Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Khủng hoảng niềm tin
Một trong những “tử huyệt” của thị trường BĐS hiện nay đó là khủng hoảng niềm tin. Thiếu niềm tin đối với thị trường BĐS nên giới đầu tư, người mua nhà đã quay lưng với BĐS. Do vậy, mặc dù giá BĐS đã giảm khá mạnh, thậm chí có khu vực giá đã giảm hơn một nửa song người dân vẫn thờ ơ khiến cho lượng hàng tồn kho trên thị trường, nhất là căn hộ để bán quá lớn. Thực trạng hiện nay chính là hậu quả của những bất cập trên thị trường BĐS trước đây. Theo đó, do sự quản lý yếu kém của cơ quan quản lý nên thị trường đã phát triển ồ ạt, mạnh ai người nấy làm, làm nảy sinh hàng loạt bất cập kéo dài. Tình trạng vi phạm hợp đồng giữa chủ đầu tư với khách hàng là một minh chứng. Hiện có khá nhiều dự án huy động vốn của khách hàng nhưng không thể triển khai hoặc triển khai thì cũng với tiến độ “rùa bò” của công trình. Chủ đầu tư thì phớt lờ, khách hàng bức xúc đi đòi lại quyền lợi của mình theo hợp đồng đã ký. Đặc biệt, nhiều cam kết của chủ đầu tư đã không được thực hiện trong khi khách hàng vẫn phải tiếp tục mòn mỏi chờ đợi. Đã có rất nhiều cuộc phản đối tập thể của khách hàng đối với chủ đầu tư dự án đòi lại tiền đặt cọc như dự án Hanoi Times Tower, Bright City, CT1 Vân Canh, Hesco Văn Quán… Những thực tế này đã khiến cho niềm tin của người dân đối với thị trường BĐS dường như chỉ còn lại “con số không”.
Nhìn lại cách đây vài năm, khi thời điểm thị trường chưa lao dốc, nhiều doanh nghiệp (DN) cũng như chủ đầu tư thu lãi khủng từ việc đầu tư vào BĐS. Chủ đầu tư đưa ra mức giá trên trời, thông tin lại không minh bạch khiến cho giá BĐS bị đẩy lên quá cao vượt xa nhu cầu và điều kiện của người dân. Đến lúc cực điểm khó khăn của thị trường, dù DN đã “hạ mình” sử dụng đến các chiêu kích cầu như chiết khấu căn hộ, tặng quà nội thất hay giảm giá trực tiếp..., song người dân vẫn quay lưng không ngó ngàng. Nhiều ý kiến lo ngại sự khủng hoảng niềm tin có thể khiến cho thị trường BĐS thêm lún sâu vào suy thoái và kéo theo nhiều hệ lụy nguy hại đến nền kinh tế. Thực tế cho thấy, không chỉ có các DN địa ốc và nhà đầu tư trong nước tháo chạy mà khối ngoại, điển hình là các DN, quỹ đầu tư cũng đang thoái vốn khỏi thị trường BĐS Việt Nam… Do vậy, nhiều chuyên gia khẳng định, điều quan trọng nhất hiện nay là tìm cách mọi cách để lấy lại niềm tin từ thị trường. Thậm chí, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cũng thừa nhận, một trong mục tiêu quan trọng nhất của Dự thảo Thông tư Quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02 là nhằm lấy lại niềm tin cho thị trường, chứ không phải như kỳ vọng là cứu thị trường BĐS.
Quan trọng nhất là công khai, minh bạch
Ông Đặng Văn Quang, Giám đốc Công ty tư vấn BĐS Nagarit từng cho rằng, chỉ khi nào thị trường BĐS lấy lại được niềm tin từ người mua nhà, từ các nhà đầu tư thì BĐS mới phục hồi được. Niềm tin đó chính là thông tin về thị trường minh bạch, chính sách của Nhà nước rõ ràng. Chẳng hạn hiện nay, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt các cơ quan liên quan đưa ra các giải pháp nhằm hỗ trợ thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo GS.Đặng Hùng Võ, những giải pháp giải cứu BĐS cũng cần phải minh bạch và công bằng, chứ không phải là cứu một đại gia BĐS nào đó, hoặc một vài đại gia BĐS nào. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà mới đây, để tăng cường minh bạch thông tin về thị trường BĐS và là cơ sở để nâng thanh khoản, tạo dòng tiền, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng vừa yêu cầu Bộ Xây dựng và các địa phương phải thực hiện đăng tải thông tin về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh BĐS trên website của Bộ Xây dựng và website của các địa phương, hướng dẫn các sàn giao dịch BĐS hoạt động theo đúng quy định pháp luật.
Về phía các DN kinh doanh BĐS, giai đoạn khó khăn vừa qua cho thấy, đã đến lúc cần nâng cao trách nhiệm của mình đối với khách hàng bởi khách hàng là người quyết định sự sống còn và phát triển của DN. Người dân giờ đây đang dần trở thành những “khách hàng thông thái”, họ biết so sánh về chất lượng sản phẩm, giá cả cũng như cam kết về tiến độ dự án cũng như uy tín của DN. Để lấy lại niềm tin, DN phải công bố công khai, chính thức thông tin về các dự án cũng như có thông báo chính thức về chính sách bán hàng, giá bán, chất lượng sản phẩm... Bên cạnh đó, DN kinh doanh BĐS cũng nên minh bạch năng lực tài chính, năng lực quản trị, tiến độ thi công..., để từng bước tạo niềm tin vững chắc từ phía khách hàng.
Về phía người dân, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam khuyên nên chủ động hơn trong đòi hỏi chủ đầu tư công khai thông tin. Khách hàng nên yêu cầu cung cấp những thông tin cần thiết về dự án, kể cả giấy tờ pháp lý như sổ đỏ khu đất, giấy tờ chứng minh nghĩa vụ nộp thuế của chủ đầu tư. Ông Phạm Thanh Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Dịch vụ Kiến Á cho rằng người mua nên yêu cầu chủ đầu tư chứng minh pháp lý để không gặp khó khăn khi mua bán, sang nhượng sau này. Người mua có thể tìm hiểu các thông tin về dự án thông qua Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch – Kiến trúc… Bên cạnh đó, hiện rất nhiều tranh chấp giữa chủ đầu tư và người mua nhà xảy ra do những điều khoản trong hợp đồng mua bán không rõ ràng và hợp đồng mua bán thường do chủ đầu tư hoặc đơn vị phân phối soạn sẵn. Theo luật sư Trần Đình Triển, Đoàn luật sư Hà Nội, thời gian tới, Bộ Xây dựng nên xây dựng một mẫu hợp đồng mua bán căn hộ, không nên để mỗi nơi tạo ra một loại hợp đồng, rồi ép người mua ký kết. Như vậy sẽ tránh được tình trạng khi xảy ra tranh chấp, chủ đầu tư luôn thắng trong khi phần thua thiệt luôn thuộc về khách hàng, khiến niềm tin của thị trường bị “sứt mẻ” nghiêm trọng.