Ngân hàng cân đối nguồn vốn, giảm cho vay trung và dài hạn, đảm bảo khả năng thanh khoản
Cân đối sử dụng nguồn vốn
NHNN vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) yêu cầu cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh.
Để đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng và tăng trưởng tín dụng bền vững theo đúng chủ trương của Chính phủ và định hướng của NHNN, Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu được NHNN giao, phù hợp với các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ (CSTT), tín dụng, hoạt động ngân hàng của NHNN. Những yêu cầu khắt khe đối với việc mở rộng tín dụng tiếp tục đặt lên hàng đầu. NHNN yêu cầu các TCTD kiểm soát chất lượng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát sử dụng vốn vay, đảm bảo đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Đặc biệt, các TCTD phải cân đối nguồn vốn, đảm bảo khả năng thanh khoản.
Năm 2018, hệ thống tài chính tiếp tục bảo đảm khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế
Cũng không quá khó hiểu khi NHNN lưu ý cân đối nguồn vốn bởi quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đang theo hướng giảm dần, chỉ còn 45% trong năm nay và bước sang năm 2019 là 40%. Hiện tỷ lệ tín dụng/GDP đang ở mức khá cao khoảng 130%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng trung dài hạn chiếm tỷ lệ cao, mà vốn huy động ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.
TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế có thể tận dụng nhiều hơn các dòng vốn khác, giảm áp lực đầu tư tín dụng hạn chế được rủi ro tiềm ẩn.
“Năm 2017, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt 18,17% mà vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%. Như vậy có nghĩa tuy tín dụng là kênh quan trọng nhưng không phải là tất cả để hỗ trợ tăng trưởng, mà còn nhiều kênh khác”, TS. Lực dẫn chứng và nhận định: nếu tín dụng cứ duy trì tăng cao sẽ gây hiện tượng tăng nóng, tạo sức ép huy động vốn cho ngân hàng trong bối cảnh đang có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn, kéo theo sẽ gây khó cho việc giảm lãi suất.
Ở góc độ vĩ mô, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng nhận thấy, thời gian tới, không cần dùng các biện pháp tăng cung vốn từ CSTT. Theo ông Nghĩa, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đang ngày càng tin rằng việc ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có cơ sở vững chắc và dài hạn. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để duy trì đầu tư của DN nội địa và quốc tế kể cả đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp. Và chính yếu tố này, theo TS. Nghĩa sẽ tạo ra xung lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn.
Đặc biệt nó có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng tiềm năng của kinh tế Việt Nam mà không cần quá nhiều các biện pháp kích thích từ chính sách tài khoá và CSTT. “Đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần phải hết sức lưu ý về một tương lai tăng trưởng bền vững trên nền tảng cải thiện các yếu tố kinh tế tiềm năng như công nghệ, năng suất lao động, chuỗi giá trị gia tăng mà không dựa quá nhiều vào các biện pháp kích thích để tránh những bất ổn vĩ mô dài hạn”, TS. Nghĩa lưu ý.
Không dễ thực hiện trong ngày một ngày hai
Nếu thực tế diễn ra như ông Nghĩa nói thì gánh nặng lên CSTT, áp lực kênh cấp vốn sẽ phần nào được nhẹ đi, hệ thống ngân hàng sẽ có thêm điều kiện về thời gian, nguồn lực tập trung giải quyết những vấn đề lớn của Ngành đạt hiệu quả cao hơn…
Muốn huy động nguồn vốn dài hơi hơn, các DN phải phát hành trái phiếu DN
Vậy ngoài kênh tín dụng ngân hàng, các DN có thể khai thác kênh vốn nào khác? Trả lời câu hỏi này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay, thị trường chứng khoán đang tăng trưởng khả quan với chỉ số VN-Index vượt ngưỡng 1.000 điểm. Đây là dấu hiệu tích cực, nhiều DN tranh thủ thị trường chứng khoán tăng điểm tốt để lên sàn hoặc phát hành thêm cổ phiếu mới để tăng vốn.
Tuy nhiên TS. Hiếu cũng lưu ý, sự sôi động của thị trường vốn trong thời gian vừa qua chủ yếu trên thị trường thứ cấp. Mà thị trường thứ cấp đa phần chỉ là mua đi bán lại trao tay, dòng tiền thật chảy vào DN không có nhiều. Muốn huy động nguồn vốn dài hơi hơn, các DN phải phát hành trái phiếu DN trên thị trường sơ cấp.
Cơ hội để tiếp cận thị trường vốn đang rộng mở hơn nhưng không hề dễ cho các DN Việt Nam nhất là các DNNVV, một chuyên gia ngân hàng khác băn khoăn. Vị chuyên gia này cho biết, muốn phát hành cổ phiếu, các DN phải có báo cáo tài chính của công ty kiểm toán uy tín tin cậy, tình hình tài chính của DN phải tốt, các chỉ số đạt chuẩn mực… lúc đấy nhà đầu tư mới tin tưởng mua cổ phiếu.
Với trái phiếu còn phức tạp hơn, vì DN phải tìm được ngân hàng bảo lãnh, chịu phí bảo lãnh. Khó khăn là không phải ngân hàng nào cũng dễ dàng chấp nhận đứng ra bảo lãnh. Vì ngân hàng bảo lãnh phải có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ đối với khoản bảo lãnh. Nên các ngân hàng cũng phải rất “chọn mặt gửi vàng” để bảo lãnh.
Do vậy, theo đánh giá của TS. Hiếu, đến thời điểm này 80% vốn hỗ trợ DN vẫn đến từ vốn vay ngân hàng. Thị trường vốn vẫn phát triển chưa đồng đều, nên tỷ lệ vốn vay ngân hàng sẽ còn cao trong vài năm tới. “Muốn giảm sức ép lên ngân hàng thì thị trường vốn phải phát triển một cách đầy đủ, các DN lớn mạnh thực sự”, vị chuyên gia này đưa ra quan điểm.
Tuy chưa thể có những bước nhảy vọt, nhưng theo nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2018, dự báo, hệ thống tài chính tiếp tục bảo đảm khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, khoảng 19,3% so với cuối năm 2017. Cơ cấu nguồn cung bền vững hơn, giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống TCTD và tăng nguồn trung - dài hạn từ thị trường vốn.
Dự kiến, cung ứng từ thị trường vốn tăng 22,5% và từ hệ thống TCTD khoảng 17,5%. Nguồn vốn cho nền kinh tế năm 2018 được cơ quan này dự báo sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực của thị trường chứng khoán, trái phiếu Chính phủ và dòng vốn FDI cũng như chính sách tỷ giá. Cơ sở dự báo đó là thị trường cổ phiếu có khả năng tăng trưởng trong năm 2018; Thị trường trái phiếu Chính phủ dự báo ít biến động, lãi suất trúng thầu nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức thấp...
Hà Thành (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.