10/12/2020 7:30 PM
Nền kinh tế đang cần thêm những kích thích tăng trưởng mới, nhưng không nên cứu tất cả DN yếu kém để sau đó tạo ra gánh nợ. Bên cạnh đó, các phương án tiếp tục hỗ trợ hay “rút lui” tùy thuộc tính cần thiết và diễn biến dịch bệnh, tức cơ chế linh hoạt áp dụng cho “thời chiến”. TS. Lê Xuân Sang – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.

TS. Lê Xuân Sang

Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm 2020 - một năm đầy sóng gió đối với nền kinh tế trong nước cũng như toàn cầu. Nhìn lại diễn biến một năm qua, theo ông có điều gì cần lưu ý?

Kinh tế thế giới đang rơi vào một cuộc khủng hoảng rất khác các cuộc khủng hoảng kinh tế truyền thống trước đây. Đây là cuộc khủng hoảng y tế kéo sang khủng hoảng kinh tế, nên nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát và nền kinh tế không bị tác động quá tiêu cực thì nó có thể tự phục hồi nhanh hơn nhiều so với khủng hoảng truyền thống; một vài lĩnh vực thậm chí nhà nước không cần can thiệp sâu vẫn có thể tự nhanh chóng hồi phục.

Bên cạnh tác động tiêu cực làm nhiều ngành, lĩnh vực điêu đứng, thì đại dịch này cũng có những tác động tích cực mà nó đã “vô tình” tạo ra như thúc đẩy tái cơ cấu và chuyển đổi số của nhiều DN Việt Nam. Đại dịch này cũng trực tiếp và gián tiếp giúp nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế truyền thống được hưởng lợi.

Một điểm quan trọng nữa là Covid-19 làm thay đổi hành vi của chính người dân trong sinh hoạt, chi tiêu và tiếp xúc nên DN phải thay đổi cách thức ứng xử với người tiêu dùng, thay đổi cách thức tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, cách thức giao tiếp giữa DN với nhau cũng như với các cơ quan nhà nước. Chính phủ cũng phải thay đổi cách thức quản lý, giám sát, đặc biệt là cách can thiệp vào nền kinh tế nhằm ứng phó với Covid-19 và giảm nhẹ tổn hại về kinh tế, nhân lực và nhanh chóng ổn định xã hội.

Theo ông, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 này sẽ ở mức nào? Liệu mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra cho năm 2021 có đạt được khi mà Covid-19 vẫn rất phức tạp?

Mức độ phục hồi kinh tế của thế giới cũng như của Việt Nam trong năm nay phụ thuộc nhiều vào mức độ kiểm soát đại dịch, tính hiệu quả của các gói kích thích kinh tế đã ban hành và nỗ lực của các chính phủ. Việt Nam được xem là có triển vọng kinh tế sáng sủa nhất trong khu vực ASEAN với dự báo của các tổ chức quốc tế đạt mức tăng trưởng trung bình 2,7% trong năm 2020 và khoảng 7,7% trong năm 2021. Tuy nhiên, lưu ý là không rõ các giả định trong các dự báo này.

Để kinh tế sớm phục hồi và đạt mức tăng trưởng như ông vừa nói, ông có khuyến nghị chính sách gì, có cần tính đến những chính sách kích thích kinh tế mới?

Nhìn chung, tình hình kiểm soát Covid-19 trên thế giới vẫn còn nhiều bất định, khó lường mặc dù một số nước bắt đầu và chuẩn bị tiêm chủng vắcxin trên diện rộng. Một khi diễn biến Covid-19 có xu hướng xấu đi và mất kiểm soát thì việc kiềm chế và dập tắt nó mang tính cốt lõi và là điều kiện tiên quyết để thành công trong hồi phục kinh tế.

Đối với Việt Nam, cần tiếp tục triển khai thực hiện các gói kích thích đã ban hành, đồng thời hoàn thiện các quy định quá chặt, không sát thực tế cũng như xây dựng thêm những giải pháp mới, tính đến bản chất khác biệt của đợt khủng hoảng đợt này.

Ngoài tác động của đại dịch, còn có các nhân tố tác động tích cực khác lên nền kinh tế như Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thực hiện các FTA thế hệ mới (EVFTA, CPTPP), xu hướng Nam tiến của các DN Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), cũng như xu hướng “di tản” đầu tư từ Trung Quốc vốn bắt đầu từ trước khi đại dịch bùng phát. Vì thế, việc thiết kế các gói chính sách hỗ trợ cần có chiến lược và chiến thuật cụ thể và theo lộ trình, kịch bản cụ thể, tính đến đầy đủ các phương án tiếp tục hỗ trợ, tăng cường hay ‘rút lui’ thích hợp, tùy thuộc tính cần thiết, diễn biến bệnh dịch, trong nước và quốc tế.

