thì giải ngân vốn đầu tư công chậm đã tác động trực tiếp đến kết quả tăng trưởng. Do vậy, thành phố đã đề ra nhiều giải pháp quyết tâm thực hiện đạt 100% kế hoạch vốn đã bố trí trong năm nay.
Thi công Dự án Kè sông Cần Thơ - Ứng phó với biến đổi khí hậu. Ảnh: Anh Khoa
Tiến độ giải ngân chậm
Năm 2020, tổng nguồn vốn kế hoạch đầu tư công hơn 6.573 tỉ đồng, tăng 30,34% so với cùng kỳ và tăng gần 81,93 tỉ đồng so với kế hoạch giao đầu năm. Tính đến ngày 30-6-2020 đã giao chi tiết cho các đơn vị cấp thành phố, UBND quận, huyện với tổng số vốn hơn 6.335,6 tỉ đồng. Tỷ lệ giải ngân đến 30-6-2020 đạt 18,57%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 cả về giá trị và tỷ lệ.
Trong đó, cấp thành phố đạt 14,67% (trong 24 chủ đầu tư, có 7 chủ đầu tư giải ngân dưới 10%, 7 chủ đầu tư giải ngân dưới 30%, 6 chủ đầu tư giải ngân trên 30% và 2 chủ đầu tư giải ngân trên 50%); cấp quận huyện đạt 27,1%, gồm: Thới Lai 56,15%, Ô Môn 47,35%, Bình Thủy 38,35%, Cờ Ðỏ 36,23%, Phong Ðiền 26,68%, Thốt Nốt 18,68%, Cái Răng 17,64%, Ninh Kiều 13,4%, Vĩnh Thạnh 9,83%. Riêng nguồn vốn kéo dài từ năm 2019 chuyển sang đến cuối tháng 6 chỉ giải ngân đạt 12,36%.
Theo báo cáo của Ban Kinh tế - Ngân sách HÐND thành phố, một số công trình được bố trí vốn kế hoạch cao nhưng có giá trị giải ngân thấp như: Dự án Kè sông Cần Thơ - Ứng phó biến đổi khí hậu (giải ngân 12,619/261,593 tỉ đồng, đạt 4,82% kế hoạch vốn); Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (giải ngân hơn 162,6 tỉ đồng, đạt 10,26%); Dự án Kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn (giải ngân 9,12% kế hoạch vốn 133,977 tỉ đồng); Dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ (giải ngân hơn 24,8/661,707 tỉ đồng, chỉ đạt 3,75%); Dự án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Khu đô thị Võ Văn Kiệt - đoạn Rạch Sao đến rạch Mương Khai (giải ngân 0,2 tỉ đồng, đạt 0,17% kế hoạch vốn).
Nguyên nhân giải ngân chậm được xác định là do chủ quan trong quá trình tổ chức thực hiện; các giải pháp cũng đã được nêu cụ thể trong các hội nghị về đánh giá công tác xây dựng cơ bản thời gian qua, nhưng việc thực hiện các giải pháp chưa hiệu quả.
Ông Nguyễn Thực Hiện, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố, lý giải: So với cùng kỳ năm 2019, vốn giải ngân thấp hơn 148,7 tỉ dồng và thấp hơn 13,54% tỷ lệ giải ngân. Nguyên nhân do công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu nền tái định cư; một số địa phương, địa bàn có tăng đột biến giá đất giao dịch, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng, thi công. Một số chủ đầu tư thiếu kiên quyết trong yêu cầu đơn vị tư vấn, nhà thầu thực hiện nghiêm hợp đồng cam kết về tiến độ, thời gian hoàn thành. Có trường hợp năng lực một số nhà thầu thi công chưa đáp ứng yêu cầu về nhân lực, máy móc, thiết bị lúc cao điểm. Công tác phối hợp giữa các chủ đầu tư và các sở, ngành trong thẩm định, dự toán chưa thật chặt chẽ, thời gian thẩm định kéo dài. Việc kiểm tra, đôn đốc thi công chưa thường xuyên, có trường hợp giải quyết vướng mắc chưa kịp thời.
