18/07/2015 7:02 PM
Tồn tại hơn 20 năm, chợ Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) không chỉ là một “góc” văn hóa đặc trưng thu nhỏ của Thủ đô mà còn là nơi mưu sinh của hàng nghìn người. Trước thông tin chợ Long Biên sắp cải tạo, không ít tiểu thương tại đây tỏ ra lo lắng.
Một góc chợ Long Biên. Ảnh: Q.TẤN

Chỉ cải tạo, không xóa bỏ

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, chợ Long Biên đang có khoảng 1.200 tiểu thương buôn bán các ngành hàng rau củ, hoa quả, thủy hải sản. Thời gian vừa qua, do nhầm lẫn về khái niệm và hiểu chưa đầy đủ chính sách của Nhà nước đã khiến nhiều hộ kinh doanh mất ăn mất ngủ vì lo sợ chợ bị xóa bỏ. Cụ thể, về khái niệm, qua khảo sát của phóng viên cho thấy, các tiểu thương tại chợ từ lâu nay vẫn nghĩ chợ Long Biên là chợ đầu mối. Tuy nhiên trên thực tế, theo Quyết định 4176/QĐ - UBND ngày 27-8-2010 của UBND TP. Hà Nội về việc phê duyệt phân hạng các chợ trên địa bàn TP. Hà Nội, chợ Long Biên được phân hạng 2, chợ Đầu mối phía Nam - quận Hoàng Mai là chợ đầu mối được phân hạng 1.

Gần đây, trong Quyết định 2239/CST-QLTM ngày 9-7-2015 của Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ rõ, hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội có 2 chợ đầu mối đang hoạt động là chợ Đầu mối phía Nam và chợ Minh Khai. Tuy nhiên 2 chợ này chưa đáp ứng được yêu cầu của chợ đầu mối. Do đó, hiện nay tại Hà Nội có nhiều chợ khác (hạng 1, hạng 2) phải thực hiện nhiệm vụ chợ đầu mối để đáp ứng nhu cầu cho người dân Thủ đô và các tỉnh lân cận như: Chợ Long Biên, chợ hoa Quảng An, chợ cá Yên Sở, chợ gia cầm Hà Vỹ... Các chợ này có diện tích nhỏ, không còn quỹ đất mở rộng, phần lớn nằm tại các khu vực đông dân cư nên không đủ tiêu chuẩn nâng cấp thành chợ đầu mối. Hiện nay, hoạt động của các chợ này đã quá tải (nhất là chợ Long Biên), hầu hết chưa đảm bảo các điều kiện hoạt động của chợ như: Phòng cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, diện tích điểm kinh doanh.

Sở Công Thương Hà Nội cũng thông tin, để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về chợ (nhất là việc đầu tư xây dựng chợ), Sở Công Thương đang trình UBND TP. Hà Nội xem xét đầu tư xây dựng các chợ đầu mối trên địa bàn theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trước mắt, trong giai đoạn 2015 – 2016 sẽ tập trung các thủ tục để chuẩn bị đầu tư đối với chợ đầu mối Gia Lâm. Sau khi xây dựng xong các chợ đầu mối theo quy chuẩn, phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu bán buôn, phát luồng cung cấp hàng hóa cho các cơ sở kinh doanh, chợ dân sinh để đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận thì các chợ hạng 1, hạng 2 như chợ Long Biên sẽ thôi chức năng chợ đầu mối để trở về hoạt động đúng công năng là chợ dân sinh.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, đại diện Ban quản lý chợ Long Biên cho biết, đến cuối năm, chợ Long Biên sẽ được cải tạo, nâng cấp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiểu thương kinh doanh. Toàn bộ hoạt động của chợ sẽ do quận Ba Đình chịu trách nhiệm.

Người dân lo lắng

Theo Ban quản lý chợ Long Biên, mỗi ngày có khoảng 200 - 300 tấn nông sản qua đây. Từ chợ đầu mối này, số hoa quả, rau củ sẽ đi theo những người buôn lẻ đến các khu chợ khác để phục vụ người dân trên địa bàn Hà Nội. Việc di dời, giải tỏa chợ Long Biên có thể nằm trong quy hoạch tổng thể của cả nước, và sẽ có những khu chợ mới được xây dựng nhưng ít nhiều, cuộc sống của người dân gắn bó với khu chợ này 20 năm qua sẽ có nhiều xáo trộn..

Chị Nguyễn Mai Anh - chủ một ki-ốt chuyên phân phối hoa quả tại chợ Long Biên cho biết: “Người lao động tại chợ Long Biên chủ yếu là phụ nữ ở các làng quê nghèo lên thành phố tranh thủ làm việc lúc nông nhàn. Mỗi đêm, khi hàng hóa về nhiều, có đến hàng trăm phụ nữ đến mua hàng, bốc vác thuê, trung bình 10.000 - 20.000 đồng/lần. Nếu chợ bị chuyển đổi thành chợ dân sinh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của họ cũng như các hộ kinh doanh như chúng tôi, đặc biệt là những hộ đã đầu tư hàng trăm triệu đồng vào thuê các ki-ốt”.

Anh Hải (Nam Định) - lái xe ôm chuyên chở hàng tại chợ Long Biên cho biết: “Chợ Long Biên cũ, nhếch nhác nhưng lại là nguồn kiếm sống của chúng tôi. Nguồn thu nhập chủ yếu hiện nay của cánh xe ôm lâu năm tại chợ Long Biên là chuyển giao hàng cho các cửa hàng trong nội thành, trung bình cũng được 100.000 - 150.000 đồng/ngày đêm, ban ngày kiếm chẳng được là bao. Còn mấy cửa hàng nhỏ, bán cho mối hàng rong quen cũng 300.000 - 400.000 đồng/ngày, bây giờ nếu đổi thành chợ dân sinh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chúng tôi”.

Chị Hương (Bắc Ninh) gánh hàng rong tại chợ Long Biên chia sẻ: “Nếu chợ Long Biên bị di dời thì buồn lắm vì không gánh hàng ở đây thì chỉ có về quê làm ruộng thôi chứ không biết làm gì”.

Được biết, mục tiêu của quy hoạch tổng thể mạng lưới chợ toàn quốc vừa được Bộ Công Thương phê duyệt là để tạo ra một mạng lưới chợ đồng bộ, hài hòa, đáp ứng nhu cầu hàng hóa nông sản cho sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, Hà Nội đã có những bài học về việc chuyển đổi này, những khu chợ đang kinh doanh tấp nập khi được nâng cấp, hiện đại hóa kết quả lại không được như mong đợi do không phù hợp với phong cách, thói quen mua bán đặc trưng của chợ như: Chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da. Do vậy, để thực hiện tốt quá trình chuyển đổi, thiết nghĩ, các cơ quan Nhà nước cần tham khảo ý kiến của người dân và các hộ kinh doanh tại chợ để “miếng cơm manh áo” của người dân không bị ảnh hưởng, một nét văn hóa của Thủ đô không bị mất đi.

Quang Tấn (Báo Hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.