Vụ việc điều tra gia tăng
Những năm gần đây, với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu, sản phẩm thép của Việt Nam hiện đang là một trong những mặt hàng bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại (PVTM) nhiều nhất.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), giai đoạn 2016-2021, xuất khẩu thép của Việt Nam tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Đặc biệt, trong năm 2021, mặc dù phải đối phó với đại dịch Covid-19, song ngành thép Việt Nam vẫn có những bước đột phá khi xuất khẩu thép đạt khoảng 14 triệu tấn với trị giá hơn 12,7 tỉ USD, tăng 43% về lượng và tăng gần 2,5 lần về trị giá so với năm 2020.
Trong tháng 3.2022, xuất khẩu thép thành phẩm của Việt Nam sang Mỹ đạt 167.000 tấn, tăng 133% so với tháng trước. Tính chung 3 tháng đầu năm, xuất khẩu thép của Việt Nam đạt hơn 2,28 triệu tấn, giảm 22,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng thép xuất khẩu sang Mỹ chiếm 8,34 % tỉ trọng của toàn ngành.
Thép Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do, nên việc đối mặt với các vụ kiện PVTM là điều không tránh khỏi
Hiện các sản phẩm thép Việt Nam không chỉ có mặt ở thị trường truyền thống là các nước Đông Nam Á, mà còn mở rộng ra hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu với các thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ... Do đó, việc tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thép khiến nhiều quốc gia chú ý và gia tăng điều tra áp dụng biện pháp PVTM.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), bên cạnh EU, Mỹ là thị trường xuất khẩu tiềm năng của các doanh nghiệp thép của Việt Nam. Tuy nhiên, việc sản lượng xuất khẩu gia tăng, đồng nghĩa các mặt hàng thép trong nước phải đối diện nhiều hơn các vụ điều tra PVTM từ chính thị trường này.
Số liệu thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại cho thấy, giai đoạn 2004-2021, thép xuất khẩu Việt Nam đã phải đối mặt với 66 vụ việc PVTM. Đặc biệt, gần đây Mỹ nổi lên là thị trường khởi xướng nhiều vụ điều tra PVTM do kim ngạch xuất khẩu thép Việt Nam sang thị trường này gia tăng nhanh.
Mới đây, ngày 17.5.2022, Cục Phòng vệ thương mại cho biết vừa nhận được thông tin về việc Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã nhận đơn đề nghị xem xét và điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, một số sản phẩm như ống thép cacbon hàn tròn, ống thép hàn tròn không hợp kim, ống thép hình chữ nhật của Việt Nam bị cáo buộc điều tra về hành vi chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp.
Một số sản phẩm ống thép xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế tại Mỹ
Cụ thể, một số nhà sản xuất của Mỹ đã đệ đơn yêu cầu DOC nước này điều tra về hành vi gian lận để xác định xem các sản phẩm ống thép được hoàn thiện tại Việt Nam có sử dụng thép cán nóng được sản xuất tại Trung Quốc và Hàn Quốc, có đang lách thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp hay không.
Ngày 18.11.2021 sản phẩm thép chống ăn mòn (Core) của Việt Nam sản xuất từ thép cán nguội (CRS) và thép cán nóng (HRS) nhập khẩu từ Nhật Bản cũng bị Mỹ yêu cầu điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá.
Trước đó, ngày 2.8.2018, Mỹ cũng đã khởi xướng điều tra đối thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam do nghi ngờ có sự lẩn tránh thuế PVTM đối với thép CRS nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp
Trước bối cảnh các mặt hàng thép xuất khẩu liên tiếp bị Mỹ khởi xướng điều tra PVTM, các chuyên gia thương mại khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu thép cần chủ động theo dõi danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị Mỹ điều tra do Bộ Công Thương cập nhật định kỳ để xây dựng kế hoạch kinh doanh, xuất khẩu phù hợp.
Theo VSA, sản phẩm sắt thép xuất khẩu của Việt Nam có thể bị kiện PVTM ở bất cứ quốc gia nào, thị trường lớn hay nhỏ, bởi đây là một xu thế tất yếu trong thời gian tới. Do thép Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nên việc đối mặt với các vụ kiện PVTM là điều không tránh khỏi.
Doanh nghiệp xuất khẩu thép cần chủ động theo dõi danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị Mỹ điều tra phòng PVTM
Thách thức đặt ra là rất lớn, do đó các doanh nghiệp sản xuất thép cần chuẩn bị kỹ lưỡng về kiến thức và kinh nghiệm, cải thiện công tác quản trị, thiết lập các chuỗi giá trị để mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm hạn chế rủi ro PVTM ở một số thị trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ngành thép trong nước cần chủ động tìm hiểu, nâng cao năng lực, mở rộng chuỗi giá trị, chú trọng sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước để hạn chế tối đa những nguyên cớ để các nước mở điều tra PVTM.
Cần chủ động cảnh báo sớm
Triển khai Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng trong số các mặt hàng đang theo dõi để các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể.
Theo đó, thông qua công tác cảnh báo sớm, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp thép đã chủ động hơn trong công tác ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng cần hoàn thiện khuân khổ pháp lý để doanh nghiệp có thể sử dụng công cụ phòng vệ dễ dàng hơn nhằm bảo vệ sản xuất trong nước; nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác phòng vệ thương mại ở các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; duy trì các cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại.
Từ đó, giúp các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp sản xuất thép nói riêng tăng cường xuất khẩu trên thị trường quốc tế, nhưng vẫn giữ vững vị thế hàng hóa Việt Nam trong PVTM.
Thời gian tới, để xuất khẩu mặt hàng sắt thép ổn định, bền vững sang thị trường Mỹ, Cục Phòng vệ thương mại sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về PVTM. Đồng thời, khuyến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu trong quá trình xuất khẩu phải luôn theo dõi sát thông tin, thường xuyên trao đổi với đối tác nhập khẩu để nắm bắt thông tin sớm về khả năng bị kiện, vận động sớm để cơ quan điều tra không khởi xướng vụ việc.
-
Ống thép Việt Nam có nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh thuế tại Mỹ
Nguyên đơn cáo buộc rằng các nhà sản xuất, xuất khẩu mặt hàng ống thép của Việt Nam đã nhập thép nguyên liệu từ Trung Quốc sau đó hoàn thiện và xuất khẩu sang Mỹ.
-
Nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, nắm tới 55% thị phần toàn cầu sẽ cắt giảm tiêu thụ mặt hàng này trong năm tới
Theo Mysteel, triển vọng thị trường thép nội địa Trung Quốc năm 2025 cho thấy cả sản lượng thép thô và tiêu thụ thực tế đều dự kiến giảm, trong đó sản lượng giảm nhanh hơn nhu cầu. Nguyên nhân chính được cho là do xuất khẩu thép suy yếu....
-
Nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam nói gì về việc mặt hàng quan trọng xuất khẩu giảm nhiều tháng liền?
Thép giá rẻ từ Trung Quốc tràn ngập thị trường cùng các biện pháp phòng vệ thương mại toàn cầu đang tạo áp lực lớn lên sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC) Việt Nam. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược mở rộng xuất khẩu của Hòa Phát....
-
Tin vui sắp đến với các nhà sản xuất thép lớn trong nước
VDSC cho rằng thuế bán phá giá (tạm thời) sẽ được áp cho sản phẩm thép dẹt (HRC, tôn mạ) trong quý 1/2025. Theo đó, các công ty có lợi thế về quy mô và giá thành sẽ có cơ hội lấy thị phần từ các nhà nhập khẩu thép....