Thông điệp trên được đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan tổ chức tại thủ đô Warsaw chiều 17/1 (giờ địa phương).
Các ý kiến tại Diễn đàn đánh giá thời gian qua, quan hệ song phương Việt Nam – Ba Lan ngày càng đi vào thực chất, trọng điểm, hiệu quả, tạo đà cho hợp tác kinh tế, công nghiệp, thương mại phát triển. Trong thập kỷ vừa qua, không có nhiều quốc gia tại Liên minh châu Âu (EU) duy trì liên tục đà tăng trưởng thương mại hai chiều thường xuyên ở mức 2 con số với Việt Nam như Ba Lan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ba Lan. Ảnh: VGP
Trong 5 năm trở lại đây, đặc biệt là sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Ba Lan tăng trưởng trung bình gần 40%/năm.
Kết quả này đưa Ba Lan là bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam tại Trung Đông Âu, còn Việt Nam là bạn hàng thứ 3 của Ba Lan ở Đông Nam Á.
Về đầu tư, tính đến cuối tháng 10/2024, Ba Lan đứng thứ 21/149 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 32 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 473 triệu USD, hình thức chủ yếu là 100% vốn nước ngoài. Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại Ba Lan với tổng vốn đầu tư 1,84 triệu USD, thuộc lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp chế biến.
Thời gian tới, các doanh nghiệp hai nước sẽ tập trung hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại hai nước lên 5 tỷ USD vào năm 2030 như mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra.
Các doanh nghiệp Ba Lan sẽ đầu tư hơn nữa vào Việt Nam, đặc biệt là các ngành mũi nhọn của Ba Lan, phù hợp với nhu cầu phát triển bền vững của Việt Nam như công nghệ thông tin, sản xuất và chế tạo công nghệ cao, năng lượng tái tạo, dược phẩm và y tế, vận tải, tài chính và ngân hàng.
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá đến nay, các cơ chế hợp tác giữa hai nước đã được thiết lập, trong đó lớn nhất đó là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã đi vào thực thi và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) đang trong quá trình phê chuẩn.
Mặt khác, Thủ tướng cũng mong muốn Việt Nam là cầu nối, thúc đẩy, gắn kết hợp tác giữa Ba Lan, EU với ASEAN. Việt Nam ủng hộ Ba Lan tham gia Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) với ASEAN. Thủ tướng tin tưởng cơ chế hợp tác khu vực này sẽ được hình thành sớm, để đôi bên được hưởng lợi kép, tận dụng, khai thác tối đa.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng quan hệ kinh tế đầu tư Việt Nam và Ba Lan chưa tương xứng với quan hệ chính trị, tình cảm hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.
Thủ tướng cho rằng điều này có một phần trách nhiệm của các nhà lãnh đạo hai nước và việc kết nối hai nền kinh tế sẽ có cách làm mới, tiếp cận mới để đẩy mạnh kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước, phát huy những thế mạnh bổ sung cho nhau về hàng hoá, công nghệ, thương mại, đầu tư.
Các doanh nghiệp phải tăng cường kết nối, thảo luận, làm việc, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển. Còn Chính phủ hai nước có trách nhiệm khắc phục các vướng mắc, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy vai trò dẫn dắt, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp.
Về phần mình, Việt Nam sẽ tạo ra môi trường ổn định, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, Việt Nam hiện cũng xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, sức khoẻ, phát triển bền vững... Cùng với đó, Việt Nam đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực.
Bởi vậy, Thủ tướng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, hợp tác hiệu quả hơn nữa, trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ. Ông kêu gọi các doanh nghiệp Ba Lan hãy tăng cường đầu tư tại Việt Nam để đôi bên cùng hưởng lợi.
Tại Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, Ba Lan là trung tâm về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sản xuất công nghiệp như đóng tàu, chế tạo cơ khí. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh dân số đông, lao động trẻ, có khả năng tiếp thu nhanh về công nghệ, có sẵn mặt bằng phục vụ sản xuất…
Bộ trưởng cho rằng những nền kinh tế có độ mở lớn như Ba Lan và Việt Nam cần tăng cường hợp tác, cũng như hợp tác ASEAN và EU sẽ đem lại lợi ích cho đôi bên.
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Công nghệ Krystof Paszyk chia sẻ những thế mạnh của nền kinh tế Ba Lan mà hai bên có thể tập trung hợp tác và nêu rõ, chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khẳng định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế bền vững giữa hai nước. Ba Lan sẽ hỗ trợ Việt Nam mở rộng thị trường thương mại và đầu tư.
Hai Bộ trưởng đều khẳng định các bộ, ngành hai nước sẵn sàng hợp tác để tạo thuận lợi, cam kết hỗ trợ cho các cộng đồng doanh nghiệp hai nước làm ăn thuận lợi, thành công.
Đặc biệt, Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực, thời gian tới, Ba Lan sẽ sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA, tạo xung lực mới cho hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước trong kỷ nguyên mới.
-
Thủ tướng đề nghị tập đoàn hàng không quốc gia Ba Lan mở lại đường bay tới Việt Nam
Thủ tướng đề nghị LOT tiên phong mở lại đường bay tới Việt Nam, tiếp tục hợp tác với Vietnam Airlines để khai thác các đường bay, trong đó có hình thức bay charter, đưa du khách tới các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.