Theo các chuyên gia kinh tế, Nhà nước cần ban hành chính sách minh bạch về xử lý nợ xấu trên cơ sở dựa vào cơ chế thị trường, lấy thị trường nuôi thị trường chứ không thể dùng ngân sách Nhà nước hay in tiền ra để gánh nợ thay cho con nợ và cứu ngân hàng.

Nợ xấu hiện nằm tại các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp “sân sau” ngân hàng thương mại cổ phần được dự tính rất lớn. Do đó, nếu để một công ty nhà nước đứng ra mua nợ xấu cho tổ chức tín dụng (TCTD) rất dễ phát sinh tiêu cực do gắn với lợi ích nhóm. Khi đó, ngân sách nhà nước sẽ phải gánh thêm các khoản lỗ do mua bán nợ xấu này. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo việc xử lý nợ xấu phải khách quan và thị trường mới đạt được hiệu quả.

TS. Nguyễn Đại Lai - Chuyên gia ngành Tài chính Ngân hàng nhận định: Nhà nước cần sớm ban hành một bộ quy tắc khung cho xử lý nợ xấu. Theo đó, Nhà nước đứng ra làm trọng tài đảm bảo sự minh bạch của thị trường, vốn hóa mọi nguồn lực và hàng hóa mọi nguồn vốn để các quy luật thị trường tương tác lẫn nhau, ai gây ra tai họa người đó phải gánh chịu, bên cạnh sự giúp sức của pháp luật và sự chia sẻ hợp pháp của các bên tham gia thị trường.

Khi đó, Nhà nước chỉ đứng ra hoàn thiện môi trường pháp lý về mua bán nợ xấu, không cần thiết phải thành lập mới và nuôi một công ty Nhà nước khổng lồ chuyên mua bán nợ xấu.

Nhà nước cần sớm ban hành một bộ quy tắc khung cho xử lý nợ xấu

Để xử lý nợ xấu, các TCTD phải phân loại để đưa ra giải pháp thích ứng với từng món nợ, trực tiếp đàm phán với con nợ để thỏa thuận các biện pháp xử lý như: giảm lãi, giảm một phần gốc, kéo dài thời gian, tìm bên bảo lãnh để giúp doanh nghiệp có thể vay thêm tiền nhằm đưa thị trường sản phẩm có tính khả thi, tạo nguồn thu để trả nợ, thu hồi qua phát mại tài sản đảm bảo…

Đối với những món nợ quá đặc thù, quá lớn hoặc đã sử dụng hết các giải pháp truyền thống mà chưa thể đòi được thì con nợ có thể bán nợ cho công ty mua bán nợ của TCTD. Hiện nay, một số TCTD đã có công ty mua bán nợ. Ngoài ra, TCTD cũng nên xem xét dùng nguồn dự phòng rủi ro để bù vào các khoản nợ mà con nợ hoàn toàn mất khả năng thanh toán.

Các món nợ mà TCTD cho vay trong mối quan hệ “liên doanh”, quan hệ “sân sau” hay quan hệ “cổ đông lớn” thì nội vụ TCTD và các nhóm lợi ích phải tự công khai, tự nêu giải pháp và quy kết trách nhiệm rõ ràng.

Theo Mai Phương (Petrotimes)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.