13/12/2017 7:30 AM
Hiện, tất cả các tuyến quốc lộ về Hà Nội đã “được” các trạm BOT vây kín, không có con đường nào miễn phí cho người đi và đến thủ đô.
Quốc lộ 1 (QL1) là tuyến giao thông quan trọng nhất nối Hà Nội với các tỉnh khác, riêng đoạn từ Ninh Bình về Hà Nội, QL1 còn có cả đường cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình. Tuy nhiên tuyến QL này hiện nay cũng không thoát khỏi “gọng kìm” của các trạm BOT khi người dân về Thủ đô.
Án ngữ phía Nam Hà Nội, trạm thu phí BOT Pháp Vân được cho là "ăn mặn" nhất khi chỉ tráng men mặt đường nhưng thu phí bằng cao tốc làm mới
Bên cạnh đó, nhiều dự án không làm dự án BOT ở Hà Nội hoặc trên chính những tuyến đường đặt trạm thu phí, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư đang đặt trạm thu phí BOT trên các tuyến QL, đường hướng tâm vốn là đường Nhà nước bỏ tiền ra làm. Điều này ngoài ảnh hưởng đến giao thông, người đi và đến Hà Nội đang phải trả phí cho các tuyến đường mà mình không sử dụng.
Đường cũ “biến” thành cao tốc
Tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ - cửa ngõ phía Nam ra vào Hà Nội, vốn là đường nhà nước, nhưng từ năm 2015, Bộ GTVT đã phê duyệt cho Cty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng.
Vừa qua, cơ quan giám sát phát hiện trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ từng có mức thu chênh từ 500 đến 700 triệu đồng/ngày so với báo cáo
Theo tiến độ, đến cuối năm 2018 dự án được thi công xong, nhưng từ cuối năm 2015, nhà đầu tư đã lập trạm thu phí (thu sớm 2 năm), với mức phí 45.000 đồng/lượt xe dưới 12 chỗ ngồi.
Trước khoảng cách giữa các trạm thu phí BOT trên hai tuyến cao tốc: Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình quá gần nhau và không đảm bảo khoảng cách 70km theo quy định, tháng 4/2017 Bộ GTVT đã yêu cầu phải dỡ bỏ một trạm tại trục cao tốc dài 80km này.
Theo đó, thay vì sử dụng 2 trạm thu phí với 2 lần thu tiền chủ phương tiện, từ 1/5/2017, Bộ GTVT đã yêu cầu các nhà đầu tư tại đây thống nhất bỏ trạm thu phí Đại Xuyên (gần Cầu Giẽ).
Ngoài đáp ứng quy định về khoảng cách, giảm số lần phương tiện phải dừng đỗ mua vé, việc hai dự án sử dụng chung một trạm thu phí còn đảm bảo tính công khai, minh bạch trong hoạt động thu phí tại tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ.
Theo Tổng cục Đường bộ, không cần phải kéo dài đến 17 năm 3 tháng với dự án Pháp Vân - Cầu Giẽ như hợp đồng BOT. Thế nhưng, đến nay, chưa thấy Bộ GTVT đề cập đến việc giải quyết nội dung này
Do bị người dân phản ứng đường chưa xong đã thu phí với mức "chặt chém", tiếp sau đó, Tổng Cục đường Bộ Việt Nam thanh tra, phát hiện nhà đầu tư thu được khoảng 1,7 tỷ đồng ngày, nhưng chỉ báo 1,2 tỷ. Trước sự việc này, Tổng Cục đã yêu cầu nhà đầu tư chấn chỉnh, có biện pháp thu phí hợp lý.
Từ con số tính toán có được, dự án chỉ cần thu 11 năm 7 tháng là đủ số tiền 6.731 tỷ đồng nhà đầu bỏ ra thực hiện dự án, không cần phải kéo dài đến 17 năm 3 tháng như hợp đồng BOT. Thế nhưng, kể sau khi Tổng cục Đường bộ công bố con số trên đến nay, dư luận chưa thấy Bộ GTVT đề cập đến việc giải quyết nội dung này .
Quốc lộ 1 “trùng trùng” trạm BOT bủa vây
Để tránh việc phí chồng phí khi Bộ GTVT triển khai thu quỹ bảo trì đường bộ, tháng 4/2013, Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT dỡ bỏ trạm thu phí Nam Cầu Giẽ đóng trên QL1 đoạn qua huyện Duy Tiên, Hà Nam.
