Sau vài năm có mặt tại Việt Nam condotel hiện là loại hình BĐS được ưa chuộng của giới đầu tư.

Khảo sát cho thấy, giá thành một căn condotel luôn cao gấp đôi, gấp ba lần căn hộ ở tại TPHCM. Nhiều dự án condotel tại Đà Nẵng, Nha Trang, diện tích 30-40m2, có giá dao động từ 1,5-3 tỷ đồng.

Đầu tư condotel, nhà đầu tư được chủ đầu tư hứa hẹn lợi nhuận khoảng 10-12%/năm trên tổng mức đầu tư và hàng loạt quyền lợi. Condotel có giá trị đầu tư lớn nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì hiện vẫn thiếu khung pháp lý dành cho loại hình BĐS này, cụ thể là nhà đầu tư condotel chưa thể khẳng định quyền sở hữu như căn hộ ở, nhà phố và đất nền.

Để giải cứu condotel đang gây nhiều tranh cãi, vừa qua Bộ TN-MT vừa trình Chính phủ tờ trình về việc bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Đất đai năm 2013, trong đó đưa ra 2 giải pháp xử lý đối với loại hình condotel và căn hộ văn phòng (officetel).

Giải pháp 1: Xác định là loại đất thương mại dịch vụ; thời hạn sử dụng đất của dự án là 50-70 năm theo quy định; chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn dự án.

Giải pháp 2: Có chức năng để ở thì xác định là đất ở; thời hạn sử dụng đất của chủ dự án là 50-70 năm theo quy định; chủ đầu tư được chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn hoạt động của dự án và người nhận quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ổn định lâu dài.

Bộ TN-MT thiên về việc lựa chọn giải pháp 1, vì cho rằng giải pháp này sẽ giải quyết những vấn đề thực tiễn phát sinh như việc nhiều người mua để ở thay vì các mục đích tiêu chuẩn của loại hình này.

Trong khi đó, giải pháp 2 sẽ đảm bảo được việc sử dụng đất đúng mục đích là đất thương mại dịch vụ dùng để kinh doanh và không làm phá vỡ tiêu chuẩn về loại hình căn hộ để ở và văn phòng để làm việc, nhưng sẽ không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển của xã hội dẫn đến khó thu hút đầu tư đối với các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định 2 giải pháp nêu trên còn bất cập và chưa hợp lý. Giải pháp 1 thực chất là giữ nguyên quy định hiện nay của Luật Đất đai 2013, vì Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã giải quyết được vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho các loại sản phẩm này; thậm chí nếu căn hộ officetel nằm trong cùng một tòa nhà chung cư như căn hộ bình thường thì cũng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài.

Còn với giải pháp 2 nêu officetel, serviced apartment, shophouse, condotel, nhà phố, biệt thự trong resort “có chức năng để ở thì xác định là đất ở” là chưa thật đúng.

Bởi theo Luật Đất đai thì loại đất ở khác với loại đất thương mại dịch vụ du lịch. Trên thực tế, vấn đề phải giải quyết hiện nay là đối với loại officetel, serviced apartment, shophouse được xây dựng trên đất có chức năng thương mại dịch vụ; condotel, nhà phố, biệt thự trong resort được xây dựng trên đất có chức năng hoạt động du lịch, mà nhiều chủ đầu tư đang "quảng cáo" sẽ cấp sổ đỏ "đất ở không hình thành đơn vị ở".

Thanh Vy (SGĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.