Cần giải pháp quyết liệt hơn
Thời gian qua, thành phố đã quyết định chủ trương đầu tư xây dựng các khu tái định cư nhằm giải quyết khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng của các dự án đang triển khai thực hiện và cả các dự án dự tính đầu tư trong giai đoạn 2020-2025. Ðồng thời, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù các chủ đầu tư rất nỗ lực nhưng đến nay chỉ mới thực hiện được công tác chuẩn bị đầu tư, đa số sẽ được tổ chức đấu thầu, thi công vào cuối năm 2020.
Cụ thể, UBND thành phố đã phê duyêt chủ trương xây dựng khu tái định cư trên địa bàn 6 quận, huyện (Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Ðiền) bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, với tổng mức đầu tư hơn 1.020,8 tỉ đồng, thời gian thực hiện 2019-2023, đã bố trí vốn thực hiện năm 2020 là 405,7 tỉ đồng, giải ngân đến 30-6-2020 đạt 2,9% kế hoạch vốn được phân bổ.
Theo ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, năm 2020, danh mục thực hiện thu hồi đất có 95 dự án, diện tích hơn 398,3ha, đến nay mới triển khai 36 dự án (22 dự án sử dụng vốn ngân sách), diện tích thu hồi đất mới đạt 17,66%, với 70,35ha. Kết quả thấp do công tác triển khai dự án chậm, thiếu nền tái định cư nghiêm trọng; công tác phối hợp giữa chủ đầu tư với chính quyền địa phương chưa chặt chẽ; có dự án có chủ trương rồi, nhà đầu tư không liên hệ với chính quyền địa phương… Ðể đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất các dự án trên địa bàn thành phố thì công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương với chủ đầu tư cần thắt chặt hơn nữa. Kiên quyết kiểm tra thu hồi dự án cố tình triển khai chậm.
Ông Nguyễn Thực Hiện cho biết: Thời gian tới, nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân 100% các nguồn vốn đầu tư từ các năm trước chuyển sang và vốn được bố trí trong năm 2020. Sở Kế hoạch và Ðầu tư thành phố sẽ rà soát, bổ sung điều khoản ràng buộc trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm hợp đồng, chậm thi công hoàn thành dự án theo tiến độ ký kết. Kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các nhà thầu tập trung nguồn lực thi công, báo cáo cụ thể kế hoạch tiến độ thi công để chủ động thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình… Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và chủ đầu tư để giải quyết nhanh các thủ tục, vướng mắc của dự án, đặc biệt phải rút ngắn từng khâu công việc.
Về giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Quang Mạnh, Chủ tịch UBND thành phố, yêu cầu các sở, ngành rà soát danh mục dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Theo đó, các sở, ngành khẩn trương thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm và cam kết của thành phố về mặt bằng, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện các dự án, nhất là các vấn đề liên quan đến quy hoạch, đất đai, đấu thầu, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. Các quận, huyện cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tái định cư đã được HÐND thành phố phân bổ vốn trong kế hoạch năm 2020, để sớm có nền tái định cư cho người dân bị thu hồi đất.
Song song đó, đẩy nhanh tiến độ các công trình dự án trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các công trình lớn, trọng điểm như: đường tỉnh 922, kè sông Cần Thơ và các dự án sử dụng vốn ODA,… Phối hợp với cơ quan Trung ương triển khai thực hiện các công trình, dự án có liên quan như: tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, tuyến tránh Long Xuyên - Thốt Nốt, tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ… Kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án đầu tư công.
-
Cần Thơ sắp có Khu dịch vụ tổng hợp, logistics 15ha
Viện Quy hoạch Xây dựng - Sở Xây dựng Cần Thơ vừa tiến hành lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu dịch vụ tổng hợp, logistics khu bến Cái Cui.
-
Tháng 4/2025, Cần Thơ sẽ khởi công dự án nâng cấp quốc lộ hơn 7.200 tỷ đồng
Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 91 (đoạn từ Km0-Km7) qua địa bàn TP. Cần Thơ có chiều dài khoảng hơn 7km, tổng vốn đầu tư 7.237 tỷ đồng.
-
Khu công nghiệp 7.850 tỷ vừa được phê duyệt đầu tư tại Thành phố Trực thuộc Trung ương ở khu vực ĐBSCL
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 2) có quy mô hơn 540ha, tổng vốn đầu tư lên đến 7.850 tỷ đồng.