Việc dỡ bỏ trạm thu phí Nam Cầu Giẽ cũng trở nên phù hợp hơn khi tuyến cao tốc BOT Cầu Giẽ - Ninh Bình được thông tuyến vào năm 2013. Từ đó, giúp người dân từ các tỉnh phía Nam về Hà Nội có quyền lựa chọn đi đường BOT (mất phí) hoặc đường QL1 cũ (miễn phí).
Cửa ngõ Tây Bắc ra vào Hà Nội đã có BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài án ngữ để thu phí hoàn vốn cho dự án cách đó 50 km
Tuy nhiên, quyền lựa chọn này của người dân cũng không đảm bảo được lâu khi “cơn lốc” BOT tràn ngập mọi nẻo đường. Cụ thể, với tổng mức đầu tư 2.047 tỷ đồng, năm 2013 Bộ GTVT đã ký hợp đồng BOT với liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng FCC thực hiện dự án tuyến đường tránh thành phố Phủ Lý (Hà Nam).
Sau gần 2 năm thi công, đến tháng 10/2016 nhà đầu tư đã đưa dự án vào hoạt động và dựng trạm thu phí. Và vấn đề đang khiến người dân thường xuyên tham gia giao thông ở đây băn khoăn, bức xúc là làm đường tránh Phủ Lý nhưng tại sao nhà đầu tư lại đặt trạm thu phí trên QL1 - đúng vị trí trạm phía Nam Cầu Giẽ vừa được nhà nước dỡ bỏ.
Ngoài ra, QL1 còn dự án BOT QL1A đoạn Hà Nội - Bắc Giang- Lạng Sơn (bao gồm nâng cấp QL1A và làm tuyến cao tốc mới) đang triển khai, hiện đã thu phí.
Không có đường nào miễn phí
Đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (cửa ngõ phía Tây bắc Hà Nội), là đường Nhà nước, nhưng từ năm 2009, bị đặt trạm BOT để thu phí hoàn vốn cho dự án QL2 đoạn tránh TP. Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Dự án do Cty Cổ phần BOT Viettracimex 8 thực hiện.
Theo hợp đồng BOT được ký giữa Tổng Cục đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư – Công ty Cổ phần BOT Viettracimex 8, với giá trị hợp đồng làm đường tránh Vĩnh Yên 531 tỷ đồng, từ 1/9/2009, Cty Viettracimex 8 được đặt trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long - Nội Bài để hoàn vốn dự án QL2 đoạn tránh thành phố Vĩnh Yên trong vòng 16 năm 10 tháng.
Quốc lộ 6 từ Hòa Bình về Hà Nội đã có BOT QL6 đón lõng người dân
Đến nay, nhà đầu tư đã thu được hơn 8 năm. Với lý do đường làm một nơi, trạm thu phí một nẻo, nhiều năm qua người dân và chính quyền thành phố đã nhiều lần có kiến nghị với Chính phủ, Bộ GTVT di dời trạm ra khỏi Hà Nội. Song, hiện trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài vẫn tồn tại và thường xuyên gây ùn tắc vào những ngày lễ Tết.
Trạm thu phí BOT QL5 đón lõng người đi từ hướng Đông lên Hà Nội
Quốc lộ 5 (của ngõ phía Đông) là tuyến đường được xây dựng bằng ngân sách Nhà nước và đã đi vào hoạt động hàng chục năm nay. Tuy nhiên, năm 2015, sau khi tuyến cao tốc BOT Hà Nội - Hải Phòng thông xe, tuyến đường này được Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam – VIDIFI (chủ đầu tư dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng) tiếp quản và lập 2 trạm thu phí (trạm số 1 tại Văn Lâm - Hưng Yên, trạm 2 tại Hải Phòng) để thu phí hoàn vốn dự án.
Theo đó, mức phí VIDIFI đang thu tại cả hai trạm này là 40.000 đồng/lượt ô tô dưới 12 chỗ và 180.000 đồng/lượt với xe tải lớn. So với mức phí 10.000 đồng/lượt được trạm nhà nước thu trước đó, các trạm thu phí BOT của VIDIFI đã thu cao vượt gấp 4 lần.
Quốc lộ 6 (cửa ngõ phí Tây) nối các tỉnh Tây Bắc với Hà Nội hiện cũng đã bị trạm thu phí BOT Hòa Lạc - Hòa Bình (gắn với tăng cường mặt đường QL 6) cũng thu phí cả hai tuyến. Với tuyến từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn, dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (Bắc Kạn) cũng sẽ thu phí trong thời gian tới.
Phi Long (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.