Trên địa bàn tỉnh Yên Bái được quy hoạch 3 khu công nghiệp (KCN) với diện tích trên 630ha. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đến Yên Bái không mấy mặn mà với KCN, khiến nhiều diện tích đất trong KCN bị bỏ hoang. Điều này đã gây lãng phí đất và nguồn tài lực của địa phương.

Nhiều doanh nghiệp đến xây dựng tại KCN nhưng sau đó lại dừng khiến nhiều diện tích đất bị bỏ hoang gây lãng phí đất

Doanh nghiệp “thờ ơ” với KCN

Trong nhưng năm qua, tỉnh Yên Bái đã có rất nhiều chính sách tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu và đầu tư. Vì vậy các nhà đầu tư đến Yên Bái ngày một tăng, tuy nhiên họ lại không mấy mặn mà với các KCN.

Yên Bái được Thủ tướng Chính phủ đưa vào quy hoạch 3 khu công nghiệp (KCN) quốc gia: KCN Phía Nam, KCN Âu Lâu và KCN Minh Quân với diện tích quy hoạch trên 630ha. Tuy nhiên, đến nay mới có 39 dự án đăng ký đầu tư, diện tích đăng ký sử dụng đất mới chỉ được 1/3 so với diện tích được quy hoạch.

Hiện nay KCN Minh Quân thuộc huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã đi vào hoạt động nhiều năm nay nhưng mới chỉ có 4 dự án triển khai. KCN Minh Quân được đầu tư và phê duyệt là KCN quốc gia với diện tích quy hoạch 112ha, nhưng hiện tại mới thu hút được 4 dự án đầu tư với tổng diện tích sử dụng trên 20ha, tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 43%. Trong đó, mới có 1 dự án đi vào hoạt động còn 3 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng.

Đất bỏ hoang người dân tận dụng để chăn thả gia súc

Hay KCN phía Nam thuộc xã Văn Tiến, TP. Yên Bái có diện tích được quy hoạch là trên 400ha chỉ cách Hà Nội 160km và cách đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai hơn 5km. Với vị trí giao thông thuận lợi, sau nhiều năm đi vào hoạt động đến nay KCN phía Nam mới thu hút được hơn 34 dự án đăng ký đầu tư với diện tích đăng ký sử dụng trên 100ha.

KCN Phía Nam dù đã đi vào hoạt động nhiều năm nhưng nhiều đơn vị chưa mặn mà với KCN này. Một số đơn vị đã đầu tư nhưng sau một thời gian lại dừng, có những doanh nghiệp xây dựng hàng tỷ đồng xong cũng “đắp chiếu” để đó.

Theo Ban Quản lý các KCN của tỉnh Yên Bái, hiện nay các KCN của tỉnh có 39 dự án đầu tư. Trong đó có 6 dự án đang đầu tư xây dựng, 2 dự án tạm dừng triển khai, 3 dự án chưa triển khai và có 28 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh với diện tích đất đăng ký sử dụng mới chỉ 138ha/630ha được quy hoạch. Điều này cho thấy, diện tích đất trong KCN được sử dụng rất ít, số còn lại chưa được sử dụng và bị bỏ hoang do doanh nghiệp dừng và chưa hoạt động.

Còn nhiều bất cập

Qua tìm hiểu thực tế, hiện nay các KCN đã đi vào hoạt động nhiều năm nhưng các doanh nghiệp cũng không mấy mặn mà với KCN, họ vẫn còn e ngại khi đầu tư dự án trong các KCN. Cũng không ít doanh nghiệp đến đầu tư xây dựng nhưng rồi cũng dừng, đất bỏ hoang người dân tận dụng để chăn thả gia súc.

Hệ thống giao thông nội bộ xuống cấp gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các đơn vị đang hoạt động

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do KCN chưa có mặt bằng sạch và chưa giải phóng mặt bằng cho các hộ dân. Mặt khác, vì cơ sở hạ tầng, đường giao thông nội bộ, đường điện, đường nước gần như không có. Các dự án đã đi vào hoạt động hoặc đang triển khai tại KCN cũng gặp không ít khó khăn khi phải tự đầu tư kinh phí để tự giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng.

Hiện nay, diện tích đất tại KCN Minh Quân còn nhiều nhưng một số nhà đầu tư đến đây rất cân nhắc. Bởi KCN này chưa có mặt bằng sạch, mặt khác vì cơ sở hạ tầng, đường giao thông nội bộ, đường điện, đường nước gần như không có. Nhiều diện tích đất trong KCN đang bị bỏ hoang gây lãng phí đất trong nhiều năm qua.

KCN phía Nam cũng vậy, dù đã đi vào hoạt động nhiều năm qua nhưng các doanh nghiệp không mấy mặn mà. Một số đơn vị đã đầu tư nhưng sau lại dừng, đối với một số doanh nghiệp hoạt động nhiều năm tạo đây cũng còn nhiều băn khoăn.

Ông Dương Duy Bình - Trưởng phòng Hành chính nhân sự Công ty Cổ phần An Tiến cho biết: Công ty đi vào hoạt động từ năm 2009, sản xuất phụ gia cho ngành nhựa, sản phẩm chính là hạt nhựa. Hiện nay, hệ thống giao thông nội bộ của KCN đang xuống cấp nên việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của đơn vị cũng gặp không ít khó khăn. Không những vậy hệ thống điện tại đây cũng không được ổn định, chính vì vậy cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của công ty. Trong thời gian tới, công ty cũng mong tỉnh Yên Bái hỗ trợ thêm về cơ sở hạ tầng, đường giao thông nội bộ, đường điện ổn định để nhà máy ổn định trong quá trình sản xuất”.

Đường vào KCN Âu Lâu lầy lội vào những ngày mưa nên việc đi lại của công nhân gặp không ít khó khăn

Ông Nguyễn Hữu Hiền - Trưởng Bản Quản lý các KCN tỉnh Yên Bái cho biết: Hiện nay các nhà đầu tư còn cân nhắc khi đầu tư vào KCN vì khi đến họ phải ứng vốn ra để giải phóng mặt bằng, do Yên Bái chưa có đủ kinh phí để giải phóng mặt bằng cho toàn bộ KCN. Đồng thời, do chưa có mặt bằng sạch nên các đơn vị này cũng phải tự san tạo mặt bằng để xây dựng. Để các nhà đầu tư đi vào hoạt động chi phí rất lớn, vì vậy mà khó thu hút được nhà đầu tư đến với KCN.

“Hơn nữa, do KCN này chưa có nhà đầu tư sơ cấp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực hạ nên mọi hoạt động tại đây mới chỉ được đầu tư từ ngân sách. Vì nguồn lực còn hạn chế, nên tại đây chưa được đầu tư các công trình phúc lợi công cộng phục vụ cho người lao động. Hạ tầng kỹ khuật trong và ngoài hàng rào KCN chưa được đầu tư bài bản, hệ thống đường giao thông chưa được đồng bộ”, ông Nguyễn Hữu Hiền nói.

Có thể thấy, tỉnh Yên Bái đã đầu tư cơ bản về hạ tầng. Tuy nhiên, các KCN chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư và tỷ lệ lấp đầy chưa tương xứng với quy mô và tiềm năng được quy hoạch. Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái cần quan tâm đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng một cách đồng bộ, để thu hút và giữ chân được các nhà đầu tư đến với Yên Bái…

Thanh Ngà (Báo TNMT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.