Giá nhà đắt đỏ khiến phần lớn trong số 7,4 triệu cư dân Hồng Kông đang sống trong các căn hộ với diện tích hẹp. Vì vậy, họ cần có không gian để có thể lữu trữ các đồ đạc ít cần thiết trong cuộc sống cá nhân. Điều này biến Hồng Kông trở thành thị trường đầy tiềm năng dành cho các công ty cung cấp không gian để lưu trữ đồ đạc và thu phí theo tháng.
 
Hồng Kông từ lâu vốn nổi tiếng bởi các căn hộ tý hon. Theo số liệu của CBRE, diện tích trung bình các căn hộ cho người độc thân tại đây chỉ là 167 feet vuông; so với 247 feet vuông tại Singapore; 402 feet vuông tại Anh; 853 feet vuông tại Australia và 980 feet vuông tại Mỹ. Với không gian sống như vậy, cư dân Hồng Kông thiếu trầm trọng nơi để cất giữ đồ đạc của mình.
 
Trong bối cảnh này, Skip Schwartz, Giám đốc đầu tư bất động sản khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Heitman LLC cho biết, thị trường dịch vụ lưu trữ đồ đạc tại Hồng Kông rất “quyến rũ”. Ông đang tìm kiếm cơ hội tại một doanh nghiệp liên kết để tham gia thị trường này.
 
Chris Heady, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương và người đứng đầu bộ phận bất động sản châu Á của Blackstone cho biết, đây là một lĩnh vực đầy thú vị. Blackstone đã đầu tư 420 triệu HKD vào công ty lưu trữ đồ đạc mang tên MiniCo Self-Storage trong tháng 3/2015. Công ty này hiện được gọi là Minibox Self Storage.
 
Blackstone không phải là đại gia duy nhất nhận ra sự hấp dẫn của lĩnh vực kinh doanh này. Tại Hồng Kông, có khá nhiều doanh nghiệp đã nhận ra thị trường đầy tiềm năng này và đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ.
 
Với Công ty New Territories, một phòng chứa đồ rộng 20 feet vuông, đủ chỗ cho 1 chiếc sô pha 2 chỗ ngồi, 1 bức tranh, tủ quần áo nhỏ, nệm và 1 chiếc TV 24 inch có giá 400 HKD/tháng. Trong khi đó, 1 phòng chứa rộng 100 feet vuông, đủ chỗ cho các đồ đac trên, thêm 1 chiếc tủ trà, 5 hộp tài liệu, 1 chiếc đèn, 1 máy tính, 1 chiếc ghế, 2 túi quần áo và 1 chiếc bàn ăn, có giá tới 2.750 HKD/tháng.
 
Trong báo cáo mới nhất của Jones Lang LaSelle, công ty này đánh giá lĩnh vực này đang rất thu hút nhà đầu tư tại Hồng Kông bởi người dân có thu nhập cao hơn và nhu cầu cất giữ đồ đạc lớn hơn và thực tế rằng, những người đã sử dụng dịch vụ thường gắn bó trong thời gian rất dài.
 
Khoảng 3/4 số người sử dụng dịch vụ lưu trữ là các cá nhân độc thân. Tuy nhiên, yếu tố thúc đẩy dịch vụ này phát triển mạnh bao gồm việc kết hôn – khi 2 người chuyển tới sống cùng khiến rất nhiều đồ đạc cần nơi trữ, và việc ly hôn, khi một người chuyển ra ngoài sống và cần nơi chứa đồ. Chưa kể, tỷ lệ tử vong cũng là 1 yếu tố hỗ trợ, khi đồ đạc của người quá cố được chuyển tới nơi cất giữ, bởi nơi sống hiện tại không còn đủ chỗ.
 
Bên cạnh đó, Bob Tan, giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Jones Lang LaSalle cho biết, thế hệ millennials (từ 18 – 35 tuổi) cùng những thế hệ trẻ hơn là lực lượng khách hàng đông đảo, trung thành đối với dịch vụ cất giữ đồ.
 
“Nếu cách đây 1, 2 thế hệ, mọi người sẽ chỉ thích cất giữ đồ đạc trong nhà của mình, họ không muốn đưa đồ đạc ra ngoài và dùng dịch vụ của một bên thứ ba”, Bob Tan cho biết.
 
Một yếu tố khác đảm bảo sự tăng trưởng của dịch vụ lưu trữ đồ trong dài hạn đó là khoảng cách ngày càng lớn giữa giá bất động sản Hồng Kông và tăng trưởng tiền lương. Người dân tại đây đang buộc phải tìm tới các diện tích sống nhỏ hơn do, đồng nghĩa với việc ít không gian hơn để chứa đồ đạc.
 
Về phía các nhà đầu tư, Bob Tan cho rằng, thị trường cung cấp dịch vụ cất giữ đồ đạc tại Hồng Kông sẽ tăng trưởng khoảng 3 – 5% mỗi năm trong dài hạn.
 
“Dịch vụ này không yêu cầu nhiều nhân viên. Nhà tổ chức thường có xu hướng tự động hóa trong việc làm giấy tờ, an ninh và tổ chức hoạt động. Bởi vậy, đây là nơi khá đơn gian để đầu tư, quản lý và rút vốn ra so với các loại hình đầu tư khác”, Bob Tan cho biết.
Lam Phong (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.