Nhiều cán bộ sai phạm đã bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật, cách chức, thậm chí bị đưa ra xét xử trước pháp luật. Thế nhưng đến nay đã hơn 10 năm, hệ lụy của vụ việc vẫn chưa hết. Nhiều người dân bỏ tất cả tiền bạc ra mua đất nhưng chưa được giao đã lâm vào cảnh nợ nần, không nhà không cửa…
Sân vận động xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) đã từng được xem là một công trình tầm cỡ nhất trong qui mô cấp xã của thành phố Hải Phòng. Công trình có diện tích hàng nghìn mét vuông với sức chứa cũng lên đến hàng nghìn người. Kinh phí xây dựng sân vận động này được lấy từ nguồn bán đất cho người dân.
Thế nhưng, chỉ vài năm đầu đưa vào sử dụng phát huy được công năng, sau đó công trình để hoang hóa cỏ mọc lút đầu người, nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng. Công trình này là một trong những “sản phẩm” của sai phạm về đất đai do những người đứng đầu xã Tú Sơn gây ra từ năm 2006 đến 2010.
Thời điểm đó, UBND xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy) đã tạm giao 249 lô đất ở trái thẩm quyền với tổng diện tích hơn 26.000m2 ở 11 khu vực khác nhau trong xã. Số tiền tạm thu trong việc giao đất là trên 19 tỷ đồng. Trong đó chỉ có hơn 6,3 tỷ đồng được nộp vào Kho bạc Nhà nước, còn lại địa phương đã tự để lại chi tiêu tại xã hơn 12,6 tỷ đồng.
Việc vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai ở xã Tú Sơn sau đó đã được các cơ quan chức năng thanh tra. Nhiều cán bộ sai phạm đã bị kiểm điểm, xử lý kỷ luật, cách chức, thậm chí bị đưa ra xét xử trước pháp luật. Trong đó, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Tông đã phải lĩnh án treo; nguyên Chủ tịch xã Nguyễn Đức Hữu bị xử phạt 3 năm 6 tháng tù giam; nguyên Phó Chủ tịch HĐND xã Bùi Văn Thiết cũng phải nhận mức án 2 năm tù giam.
Vụ việc đến nay đã hơn 10 năm, điều đáng nói là hậu quả không chỉ là “mất đất”, “mất cán bộ”, mà còn gây bức xúc cho người dân. Nhiều người dân mặc dù đã nộp đủ tiền cho chính quyền địa phương, được tạm giao đất đã cả chục năm, nhưng đến nay vẫn không được phép xây dựng nhà ở. Nhiều hộ đã xây dựng nhà ở khang trang trước đó thì không được cấp “sổ đỏ”. Đặc biệt có những hộ dân đã phải vay nợ, bán hết cả nhà cửa đi lấy tiền nộp cho chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được cấp đất.
Tìm đến sân vận động xã Tú Sơn, công trình từng được cho là niềm tự hào của địa phương nhưng phải khó khăn lắm chúng tôi mới vào được bên trong. Sau khi đi qua chiếc cổng sắt hoen gỉ có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào, chúng tôi tiếp tục vạch những lùm cỏ mọc um tùm mới đi được vào khu vực khán đài. Do không được duy tu, bảo dưỡng nên công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, bong tróc hết vôi vữa, nhiều chỗ nước đọng thành thùng, thành vũng. Thế nhưng ở chỗ tưởng như từ lâu chẳng có ai tìm đến thì lại là nơi trú ngụ cho một gia đình người dân trong xã.
Vợ chồng ông Bắc sống cực khổ dưới gầm khán đài sân vận động.
Dưới gầm của khán đài A có một khoảng trống chừng hơn chục mét vuông, vợ chồng ông Phạm Văn Bắc cùng 4 đứa con phải sống nheo nhóc từ nhiều năm nay khi không còn tấc đất trong tay.
Ông Bắc kể lại, từ năm 2007, UBND xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy có chủ trương bán đất cho xã viên để làm nhà ở. Gia đình ông Bắc có đăng ký mua một suất để làm nhà và được UBND xã đồng ý bán 1 suất diện tích 100m² với giá 140 triệu đồng. Đến năm 2010, UBND xã Tú Sơn tiếp tục có chủ trương bán đất cho dân, gia đình ông Bắc đã đăng ký mua tiếp 1 lô sát lô đất đã mua trước đó. Sau khi được UBND xã đồng ý, ông Bắc đã nộp cho UBND xã Tú Sơn để mua hai lô đất với tổng số tiền là 290 triệu đồng.
Để có tiền mua hai lô đất trên, gia đình ông Bắc đã phải bán hết nhà cửa và vay mượn thêm cho đủ tiền nộp cho UBND xã Tú Sơn. Sau đó, gia đình ông đi ở nhờ tạm thời để chờ được giao đất làm nhà ở. Tuy nhiên đến nay đã hơn 10 năm, gia đình ông Bắc vẫn chưa được giao đất. Rất nhiều lần lên UBND xã Tú Sơn kiến nghị, gia đình ông Bắc chỉ nhận được câu trả lời từ chính quyền là phải chờ, chưa thể giải quyết.
Không nhà không cửa, ông Bắc đánh liều đưa vợ con ra chui vào gầm sân vận động tá túc. Ông Bắc đau xót cho biết có sống trong cảnh “màn trời, chiếu đất” mới thấy cực khổ như thế nào. Sau mỗi trận mưa, không gian sống của gia đình ông Bắc ngập tràn trong nước bẩn đầy rác rưởi. Những ngày nắng nóng thì khu ở tạm của gia đình ông Bắc chẳng khác gì “lò bát quái” bởi sự nóng nực và oi bức.
Trao đổi với PV Báo CAND, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn Bùi Văn Tiếp cho biết hiện tại, chính quyền địa phương đang khẩn trương giải quyết tồn tại trên cơ sở đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân. Liên quan đến 249 lô đất nêu trên, UBND xã Tú Sơn tiến hành đo vẽ để thiết lập bản đồ địa chính trình các ngành phê duyệt.
Theo đó, UBND xã Tú Sơn thiết lập hồ sơ, xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể, hộ nào đủ điều kiện thì cấp giấy. Trong 249 lô đất nêu trên, có 126 lô đất đã được giao cho các hộ dân, 73 lô đất các hộ dân đã tiến hành xây nhà, xã đã tiến hành cấp được 32 sổ đỏ cho các hộ dân và sắp tới sẽ tiến hành cấp hơn 20 sổ đỏ nữa.
Cũng theo ông Bùi Văn Tiếp thì hiện ở xã Tú Sơn còn tồn tại nhiều hộ như gia đình ông Bắc. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa thể giải quyết giao đất cho gia đình ông Bắc vì vị trí lô đất này nằm trong 6 lô đất không phù hợp với quy hoạch đất ở và thành phố chưa có chủ trương gì. Theo đó UBND xã Tú Sơn hiện đang tiến hành rà soát, tính toán tìm quỹ đất phù hợp, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của thành phố và huyện để giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi của công dân.
V.Huy (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.