Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại. Nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công vẫn cố tình cho công nhân xây dựng bất chấp sự ngăn cản của chính quyền sở tại và Nghị định của Chính phủ…
Hơn chục hộ dân phải di dời khẩn cấp
Báo PL&XH đã có bài phản ánh: Khi tiến hành xây dựng công trình Chung cư cao tầng và Trung tâm thương mại văn phòng với quy mô: Hai tầng hầm; hai tòa tháp cao 25 tầng và một tòa tháp cao 19 tầng tại 250 phố Minh Khai, phường Minh Khai do Cty CP May Thăng Long làm chủ đầu tư còn đơn vị góp vốn và cũng là đơn vị tổng thầu xây lắp là Cty CP Đầu tư Xây dựng ECON. Ngay từ khi đào móng để xây dựng tầng hầm, do không áp dụng các biện pháp để đảm bảo an toàn khiến gần trăm ngôi nhà ở tổ 48 và 49, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bị ảnh hưởng nghiêm trọng như lún nền, gãy trần, nghiêng nhà, xé tường, thấm dột… Sự việc xảy ra đã hơn một năm, đến nay nhiều ngôi nhà chưa được khắc phục. Trong đó, có khoảng chục hộ dân ở tổ 48, ngõ 252 phố Minh Khai đã nhận được thông báo của UBND phường Minh Khai và chủ đầu tư về việc di dời khẩn cấp ra khỏi căn hộ để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe và tài sản.
Ngày 2-2-2013, UBND phường Minh Khai triển khai cuộc họp giữa các hộ dân trong dãy nhà B4 cùng các bên liên quan tiếp tục hòa giải thỏa thuận đền bù, sửa chữa nhà các hộ dân theo kết quả dự toán của đơn vị kiểm định. Tuy nhiên, buổi họp hòa giải này cũng không thành vì các hộ dân không đồng ý theo kết quả dự toán đền bù, sửa chữa của Cty CONINCO. Các hộ dân vẫn yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công tạm dừng thi công công trình để thỏa thuận, khắc phục, sửa chữa cho các hộ dân. Trong cuộc họp này, vị đại diện Thanh tra Xây dựng quận Hai Bà Trưng đưa ra đề nghị: “Đa số các hộ dân không đồng thuận theo dự toán đền bù, sửa chữa của đơn vị thứ 3 đưa ra. Đề nghị chủ đầu tư tạm dừng công trình, có động thái tích cực với các hộ dân, đưa ra kế hoạch tốt nhất để các hộ dân chấp thuận”.
Thuê “côn đồ” để… dọa dân?
Trong tất cả các cuộc họp, người dân và cơ quan chức năng liên tiếp yêu cầu chủ đầu tư và đơn vị thi công phải đình chỉ toàn bộ công việc thi công tại công trình này để tránh tiếp tục làm ảnh hưởng đến các công trình của các hộ dân nhưng các đơn vị thực hiện dự án vẫn tiếp tục cho tiến hành thi công. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuân, Giám đốc BQLDA ECON, đại diện chủ đầu tư cho hay: “Do địa chất phức tạp, khi đào móng đã làm đứt mạch nước ngầm gây sụt lún cho các hộ dân lân cận. Khi xảy ra sự cố, chúng tôi đã tích cực hợp tác với cơ quan chức năng và người dân để thỏa thuận đền bù, tìm biện pháp khắc phục sự cố. Tuy nhiên, công trình đã phải tạm dừng hơn 3 tháng, gây thiệt hại rất lớn cho chủ đầu tư và đơn vị thi công. Khi thi công các hạng mục phía trên cốt 0, không được sự đồng ý của người dân bị ảnh hưởng cũng như chính quyền sở tại, UBND phường cũng đã lập biên bản tạm ngừng thi công. Để đảm bảo tiến độ cũng như công việc cho hàng trăm công nhân đang làm việc tại công trình này nên nhà thầu buộc phải thi công”.
Theo lời vị đại diện chủ đầu tư, sự cố xảy ra là ngoài ý muốn, tất cả các công trình cao tầng xây dựng khu vực Hà Nội không thể tránh khỏi việc sụt lún, ảnh hưởng đến công trình của các hộ dân. “Các khâu, từ khảo sát, thiết kế, đến thi công chúng tôi đều tuân thủ theo quy định của pháp luật. Chúng tôi đã tính trước được sự cố và có biện pháp thi công tối ưu để đảm bảo an toàn tài sản cũng như tính mạng cho người dân nhưng sự cố vẫn xảy ra. Không có việc chúng tôi làm tắt hay ăn bớt vật liệu, công đoạn như người dân phản ánh. Chủ đầu tư đã có văn bản yêu cầu các hộ di dời khẩn cấp, toàn bộ chi phí do chúng tôi chi trả nhưng họ kiên quyết không di dời, gây khó khăn cho việc khắc phục sự cố”, ông Tuân cho hay.
Liên quan đến vụ việc người dân bị gần 50 người lạ mặt đe dọa khi ngăn cản xe chở vật liệu vào công trình, ông Tuân xác nhận có sự việc đó xảy ra và cho biết: “Lúc xảy ra sự việc tôi không có ở đó. Qua quá trình nắm bắt thông tin, chúng tôi xác định được nhóm người lạ mặt đó không phải người ở trong công trình mà do nhà thầu và đơn vị cung cấp vật tư thuê để bảo vệ đoàn xe chở vật liệu xây dựng vào công trình. Nhóm người đó chủ đầu tư không thuê và cũng không liên quan đến chủ đầu tư. Trước đó, người dân cũng đã nhiều lần ngăn cản, gây khó khăn cho chúng tôi xây dựng các hạng mục dưới cốt 0, họ cũng không thực hiện đúng theo cam kết”.
Vị đại diện chủ đầu tư cho hay, đến nay chủ đầu tư đã thỏa thuận được 80% các hộ bị ảnh hưởng, còn lại là các hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Nếu không đạt được thỏa thuận, thống nhất giữa người dân và chủ đầu tư thì có thể đưa nhau ra tòa. Hậu quả bên nào sai, bên ấy phải chịu trách nhiệm. Dự kiến, công trình này sẽ tiếp tục được thi công vào giữa tháng 3 để đảm bảo tiến độ. Trong khi chưa bồi thường thiệt hại cho người dân, mà các đơn vị thực hiện dự án này đã và sẽ tiếp tục thi công các hạng mục của dự án là vi phạm khoản 1 Điều 15, Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Nhiều bạn đọc cho rằng, UBND TP Hà Nội cần sớm vào cuộc để tiến hành thanh, kiểm tra, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến sự cố và có biện pháp giải quyết thỏa đáng bảo vệ quyền lợi cho người dân cũng như chủ đầu tư. Báo PL&XH sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Điều 15, Nghị định 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử lý công trình xây dựng ảnh hưởng đến chất lượng công trình lân cận; ảnh hưởng đến môi trường, cộng đồng dân cư: 1. Trường hợp công trình xây dựng gây lún, nứt, thấm, dột hoặc có nguy cơ làm sụp đổ các công trình lân cận thì phải ngừng thi công xây dựng để thực hiện bồi thường thiệt hại. a) Việc bồi thường thiệt hại do chủ đầu tư và bên bị thiệt hại tự thỏa thuận; Trường hợp các bên không thỏa thuận được thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện đòi bồi thường tại tòa án. b) Công trình chỉ được phép tiếp tục thi công xây dựng khi các bên đạt được thỏa thuận việc bồi thường thiệt hại. |