Cần có sự đồng thuận, công khai giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc đền bù, tái định cư trong việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ.
“Cần có sự đồng thuận, công khai, minh bạch giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc đền bù, giải tỏa, tái định cư trong việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ" , đó là ý kiến chung của các đại biểu tại Chương trình Lắng nghe và trao đổi với chủ đề “Cải tạo và xây dựng chung cư cũ-thực trạng và giải pháp” do Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sáng nay (6/11).

Ảnh minh họa. (Tuổi trẻ)

Theo Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975, tập trung ở các quận: 1, Quận 10, Quận 3, Quận 5, Bình Thạnh với khoảng 27 ngàn hộ dân sinh sống. Phần lớn các chung cư này đã xuống cấp trầm trọng, có những chung cư có thể sập bất cứ lúc nào, cùng với đó là vệ sinh môi trường và an toàn phòng chống cháy nổ không được đảm bảo. Tuy nhiên, trong thời gian qua, Thành phố mới tháo dỡ, cải tạo, xây dựng 32 chung cư cũ, chủ yếu là ngân sách thành phố bỏ ra và hầu như chưa được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp.
Theo đánh giá của ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thì xây dựng, cải tạo chung cư cũ là vấn đề hết sức khó khăn. Cụ thể là: việc bồi thường giải phóng mặt bằng chưa được đồng thuận 100% từ các hộ dân, khó khăn về hồ sơ pháp lý nhà đất; diện tích căn hộ chung cư cũ nhỏ; Thứ hai là: thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản cho một công trình chung cư được khởi công xây dựng mất quá nhiều thời gian từ 18 đến 25 tháng; thứ ba, là: việc bảo toàn đầu tư liên quan đến vị trí chung cư, chỉ tiêu quy hoạch các chung cư và quy hoạch chung đã khiến các nhà đầu tư không dám đầu tư vào xây dựng chung cư cũ.
Chính vì vậy, một số đại biểu cho rằng cần phải xã hội hóa để huy động nguồn lực vào đầu tư xây dựng các chung cư cũ; đồng thời phải tiến hành cải cách thủ tục hành chính, cần có những chính sách ưu đãi để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham đầu tư vào lĩnh vực này. Bởi cải tạo, xây dựng chung cư cũ là một nội dung trong chương trình đột phá thứ 7 về chỉnh trang và phát triển đô thị mà thành phố đang triển khai cùng với 6 chương trình đột phá khác.
Ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Cần có các giải pháp giải quyết đáp ứng các yêu cầu, tâm tư, quyền lợi chính đáng của người dân; Thông tin rất rõ ràng, minh bạch, quyền lợi mà người dân được hưởng. Đối với nhà đầu tư cần phải tháo gỡ, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, xây dựng các chính sách quy định để các nhà đầu tư tham gia; Về mặt quản lý cần phải đảm bảo các định hướng quy hoạch, cân bằng phát triển nén và khả năng đáp ứng của hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho khu vực”.
Cao Thoa (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.