Mức độ ưu tiên thực hiện các nhóm giải pháp hỗ trợ cho DN (kết quả khảo sát DN, lượt trả lời)

Hỗ trợ ai, hỗ trợ như thế nào, hỗ trợ đến đâu cũng là một vấn đề cần bàn. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Các gói kích thích kinh tế không phải là thuốc thần và không thể cứu hết tất cả DN gặp khó khăn, nhất là khi nguồn ngân sách hiện hữu tương đối hạn chế, trong khi tình hình đại dịch còn rất phức tạp, khó lường. Chính vì vậy, chỉ có thể cứu được một số DN theo các tiêu chí hợp lý về mặt kinh tế và thực tiễn, bảo đảm minh bạch, trách nhiệm giải trình, công bằng và có tính khả thi cao.

Theo tôi, mục tiêu của các gói kích thích là không nên cứu các DN yếu kém để sau đó tạo ra gánh nợ cho nền kinh tế mà chỉ nên tập trung ưu tiên vào giải cứu, hỗ trợ các DN có triển vọng tăng trưởng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo cho nền kinh tế trong dài hạn; mức độ, ngành hàng thuộc diện giải cứu cần tính đến mức độ hưởng lợi, thiệt hại của từng nhóm ngành từ đại dịch. Các DN được hưởng lợi từ đại dịch như DN nhựa, đạm urê (khí), cao su nguyên liệu, sản phẩm – dịch vụ y tế phòng chống đại dịch… tuy nhìn chung được hưởng lợi, song nếu gặp khó khăn vì một nguyên nhân nào đó (như do quản trị kém hay các yếu tố thị trường bất lợi trước khi diễn ra Covid-19) thì cũng không nên giải cứu, hỗ trợ tất cả, nhất là khi tình hình Covid-19 trầm trọng hơn.

Như tôi đã nói ở trên, đại dịch còn là cú huých quan trọng ban đầu đối với quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này không dễ dàng và khi bệnh dịch được kiểm soát dễ khiến nỗ lực và sức ép chuyển đổi số đối với DN có thể chùng xuống thậm chí dừng lại. Do vậy, cần hỗ trợ phát triển dài hạn, đủ liều đối với các DN đã và đang trong quá trình chuyển đổi số, bất kể là gặp khó khăn hay không, nhằm tạo cú huých chuyển đổi số, tái cơ cấu đủ mạnh trong thời gian đủ dài cho các DN nhóm này. Tuy nhiên, trọng tâm, liều lượng hỗ trợ là khác nhau đối với từng nhóm DN trong nhóm ngành này.

Theo ông để các gói chính sách kích thích kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả tốt, cần làm như thế nào?

Việc thiết kế các gói chính sách cần những quy định pháp luật linh hoạt, hữu hiệu áp dụng cho “thời chiến” và có chiến lược và chiến thuật cụ thể và theo lộ trình, kịch bản cụ thể, tính đến đầy đủ các phương án tiếp tục hỗ trợ, tăng cường hay ‘rút lui’ thích hợp, tùy thuộc tính cần thiết, diễn biến bệnh dịch, trong nước và quốc tế.

Theo tôi, cần xây dựng các phương án hỗ trợ cụ thể đối với các nhóm ngành, DN theo bốn kịch bản sau (chưa tính đến phương án tiêm vắcxin). Thứ nhất là, bệnh dịch kiểm soát được trong nước trong khi bên ngoài còn rất phức tạp và ít nhất kéo dài hết năm sau; lúc này, các ngành như hàng không, du lịch quốc tế và liên quan dự báo gặp khó khăn nhất. Thứ hai, bệnh dịch kiểm soát được trong nước và tại các nước đối tác kinh tế quan trọng. Trong trường hợp này, giải pháp hồi phục toàn diện cần được xây dựng. Thứ ba, đại dịch bùng phát trở lại ở Việt Nam ở quy mô nhỏ, tái xuất hiện rồi được kiểm soát; trong khi vẫn không kiểm soát được ở nước ngoài. Thứ tư, đại dịch bùng phát trở lại ở Việt Nam ở quy mô lớn và vẫn không kiểm soát được ở nước ngoài một cách dai dẳng (phương án “sống chung cùng Covid-19”). Ở từng kịch bản cần xây dựng chi tiết các phương án can thiệp của Nhà nước và “rút lui” khỏi can thiệp.

Các quy định hỗ trợ DN hiện đang thực hiện là tương đối toàn diện, nhưng quy định điều kiện quá chặt, đôi khi không sát tình hình thực tiễn của một số nhóm ngành và địa phương, lại chậm được thể chế hóa nên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Vì vậy, cần tiếp tục hoàn thiện, thể chế hóa các giải pháp và điều kiện hỗ trợ.

Quan trọng hơn, theo tôi là cần có cơ chế và những quy định pháp luật linh hoạt, hữu hiệu áp dụng theo kiểu “thời chiến”. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần có cơ chế điều chỉnh một cách tự động, hủy bỏ hay hoãn áp dụng một/một số điều luật/quy định đối với các trường hợp khẩn cấp như khi có khủng hoảng, bệnh dịch, thiên tai... Việc đặc cách cứu trợ Vietnam Airlines là một ví dụ ban đầu về tính linh hoạt trong hỗ trợ DN này trong bối cảnh mới.

Xin cảm ơn ông!

Chủ đề: Kinh tế Việt Nam
Linh Đan (Thời báo Ngân hàng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.