Một gia đình công nhân trong nhà trọ. Ảnh: K.A
Thực trạng
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã hình thành 260 KCN, trong đó 174 KCN đã đi vào hoạt động, phân bổ trên 57 tỉnh – thành, thu hút 4.000 dự án (DA) đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 56 tỉ USD, trong đó 3.000 DA đã đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các KCN cũng thu hút 4.400 DA đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 360.000 tỉ đồng. Các DA trên đã thu hút khoảng 1,6 triệu CNLĐ trực tiếp và hàng triệu NLĐ gián tiếp; hằng năm các KCN đóng góp hơn 30% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước...
Điều đáng lưu ý là có tới 70% số CNLĐ trong các KCN là người nhập cư. Mặc dù họ đóng góp lớn như vậy, nhưng hiện nay chỉ có 20% trong số họ có chỗ ở ổn định; 80% còn lại phải thuê nhà do dân xây cất quanh các KCN, hầu hết chật chội, thiếu tiện nghi. Trong khi đó, thu nhập bình quân CNLĐ chỉ từ 2,5 – 2,8 triệu đồng/tháng, chi ăn uống 60%; số 40% còn lại chi các nhu cầu khác, trong đó có thuê nhà.
Bởi các lẽ trên, năm 2008, T.Ư Đảng đã ban hành Nghị quyết 20 về xây dựng GCCN, trong đó chỉ đạo các cấp, các ngành chăm lo nhà ở cho CN. Năm 2009, Chính phủ có Nghị quyết số 18 và Thủ tướng cũng có QĐ 65 về cơ chế đẩy mạnh phát triển nhà ở cho CNLĐ các KCN với nhiều chính sách ưu đãi nhằm phấn đấu đến 2015 có 50% số CNLĐ được đáp ứng chỗ ở. Tuy nhiên, đến nay kết quả vẫn rất... “khiêm tốn”, cụ thể: Cả nước mới có 27 DA khởi công, “đang” và “sẽ” giải quyết chỗ ở cho 140.000 CNLĐ!
Sai đối tượng!
Theo quan điểm của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng: Trong số các đối tượng được “xếp” vào GCCN của Nghị quyết 20, thì đối tượng cần ưu tiên chăm lo nhất về nhà ở là CNLĐ của các KCN tập trung, bởi phần lớn họ là người nhập cư, không có chỗ ở ổn định thì cũng không ổn định về việc làm. Thế nhưng, hiện nay hầu như không DA nào xây nhà ở cho CNLĐ làm việc tại các KCN, vì họ không có khả năng thanh toán. Phần lớn DA nhà ở cho người thu nhập thấp là dành cho những đối tượng có khả năng mua nhà. Có DA lại tập trung xây ký túc xá sinh viên, trong khi việc này phải do các trường tự chủ về tài chính tự lo. Tóm lại, hiện hầu hết các DA nhà ở đều phục vụ sai đối tượng của Nghị quyết 20 của Đảng và Nghị quyết 18 của Chính phủ cũng như QĐ 65 của Thủ tướng.
Theo quan điểm của TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội XDVN: “CNLĐ nhập cư không có tiền, cũng ít có nhu cầu mua nhà vì họ chỉ làm việc vài năm rồi về quê. Phần lớn họ đang ở trọ tại các ngôi nhà cấp 4 do dân tự dựng quanh các KCN để cho thuê. Vì vậy, cần tập trung chính sách nâng cấp các nhà trọ trong dân cho CNLĐ đỡ khổ”.