14/07/2012 8:27 AM
Trong khi các ngân hàng nhỏ rất muốn gỡ bỏ trần lãi suất huy động, nhiều ý kiến cho rằng, đây vẫn là công cụ cần thiết để ổn định mặt bằng lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ trần lãi suất huy động xuống 9%/năm là nhằm từng bước hạ thêm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngay sau đó, cùng với việc NHNN thả nổi lãi suất huy động ở kỳ hạn dài, một số nhà băng nhỏ đã nhanh chóng đẩy lãi suất kỳ hạn trên 1 năm lên cao, có ngân hàng lên đến 14%/năm. Mặc dù lãi suất huy động được niêm yết đã giảm, song thực tế, tình trạng “xé” trần lãi suất vẫn tồn tại ở các ngân hàng quy mô nhỏ, cạnh tranh kém, khiến sự ổn định của mặt bằng lãi suất đầu vào bị phá vỡ.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách, tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lạm phát cả năm dự kiến được kiểm soát ở mức 8-9%, nên trần lãi suất huy động từ nay đến cuối năm khó có thể giảm thêm. Tuy nhiên, trần lãi suất cho vay có thể tiếp tục được kéo xuống, khi các ngân hàng không thể cho vay, trong khi vốn khả dụng dôi dư nhiều. Vì thế, nếu cảm thấy các khoản vay ít rủi ro, nhiều các nhà băng sẽ chấp nhận giảm lợi nhuận để đẩy tín dụng. Bên cạnh đó, tín dụng ở lĩnh vực cho vay mua nhà để ở, mua chung cư, mua trả góp… cũng sẽ được mở ra, với lãi suất giảm dần để tăng dư nợ…

Song theo ông Lịch, vẫn cần thiết duy trì trần lãi suất huy động để giữ ổn định mặt bằng lãi suất và thị trường. Nếu bỏ trần, một số ngân hàng nhỏ lại tái diễn tình trạng chạy đua nâng lãi suất, để hút vốn, mà không cần NHNN bơm tiền. Thậm chí, có ngân hàng còn sẵn sàng bỏ tiền túi để bù lãi suất, nâng thanh khoản, còn hơn chịu sự kiểm soát khi nhận trợ cấp của NHNN. “Thời gian qua, khi NHNN cho phép tự do hóa lãi suất kỳ hạn dài, một số ngân hàng nhỏ đã nhanh chóng nâng lãi suất huy động kỳ hạn dài lên cao. Vì vậy, trong bối cảnh từ nay đến cuối năm, không cần thiết và cũng chưa thể bỏ trần lãi suất huy động”, ông Lịch nói.

Theo ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank, việc bỏ trần sẽ phá vỡ sự ổn định của mặt bằng lãi suất huy động và ngân hàng khó tiết giảm chi phí đầu vào để có điều kiện hạ lãi suất cho vay. Trong khi đó, các nhà băng quy mô nhỏ hơn lại muốn bỏ trần lãi suất huy động để có thể cạnh tranh huy động tiền nhàn rỗi. Lãnh đạo một ngân hàng nhỏ trên địa bàn TP.HCM cho rằng, việc duy trì trần lãi suất huy động trong bối cảnh hiện nay không còn tác dụng, bởi đầu ra của tín dụng không thể khơi thông, dù lãi suất đã giảm so với trước, nên các ngân hàng sẽ không chạy đua thu hút vốn bằng mọi giá và nâng lãi suất. Chỉ có một vài ngân hàng nhỏ tăng mạnh lãi suất khi NHNN cho tự do hóa kỳ hạn trên 1 năm để đảm bảo thanh khoản, song tình trạng này chỉ xuất hiện trong một vài ngày.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho rằng, không có gì tốt bằng quy luật thị trường, nên cứ để thị trường tự điều chỉnh và lãi suất diễn biến theo cung - cầu vốn của thị trường, thay vì áp trần. Nếu bỏ trần, thì mặt bằng lãi suất huy động sẽ được nâng lên, nhưng khó duy trì lâu, vì bản thân các ngân hàng cũng là nhà kinh doanh, nên phải biết mua giá nào và bán giá nào cho phù hợp, nhất là khi tăng trưởng dư nợ tín dụng đang chững lại và dự kiến cả năm chỉ tăng 10%.

Theo PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP.HCM, sau khi bỏ trần lãi suất, nếu ngân hàng nào huy động vốn với lãi suất cao, NHNN sẽ khoanh vùng và đưa ngân hàng đó vào diện kiểm soát. Vì vậy, khi trần lãi suất huy động được gỡ bỏ, mặt bằng lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm dần. Tuy nhiên, muốn bỏ trần, phải chọn thời điểm thích hợp khi điều kiện thị trường cho phép.

Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.