21/04/2012 12:36 AM
Đầu tư công chưa hiệu quả là nguồn gốc lớn nhất làm tăng nợ công

Ở nước ta hiện có 194 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 46.600 ha, cùng với 1.643 cụm công nghiệp với gần 73.000 ha do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch đến năm 2020. Với tỷ lệ lấp đầy diện tích các khu công nghiệp hiện đạt 50-60% thì cần ít nhất 10-15 năm nữa và số vốn đầu tư cần ít nhất là 50 tỷ USD để lấp đầy 100% diện tích hiện có.


Chính phủ cũng đã phê duyệt 15 dự án khu kinh tế ven biển với tổng diện tích 662 nghìn ha (2% diện tích tự nhiên của Việt Nam), ước tính cần 2.000 tỷ đôla (bằng toàn bộ đầu tư cả nước trong 50 năm nữa) để đầu tư. Ở bờ biển miền Trung, cứ khoảng 30-40km lại có 1 cảng biển. Tuy nhiên, các cảng biển này lại không hoạt động hết công suất, hiệu quả chỉ mới thể hiện trên báo cáo nghiên cứu khả thi.


Năm 2011, cả nước thực hiện xiết chặt đầu tư công theo tinh thần Nghị quyết 11/CP, nhưng vẫn "lọt lưới" 333 dự án mới sai đối tượng, không thuộc danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ mà vẫn được khởi công...Nhìn tổng quát, tốc độ tăng đầu tư công trong mười năm qua cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP. Khu vực DNNN (doanh nghiệp nhà nước) được hưởng nhiều nguồn lợi nhất và chiếm tỷ trọng đầu tư xã hội cao nhất lại có hiệu quả đầu tư thấp nhất.


Đầu tư công cao và kém hiệu quả trong bối cảnh tiết kiệm của Việt Nam giảm là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát tăng, lãi suất thị trường tăng cao và nhất là làm nợ công tăng nhanh. Đặc biệt, nợ của DNNN đang và sẽ gia tăng không chỉ tạo hệ quả tăng nợ công, mà còn làm tăng nợ xấu ngân hàng và chuỗi nợ liên hoàn, cùng tình trạng chiếm dụng vốn lẫn nhau.


Theo ông Deepak Mishra - kinh tế trưởng ngân hàng Thế giới (WB) hiện các DNNN chiếm tới 60% tín dụng của các ngân hàng, các tổ chức tín dụng. Đặc biệt, mức nợ của các DNNN đang chiếm tới 70% nợ xấu của các ngân hàng. Theo Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, tính đến hết tháng 8.2011, nợ xấu toàn ngành ngân hàng ở mức trên 76.000 tỉ đồng và đang có xu hướng tăng. Trong đó, các tổ chức tín dụng có nguy cơ mất trắng khoảng 37.000 tỉ đồng (số này thuộc nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn).


Một số đơn vị có nhiều nợ xấu tăng là các ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín, Đệ Nhất, công ty tài chính Dầu khí, ngân hàng liên doanh Việt Thái, ngân hàng United Overseas Bank... Nợ xấu của một số ngân hàng cao hơn mức bình quân của toàn ngành là 3,21%/tổng dư nợ. Trong đó, nợ xấu của Agribank là 6,67%, Vietcombank là 3,47%. Báo cáo của Đảng uỷ khối doanh nghiệp Trung ương mới đây cho thấy, tập đoàn Điện lực hiện nợ gần 8.000 tỉ đồng; Tổng công ty Xăng dầu khoảng 1.500 tỉ đồng, tổng công ty Hàng hải nợ hơn 600 tỉ đồng ...


Điều đáng quan tâm là trong lúc nợ xấu ngân hàng tăng nhanh thì việc mua bán nợ xấu theo quyết định 59/2006/QĐ-NHNN chưa đáp ứng nhu cầu, có nhiều công đoạn và mất rất nhiều thời gian. Khi doanh nghiệp mất khả năng trả nợ, việc giải chấp các tài sản đảm bảo cũng không đơn giản. Vì thế, các định chế nước ngoài rất ít hoặc chưa muốn tham gia vào lĩnh vực này do e ngại rủi ro mua tài sản rồi về sau không bán được.


Thực tế này không chỉ gây khó cho các ngân hàng mà nó còn là một dấu hiệu đáng lo ngại cho cả nền kinh tế. Bởi lẽ nợ xấu của hệ thống ngân hàng tăng lên, tín nhiệm quốc gia giảm xuống, định hạn của các tổ chức tín dụng Việt Nam hạ xuống sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam trên thế giới.


Bên cạnh đó, việc xử lý nợ và tài sản công cần thu hồi trong khu vực DNNN trên thực tế chậm và kéo dài. Hiện tại, việc mua và xử lý nợ công tại Việt Nam chủ yếu dựa vào công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) - công ty 100% vốn nhà nước thuộc bộ Tài chính, được Chính phủ giao nhiệm vụ chủ yếu là giải quyết nợ và tài sản tồn đọng của DNNN, hỗ trợ thúc đẩy quá trình sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN.


Tổng giá trị nợ và tài sản (bị loại khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá) từ các DNNN mà DATC đã tiếp nhận tính theo giá trị sổ sách là 3.033 tỉ đồng, trong đó nợ là 1.314 tỉ đồng, tài sản là 1.719 tỉ đồng. Sau khi tiếp nhận, đối với các khoản nợ, hiện DATC mới chỉ thu hồi được 12,6 tỉ/556,2 tỉ đồng, chiếm 2,2% số nợ có đủ hồ sơ. Số nợ không đủ hồ sơ, không có khả năng thu hồi vẫn chưa có giải pháp xử lý dứt điểm. Đối với tài sản, DATC đã xử lý tài sản các doanh nghiệp bàn giao, thu hồi được 363 tỉ đồng, bằng 22% giá trị trên số kế toán; xử lý tài sản bị mất, thiếu hụt, thu hồi được 295 triệu/12,7 tỉ đồng.


Hơn nữa, với 3/4 số vốn nhà nước cấp cho DATC chưa được sử dụng vào hoạt động kinh doanh, mà gửi vào ngân hàng là một sự lãng phí rất lớn (tổng số vốn đầu tư của DATC hiện nay là 641 tỉ đồng, trong đó chuyển nợ thành vốn góp là 382 tỉ đồng, đầu tư trực tiếp bằng tiền là 259 tỉ tại 12 doanh nghiệp). Trong khi vốn đầu tư chưa được sử dụng triệt để, thì các hoạt động đầu tư và cung cấp dịch vụ, tư vấn là một phần trong hoạt động kinh doanh của DATC lại chậm được triển khai hoặc chưa triển khai.

Theo Tuần Việt Nam
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.